05:15 25/05/2014

TP.HCM: Gian nan đối đầu 'giặc lửa'

Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn rộng, có số dân đông nhất nước và mật độ dân cư cũng khá cao nên nguy cơ cháy nổ tại đây rất lớn. Số vụ cháy nổ tại thành phố này còn có thể lớn hơn, nếu lực lượng phòng cháy chữa cháy thành phố không kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn rộng, có số dân đông nhất nước và mật độ dân cư cũng khá cao nên nguy cơ cháy nổ tại đây rất lớn. Số vụ cháy nổ tại thành phố này còn có thể lớn hơn, nếu lực lượng phòng cháy chữa cháy thành phố không kịp thời ngăn chặn, xử lý. Dù vậy, cuộc chiến với “giặc lửa” vẫn còn nhiều gian nan

 

Nguy cơ cháy ở khắp nơi


Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trực tiếp khảo sát khoảng 10 chung cư cả cũ lẫn mới và một số siêu thị, trung tâm thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở chung cư lâu năm, có số người ở thực tế cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo, trung bình cá biệt có những hộ có đến 14 người chen chúc trong những ngôi nhà chung cư chỉ chừng 30m2. Chính không gian sống chật hẹp khiến việc nấu ăn bằng bếp điện, bếp gas ngay cạnh những đồ vật dễ bắt lửa như thùng xốp, tủ vải chứa quần áo,… là nguy cơ cháy nổ rất cao.

 

Hiện trường vụ cháy cửa hàng tạp hóa Phượng Hoàng (số 539 Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN


Điển hình như chung cư 727 đường Trần Hưng Đạo, quận 1 rất khó thoát hiểm bởi lối cầu thang đã nhỏ lại còn để nhiều vật dụng của các hộ. Dụng cụ chữa cháy ở các chung cư cũ là bình xịt, dây dẫn nước, vòi phun đều thiếu hoặc xuống cấp.

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân sống ở khu vực chung cư Cô Giang, Quận 1 cho biết "Nếu ở chung cư này xảy ra cháy, người dân có lẽ chỉ có cách nhảy lầu vì cầu thang nhỏ mà đông người. Nhiều lúc dân chung cư còn không có nước để tắm vì ống nước hỏng thì lấy đâu ra nước để chữa cháy.”

 

Không chỉ các chung cư cũ có nguy cơ cháy nổ mà thậm chí ngay cả những chung cư mới xây cũng đầy rẫy các hiểm họa rình rập.

 

Theo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố, một số siêu thị, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại và chung cư mới có một số thay đổi so với thiết kế ban đầu như tạo lối thoát hiểm nhỏ hơn, tận dụng hàng lang bộ để chứa hàng và nếu bị kiểm tra thì chỉ phạt theo quy định nhà nước chứ không thể đập ra xây mới lại công trình đã đưa vào sử dụng. Khi kiểm tra các khu vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại như: Diamon Plaza, Zen Plaza, chợ Bến Thành, chợ Dân Sinh, chợ Tân Định, thương xá TAX…cơ quan chức năng phát hiện hàng hóa trưng bày che khuất khu vực để bình chữa cháy, dây dẫn nên rất khó phát hiện các hư hỏng của hệ thống báo cháy tự động.

 

Đặc biệt, các tòa nhà đông người nói trên còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khi các vật liệu làm vách ngăn cách âm, cách nhiệt thường làm từ mút xốp nên rất dễ bắt lửa. Điều này thường không được chú ý cho đến khi xảy ra tai nạn cháy nổ bởi các hoạt động bảo trì tòa nhà như hàn khung sắt, chỉnh sửa hệ thống ống dẫn có dùng hàn xì sẽ rất dễ dẫn đến vật liệu dễ cháy bị bắt lửa gây ra tai nạn.

