02:14 28/02/2011

Trả giá cho lòng tham

Xinh đẹp và quyến rũ, từng được xem là “Nhân vật của năm” do tạp chí Thế giới Phụ nữ (Nga) bình chọn... nhưng tất cả chỉ là bề ngoài bóng bẩy của bà Leila Ben Ali - cựu Đệ nhất Phu nhân Tunisia.

Xinh đẹp và quyến rũ, từng được xem là “Nhân vật của năm” do tạp chí Thế giới Phụ nữ (Nga) bình chọn... nhưng tất cả chỉ là bề ngoài bóng bẩy của bà Leila Ben Ali - cựu Đệ nhất Phu nhân Tunisia.


Lý do người dân Tunisia phải đứng dậy làm cuộc “Cách mạng hoa nhài” trở thành câu trả lời đúng đắn nhất về người phụ nữ “thay đổi đẳng cấp” trong nháy mắt này.

“Bệ phóng” xuân sắc

Bà Leila và chồng bị nghi là đã cuỗm 1,5 tấn vàng từ ngân khố trước khi trốn chạy khỏi Tunisia.

Sinh ra trong một gia đình thường dân, anh em không mấy người giàu có, vốn chỉ là một người thợ làm tóc nhưng bà Leila lại sở hữu thân hình nóng bỏng cùng cặp mắt sắc như cứa vào tim đàn ông. Đó chính là lợi thế đã giúp Leila “hạ gục nhanh” Zine El Abidine Ben Ali - người đàn ông quyền lực nhất Tunisia, khi đó vừa trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Năm 1988, sau khi nắm quyền Tổng thống được 1 năm, ông Ben Ali li hôn với người vợ đầu Na,ima el-Kafy.

Năm 1992, cuộc tình của ông và bà Leila được chính thức hóa bằng một đám cưới đình đám.

Leila bước thẳng vào dinh Tổng thống, trở thành Đệ nhất Phu nhân Tunisia trong sự ngỡ ngàng và ngưỡng mộ của bao người quen biết bà.

Tạm gác những gì mà bà Leila cùng gia tộc gây ra cho đất nước Tunisia, khiến người dân nước này phải vùng lên khởi nghĩa, người ta thấy trong khoảng thời gian làm Đệ nhất Phu nhân, bà Leila cũng đã làm được không ít việc.

Năm 2000, bà thành lập Hiệp hội Basma nhằm trợ giúp những người tàn tật, từ việc tổ chức đào tạo nghề (đan thêu, bện thảm, sửa chữa, viết phần mềm máy tính...) đến cung cấp cho họ những khoản tín dụng nhỏ để tạo dựng cơ nghiệp.

Năm 2010, bà Leila còn đưa ra sáng kiến SAIDO, nhằm cải thiện việc chữa trị bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng ở Tunisia.

Với cương vị là quyền Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Ả rập (AWO), bà cũng góp phần không nhỏ trong việc thành lập Hội đồng Phụ nữ Ả rập về vấn đề Luật Nhân đạo Quốc tế nhằm thúc đẩy việc thực thi Luật này ở các nước Ả rập.

Vai trò của bà Leila cũng được Hiệp hội Doanh nghiệp nữ Thế giới (FCEM) đánh giá cao trong lĩnh vực nâng cao sức mạnh của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế.

Lạm dụng quyền lực

Tuy nhiên, khi cuộc “Cách mạng hoa nhài” dâng cao, người ta mới thực sự biết rằng cựu Đệ nhất Phu nhân Tunisia không phải là người phụ nữ đơn giản.

Thông tin được “cởi trói”, bà Leila cùng gia tộc của mình trở thành “biểu tượng cuối cùng của tham nhũng và lãng phí”.

Nếu bà Imelda Marcos, phu nhân vị Tổng thống thứ 10 của Philippines, nổi tiếng với tủ giày gồm 2.700 đôi thì e rằng con số này còn quá nhỏ so với số giày dép mà bà Leila sở hữu.

Đồng thời, trong thời gian chồng cầm quyền, Leila còn lợi dụng vị trí của một Đệ nhất Phu nhân, “cài cắm” tất cả các thành viên của gia đình mình vào những vị trí quyền lực, lũng đoạn bằng các hợp đồng làm ăn phi pháp, tham nhũng và mất lòng dân chúng...

Theo Graciet, đồng tác giả cuốn “La Régente de Carthage” với Nicolas Beau, bà Leila có uy quyền tuyệt đối trong việc điều hành gia đình và đảm bảo bàn tay của họ nhúng vào mọi lĩnh vực kinh tế. Thậm chí, Leila còn tác động cả vào việc bổ nhiệm cũng như bãi nhiệm những ghế Bộ trưởng trong Chính phủ.

Trong các bức điện tín mà Đại sứ Mỹ Robert F.Godec tại Tunisia gửi về Washington mà WikiLeaks tiết lộ gần đây, người ta thấy gia đình của ông Ben Ali hiện lên như một mối liên hệ điển hình của nạn tham nhũng tại Tunisia và gần giống với một băng đảng mafia.

Leila và đại gia đình của bà - được gọi là các Trabelsi (họ của Leila thời con gái) đã vơ vét tất cả những gì họ muốn, từ đất đai, nhà hàng khách sạn, đài phát thanh, hãng hàng không đến du thuyền.

Ảnh hưởng kinh tế của tình trạng này là rất rõ ràng. Các nhà đầu tư Tunisia - những người sợ hãi cánh tay với dài của “gia đình Đệ nhất Phu nhân” - đã từ bỏ các khoản đầu tư mới, giữ tỉ lệ đầu tư nội địa ở mức thấp, làm tỉ lệ thất nghiệp ngày một tăng cao.

Tình trạng quá nhiều thanh niên không có việc làm ở một đất nước có nền giáo dục phát triển đã châm ngòi cho sự nổi dậy.

Ngọn lửa căm phẵn bùng lên sau sự kiện chàng thanh niên Mohamed Bouazizi tự thiêu.

Tốt nghiệp đại học, thất nghiệp, Mohamed phải bán hoa quả và rau cỏ trước cổng trường đại học, nhưng hàng hóa lại bị cảnh sát tịch thu. Quẫn bách vì không còn đường sống, Mohamed quyết định đổ xăng lên người, châm lửa và chính ngọn lửa ấy đã trở thành “giọt nước tràn ly”, thôi thúc người dân Tunisia xuống đường, buộc ông Ben Ali, vợ và những người thân cận phải lên máy bay chạy trốn khỏi chính quê hương họ.

Tuy nhiên, người dân Tunisia vẫn chưa hả giận. Họ xông vào các căn biệt thự và bị sốc trước sự giàu sang và xa hoa của các Trabelsi.

Họ phẫn nộ đốt phá, lấy đi tất cả những gì mà họ coi đáng ra là của họ nhưng bị những người thuộc gia đình bà Leila, nhóm tỉ phú mà họ xem là tội lỗi, hủ hóa, sa đọa nhất của chế độ cũ, cướp mất.

Giờ đây, ông Ben Ali, bà Leila và nhiều thành viên khác của gia tộc quyền lực này đang phải tha hương xứ người và đối mặt với lệnh truy nã.

Một tương lai bấp bênh đang chờ đón các Trabelsi và tất cả đều do lòng tham vô đáy của họ gây ra.

Minh Thành

(Theo PNVN)