12:16 02/12/2011

TP.HCM thiếu nguồn cung, thịt bẩn hoành hành

Rạng sáng ngày 2/12, Đội CSGT Rạch Chiếc phối hợp với Trạm kiểm dịch Động vật Thủ Đức kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp vận chuyển 500 kg thịt lợn không giấy chứng nhận kiểm dịch từ Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ - buộc xử lý tiêu hủy theo quy định

Những ngày này, công tác kiểm soát việc vận chuyển thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm vào Thành phố Hồ Chí Minh rất gắt gao, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy. Ông Phạm Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố cho biết, khó có thể khẳng định được Chi cục đã kiểm soát được bao nhiêu phần trăm số vụ vi phạm bởi không thể kiểm tra tất cả các xe ra vào Thành phố.

Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức kiểm tra thịt bẩn. Ảnh NLĐ


Theo Chi cục Thú y Thành phố, thịt và sản phẩm động vật “bẩn” vào Thành phố Hồ Chí Minh qua các cửa ngõ chính từ phía quận Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Ở mỗi cửa ngõ, các chủ hàng vận chuyển những sản phẩm đặc trưng khác nhau, phía quận Thủ Đức thường là phụ phẩm lợn, bò, chim cút, gà… đưa từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung vào; phía huyện Hóc Môn chủ yếu là cánh gà nhập từ Campuchia; còn từ huyện Bình Chánh hàng đưa vào chủ yếu là các loại gia súc, gia cầm… Nguồn tiêu thụ chính của các lô hàng không giấy kiểm dịch này là các quán nhậu tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Trên quốc lộ 1A, rạng sáng ngày 2/12, Đội CSGT Rạch Chiếc phối hợp với Trạm kiểm dịch Động vật Thủ Đức kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp vận chuyển 500 kg thịt lợn không giấy chứng nhận kiểm dịch từ Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ - buộc xử lý tiêu hủy theo quy định; 1 xe khách vận chuyển 350 kg chả lụa không giấy chứng nhận kiểm dịch từ Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ - buộc kiểm dịch lại theo quy định. Trước đó, cửa ngõ phía quận Thủ Đức (chủ yếu trên tuyến xa lộ Hà Nội), trong tháng 11 vừa qua, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phát hiện 25 vụ vi phạm, chủ yếu là thịt lợn, bò chính phẩm, phụ phẩm, chim cút, gà… gần như ngày nào cũng có vụ vi phạm bị phát hiện, trong đó có những lô hàng khi mở nắp thùng ra bên trong đã đổi màu, bốc mùi hôi thối.
 
Bà Đặng Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, có ngày nhân viên của trạm phát hiện tới 5 vụ vi phạm, hầu hết chủ hàng không xuất trình được bất cứ một loại giấy tờ nào chứng minh những sản phẩm đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y và khai báo là nhận vận chuyển, giao hàng tại các trạm xăng, bến xe… trong thành phố.

Điển hình là vào ngày 17/11/2011, nhân viên Trạm kiểm dịch Thủ Đức đã kiểm tra, phát hiện và xử lý xe khách 53L-8347 vận chuyển trong khoang hành khách 526 kg thịt lợn và 20 kg phụ phẩm lợn vận chuyển từ Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Toàn bộ lô hàng không giấy chứng nhận kiểm dịch, không có dấu kiểm soát giết mổ, thậm chí lô hàng đã bốc mùi hôi thối, tím tái, da xuất huyết, phủ tạng xuất huyết. Tại cửa ngõ Bình Chánh, chỉ trong vài ngày đầu tháng 11, Trạm thú y cũng đã xử lý và tiêu hủy 365 kg thịt lợn, 1.000 kg phụ phẩm lợn không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và không giấy chứng nhận kiểm dịch.

Giải thích nguyên nhân số vụ vận chuyển trái phép thịt và phụ phẩm động vật vào Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng, ông Phạm Xuân Thảo cho biết: Trước đây khi lượng thịt và phụ phẩm được các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch về nhiều với giá rẻ, hầu hết các quán nhậu trên địa bàn Thành phố sử dụng nguồn hàng này khiến các đầu mối cung cấp những sản phẩm cùng loại tại miền Trung không thể cạnh tranh được. Nhưng từ hơn một năm nay, nguồn thịt và phụ phẩm động vật nhập khẩu chính thức bị giảm sút, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng khiến các chủ hàng trong nước tìm cách tuồn hàng về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Thông thường, do phương thức vận chuyển thô sơ, bảo quản sơ sài, không đảm bảo vệ sinh và không qua kiểm dịch nên giá thành các lô hàng vận chuyển lậu chỉ bằng ½ - 1/3 so với các sản phẩm được kiểm dịch và bảo quản đúng yêu cầu, do vậy các chủ hàng tìm mọi cách lách trạm kiểm soát đưa hàng vào thành phố tiêu thụ. Theo các cán bộ thú y, đa phần những sản phẩm vi phạm được các chủ hàng ướp đá sơ sài trong những thùng xốp được dán kín bằng băng keo, thậm chí chỉ được đóng trong những bịch nilon lớn và giấu trong cốp xe khách. Với quãng đường dài vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung, rồi vào TP.Hồ Chí Minh mất từ 1 – 2 ngày, hầu hết các thùng hàng đều chuyển màu, bốc mùi khó chịu. Tuy nhiên, nếu lọt qua được trạm kiểm soát, những lô hàng này khi đã vào tay các “chuyên gia xử lý” thì sản phẩm lại trở nên ngon mắt nhờ vào công dụng của những loại hóa chất “có trời mới biết”.

Chính vì vậy, bên cạnh việc triển khai gắt gao kiểm soát, ngăn chặn các loại thịt “bẩn” vào Thành phố, Chi cục Thú y Thành phố cũng đang đẩy mạnh chương trình tuyên truyền đến người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng. Riêng đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống nên mua hàng có nguồn gốc rõ ràng. Từ phía các nhà cung cấp, ông Phạm Xuân Thảo cho biết đã có một vài cơ sở giết mổ ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung liên hệ với Chi cục Thú y để tham khảo quy trình bảo quản và vận chuyển hàng đúng quy định. Đây được coi là tín hiệu vui trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang khiến cả xã hội quan tâm./.

Liên Phương