 

Theo số liệu mới nhất của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay tình trạng cháy tại các nhà dân do chập điện chiếm 80,05% trong tổng số các vụ cháy nổ. Yếu tố cơ bản nhất chính là việc nhiều người dân mất cảnh giác với cháy nổ khi hệ thống điện gia đình được đầu tư sơ sài, dễ rò rỉ điện và đặc biệt các vật dụng gia đình dễ cháy được xếp gần quá mức tại khu vực các ổ điện, nên cũng là một nguy cơ lớn gây cháy nổ do chập điện.

 

Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi cùng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều năm phối hợp vận động tuyên truyền về các phương thức phòng tránh cháy nổ do chập điện. Tuy nhiên, hiệu quả của vận động tuyên truyền là một phần và phần còn lại phải trông chờ vào ý thức cảnh giác của người dân. Cảnh giác với cháy nổ do chập điện chính là cách tốt nhất để người dân bảo vệ không chỉ tài sản mà còn cả tính mạng của chính mình và người thân.” 

 

Lực lượng quá mỏng

 

Đêm 16 và sáng 17/4/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra hai vụ cháy lớn nối nhau, nhiều chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đã tận lực dập lửa cho đến kiệt sức. Trong đó vụ cháy vào đêm 16/4 tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có thể coi là vụ cháy hóa chất lớn nhất cho đến thời điểm này trên địa bàn với khoảng 500 tấn hóa chất bị cháy, gồm nhiều chất độc hại như: Calcium hypochlorite, Acetone NVL, dung môi Iso Propyl Alcohol, Methanol NVL,… 24 cán bộ, chiến sĩ đã bị bỏng do hóa chất phát nổ, bắn vào người. Trong số này, có 15 cán bộ, chiến sĩ đã phải nhập viện để cấp cứu, có một chiến sĩ bị bỏng độ 1, nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng.

 

Mặc dù chưa kịp nghỉ ngơi và chữa trị vết thương, nhiều chiến sĩ tham gia hoạt động chữa cháy tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân lại tiếp tục phải thực hiện công tác chữa cháy lúc 6h15 trong vụ cháy lớn tại một cửa hàng tạp hóa tại phường 11, Quận 6. Sau khi khống chế được ngọn lửa không lan sang các nhà bên cạnh thì nhiều chiến sĩ đã kiệt sức hoàn toàn.

 

Anh Hồ Minh Nhựt, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp 1, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy huyện Bình Chánh, là người bị bỏng cấp độ 2 sau khi trực tiếp tham gia chữa cháy tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân chia sẻ: “Lúc đó không ai chú ý dưới chân mình bị hóa chất bám vào da thịt mà chỉ lo dập lửa. Ngọn lửa do hóa chất ban đầu chỉ gây ngứa nhưng sau đó gây bỏng da, khét thịt mới biết.” Trường hợp của anh Nhựt cũng là trường hợp của khá nhiều chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, bởi chưa đầy một tháng sau đó (ngày 11/5/2014) đã có đến 50 chiến sĩ tiếp tục bị bỏng khi tham gia chữa cháy tại kho hóa chất của cửa hàng sơn Quốc Huy cũng tại huyện Bình Chánh. Nhờ vậy mà hàng trăm thùng hóa chất và sơn PU không bị bén lửa gây thiệt hại lớn hơn.

 

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Dù đã được đầu tư và cán bộ chiến sĩ cũng thường xuyên tập luyện tăng cường kỹ năng, nhưng phải thừa nhận là lực lượng còn quá mỏng nên phải "căng mình" ra làm việc. Chuyện vừa kết thúc chữa cháy nơi này đã phải đến ngay nơi khác tiếp tục nhiệm vụ, hoặc làm nhiệm vụ dù bị vài thương tích trước đó là hết sức bình thường.”

 

Các cán bộ chiến sĩ Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay trong tháng 5/2014, gần như toàn bộ các chiến sĩ thay phiên nhau tập trung vào các công tác huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ song song với việc trực chiến 24/24. Dù lực lượng còn mỏng và thiếu nhiều phương tiện trang bị, song các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cố gắng hết sức mình bất chấp hiểm nguy, thương tích để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Quốc Ấn