05:08 19/05/2012

TPHCM: Phát triển hạ tầng - bài toán khó về vốn

Các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm mà Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa chấp thuận bao gồm 54 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 256.000 tỷ đồng.

Các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm mà Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa chấp thuận bao gồm 54 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 256.000 tỷ đồng. Hình thức kêu gọi đầu tư chủ yếu là B.O.T và B.T. Đây là số lượng dự án lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP để phát triển hạ tầng của thành phố. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, việc kêu gọi đầu tư cho các dự án có số vốn lớn là không dễ chút nào.

Dự án nhiều, vốn ít


Các dự án phát triển hạ tầng của TP.HCM cần nguồn vốn rất lớn. Theo số liệu cụ thể, 3 dự án xây dựng cầu (tổng mức đầu tư 40.073 tỷ đồng); 14 dự án đường (tổng mức đầu tư 36.450 tỷ đồng); 4 dự án nút giao thông (tổng mức đầu tư 1.970 tỷ đồng); 17 dự án thoát nước, chống ngập và bảo vệ môi trường (tổng mức đầu tư 66.501 tỉ đồng); 5 dự án vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (tổng mức đầu tư 85.800 tỷ đồng); 1 dự án xây dựng khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc, quận 9 (tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng) và 10 dự án đề nghị chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng (tổng mức đầu tư 34.882,45 tỷ đồng).

Trong khi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cho đầu tư hạ tầng thì việc kêu gọi các phương thức đầu tư B.O.T (xây dựng - vận hành - chuyển giao) hay B.T (đổi đất lấy hạ tầng) là giải pháp tối ưu hiện nay của TP.HCM.

Phát triển hạ tầng tại TP.HCM cần bước đột phá về mặt cơ chế.


Hiện TP.HCM có 35 dự án B.O.T. và B.T với tổng vốn hơn 200.000 tỷ đồng đã, đang và sẽ được triển khai. Những dự án xây dựng tiêu biểu theo hai phương thức này có thể kể đến đó là dự án cầu Phú Mỹ, mở rộng xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B, đường vành đai Đông, cầu đường Bình Triệu 2, cầu Rạch Chiếc, đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục khởi công các dự án trọng điểm khác như cầu đường Bình Tiên; đường song hành Hà Huy Giáp; một số đoạn tuyến trên vành đai 2; bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám; sân khấu Trống Đồng; đường trên cao số 1, 2, 3, 4...

Kêu gọi được nhiều dự án hạ tầng bằng phương thức BOT, BT cho thấy kênh đầu tư này vẫn tạo được sức hút với các nhà đầu tư. Tuy nhiên các chuyên gia lo ngại rằng, việc thành phố tiếp tục kêu gọi thêm 54 dự án bằng hai phương thức B.O.T và B.T sẽ rất khó khăn.

Cần tạo bước đột phá

Trong các hội thảo gần đây, các nhà đầu tư thừa nhận rằng hình thức đầu tư B.O.T đối với các công trình cầu, đường giao thông đang bị bão hòa và khó thực hiện tiếp vì không thể đặt quá nhiều trạm thu phí trên địa bàn thành phố. Hiện nay, các cửa ngõ và một số tuyến đường vành đai của thành phố bị trạm thu phí bao vây tứ bề, có thể kể đến như xa lộ Hà Nội, đường Kinh Dương Vương, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1A, cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Văn Linh. Ví dụ rõ nhất đó là dự án B.O.T cầu Phú Mỹ, sau một thời gian cầm cự, chủ đầu tư dự án cây cầu dây văng trị giá hơn 3.000 tỷ đồng này đã trả về cho thành phố quản lý. Trước đó, chủ đầu tư kỳ vọng mỗi ngày có khoảng 40.000 lượt xe qua cầu, tuy nhiên do hạ tầng chưa hoàn chỉnh và không thể kết nối với tuyến vành đai phía đông nên lượng xe qua cầu quá ít, không đủ trả tiền chi phí lãi vay.

Ngay cả đơn vị thi công các dự án B.O.T và B.T trọng điểm và khả thi về mặt doanh thu như Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII - đơn vị đang thực hiện cùng lúc 3 dự án gồm cầu Sài Gòn 2, mở rộng liên tỉnh lộ 25B, mở rộng xa lộ Hà Nội) cũng thừa nhận rằng, trong thời gian tới tuyến vành đai 2 hoàn thiện thì lượng xe qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội chắc chắn sẽ giảm, doanh thu sẽ giảm theo, trong khi công ty phải vay tiền ngân hàng để đầu tư dự án nên sẽ khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.

Riêng với các dự án hạ tầng khác mà điển hình là các dự án bãi đậu xe ngầm của thành phố thì lại vướng các quy định về thủ tục đầu tư và khung giá thu phí theo quy định không còn phù hợp. Với thực tế này nhà đầu tư khó hoàn vốn hoặc lãi quá ít nên khiến hình thức B.O.T không còn hấp dẫn. Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Giám đốc Công ty Đông Duơng, đơn vị đang thực hiện dự án bãi đậu xe ngầm tại công viên Tao Đàn cho biết, doanh nghiệp bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng dự án, nhưng thu phí lại rất thấp và thời gian thu hồi vốn rất lâu. Trong khi cơ chế, thủ tục đầu tư cho dự án mất quá nhiều thời gian dẫn đến chi phí đầu tư đội lên gấp nhiều lần, khiến doanh nghiệp thiệt hại và chán nản.

Phương thức B.O.T đã bão hòa còn phương thức B.T thì thành phố không có hoặc ít có quỹ đất sạch dẫn đến một số dự án đang “dậm chân” tại chỗ. Hiện nay, với việc triển khai thêm 54 dự án nữa thì quả là bài toán khó cho cả thành phố lẫn nhà đầu tư.

Để đẩy nhanh phát triển hạ tầng, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ cho cơ chế đặc thù như bảo lãnh cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay trong và ngoài nước; được ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương để đầu tư các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, cấp bách liên vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép TP.HCM có cơ chế tạo vốn, hỗ trợ vốn để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, theo nhiều hình thức...

Bài và ảnh: Sĩ Dũng