05:08 05/05/2011

TP.HCM: Giao thông “kéo” đô thị về hướng đông

Bạn tôi ở Hải Dương trước khi nộp hồ sơ cho con thi 2 trường ĐH ở TP.HCM đã vào kiểm tra “thực địa” và mua nhà cho con để tiện việc học hành...

Bạn tôi ở Hải Dương trước khi nộp hồ sơ cho con thi 2 trường ĐH ở TP.HCM đã vào kiểm tra “thực địa” và mua nhà cho con để tiện việc học hành. Sau một tuần khảo sát, anh đã chọn mua căn hộ ở quận 2 (Q.2) với lý do: Hạ tầng tốt, tập trung nhiều trường ĐH và những khu đô thị quy mô hiện đại với những tòa nhà chọc trời nghiêng mình bên sông Sài Gòn.

Quận2, một diện mạo mới

Nhiều khu căn hộ cao cấp đang được hoàn thiện ở Q.2.

Cách đây hai năm, nếu từ trung tâm TP.HCM đi qua Q.2 mất khá nhiều thời gian vì qua sông Sài Gòn. Giờ chỉ mất 2 phút chạy xe qua cầu Thủ Thiêm là chúng ta có thể đặt chân đến Q.2. Sắp tới, hầm Thủ Thiêm hiện đại nhất Đông Nam Á được đưa vào sử dụng thì từ Trung tâm đến Q.2 sẽ hình thành những tuyến giao thông xương sống kết nối hoàn thiện.

Sự chuyển mình của Q.2 khiến nhiều người ngỡ ngàng. Vì Q.2 được thành lập ngày 1/4/1997 có diện tích tự nhiên khoảng 5.000 ha, được phân bố thành 11 phường với khoảng 130.000 người. Khi ấy, Q.2 là vùng đất trũng, thiếu điện, thiếu nước, thiếu trường, thiếu trạm y tế… đời sống nhân dân khó khăn nhiều mặt.

Hiện nay, hơn 90% diện tích đất Q.2 được phủ kín bởi các dự án xây dựng và khu căn hộ thi nhau mọc lên. Riêng phường Bình Khánh có 3 dự án căn hộ cao cấp được triển khai: 4 đơn vị tham gia đầu tư xây khu căn hộ cao cấp (diện tích 38,4 ha); Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế Kỷ 21 xây dựng 4.213 căn hộ (diện tích 30,2 ha) đã thực hiện xong 4 loại căn hộ mẫu, dự kiến bàn giao căn hộ năm 2012; khu 17,3 ha do Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc đầu tư xây dựng 1.844 căn hộ. Tương tự, ở phường Thạnh Mỹ Lợi, dự án 174 ha đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và hàng chục nhà đầu tư xây căn hộ cao cấp với mức giá trung bình 2.000 USD/m2.

Giá đất ở Q.2 hiện đã gần bằng với các quận trung tâm vì nơi đây được quy hoạch thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ quốc tế mang tính chiến lược. Khi các công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, đưa vào sử dụng, lần đầu tiên trong hơn 300 năm phát triển, TP.HCM sẽ có đường vành đai có thể nối thành vòng tròn, và biến Q.2 trở thành Trung tâm tài chính – dịch vụ – thương mại cao cấp, có hệ thống hạ tầng hiện đại với một không gian sống, làm việc lý tưởng dần thành hiện thực.

Hướng Đông – trung tâm mới của thành phố

Tại quận 2 (sắp có tuyến Metro chạy qua) hứa hẹn sẽ hình thành một thành phố đẳng cấp quốc tế tại Khu đô thị An Phú - An Khánh. Với diện tích gần 90 ha (trong đó dành ra hơn 7ha làm công viên trung tâm) đây là quần thể khu dân cư khép kín, với những dự án cao cấp như Estela, Dự án khu phức hợp Cantavil An Phú - Cantavil Premier; dự án Intresco, dự án Petrovietnam Landmark... Riêng dự án Petrovietnam Landmark được thiết kế theo tiêu chuẩn Xinhgapo, có diện tích 19.059 m2, gồm 4 block chung cư từ 19 đến 23 tầng và 1 khối văn phòng cao 25 tầng. Chủ đầu tư đã dành 7.713m2 đất để xây dựng sân bãi, cây xanh…và 8.023 m2 diện tích ở tầng sân vườn để bố trí hồ bơi, sân thể thao, lối đi dạo…Dự án hiện đã xây xong phần thô, được chào với giá bán chỉ từ 19,9 triệu đồng/m2.

Sau khi đi khảo sát và tìm hiểu thông tin, anh bạn tôi cho rằng hướng đông chính là hướng tốt vì Trung tâm mới của TP.HCM đang dần hình thành rõ nét. Từ năm 2005 - 2010, TP.HCM đã đầu tư mạnh hệ thống giao thông với 210 km đường, 50 cây cầu, tạo cơ sở quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Đó là dự án cầu Thủ Thiêm, đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nút giao thông khu A Nam Sài Gòn, nút giao Cát Lái, đường song hành QL22, cầu Hoàng Hoa Thám...

Một trong những công trình có ý nghĩa quan trọng nhất là Đại lộ Đông Tây dài hơn 20 km với 6 -10 làn xe chạy từ quốc lộ 1A qua các quận 6, 5, 4, 1, 2 đến xa lộ Hà Nội. Đại lộ đã cơ bản hoàn thành, tránh ùn tắc giao thông và mở ra hướng lưu thông cửa ngõ phía đông Sài Gòn, góp phần giải thoát lượng xe tải ra vào cảng Cát Lái (Q.2).

Tương tự, cầu Phú Mỹ (nối đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7) với trục giao thông từ cảng Cát Lái nối với các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ mà không phải đi vòng QL1A như trước. Cầu này rút ngắn 10km đường từ Q.2 sang Q.7 và phá thế độc đạo của liên tỉnh lộ 25B cho các loại xe vận chuyển hàng hoá ra vào cảng Cát Lái. Thời gian tới, Bộ GTVT xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường vành đai, đường cao tốc để kết nối cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án đường vành đai 3 và đường vành đai 4 của TP.HCM được triển khai trong năm 2011. Đường vành đai 3 dài 89,3 km đi qua TP.HCM (48,9km); Đồng Nai (11,6km); Bình Dương (23,4km) và Long An (5,4km). Bên cạnh đó là đẩy nhanh thi công tuyến cao tốc là Trung Lương - Mỹ Thuận và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trong năm 2011, 18 công trình giao thông lớn, quan trọng tiếp tục được xây dựng sẽ làm thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn bộ mặt kinh tế - xã hội TP HCM, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa người dân.

Bài, ảnh: Phạm Đăng Giới