01:21 30/01/2011

TPHCM: Cơn sốt "trái thần kỳ"

Người dân TP.HCM đang “lên cơn sốt” về một loại cây có tên gọi là “thần kỳ”. Tại một số diễn đàn trên mạng internet đã xuất hiện dịch vụ rao bán cây thần kỳ với nhiều tính năng đáng ngạc nhiên. Thực hư của loại cây này thế nào?

Người dân TP.HCM đang “lên cơn sốt” về một loại cây có tên gọi là “thần kỳ”. Tại một số diễn đàn trên mạng internet đã xuất hiện dịch vụ rao bán cây thần kỳ với nhiều tính năng đáng ngạc nhiên. Thực hư của loại cây này thế nào?



Trong vai người mua hàng, chúng tôi tìm về ấp Chánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) để mục sở thị “đại bản doanh” cây thần kỳ qua lời quảng cáo trên một trang web.


Đang nằm “nghỉ mệt” do mấy ngày qua bận rộn “tổng thu hoạch” nên khi chúng tôi đến đây, ông Sĩ (chủ vườn) cũng chẳng mấy quan tâm. Song, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua cây với số lượng lớn thì ông liền hào hứng tiếp chuyện.


Ông giới thiệu: “Trong vườn này có đủ loại để chọn. Thời gian sinh trưởng của cây từ nhỏ đến khi ra trái khoảng 3-4 năm. Vào mùa trái chín rộ, chúng tôi đủ khả năng cung cấp hàng vạn trái cho thị trường/tuần. Thời điểm này, tốt nhất nên mua loại cây lớn, vì không những có trái để ăn ngay mà còn có thể chưng làm cảnh. Mua để làm quà Tết là hay lắm đấy”.


Vườn “cây thần kỳ” rộng 2ha này trông khá bắt mắt, có nhà vòm, lưới che nắng, vòi tưới tự động... với những hàng cây được sắp đặt ngay ngắn, đủ loại từ mới ươm đến cả chục năm tuổi. Vườn được bảo vệ kĩ lưỡng bằng rào chắn bằng thép B40, có gắn camera để theo dõi.


Sau một hồi dạo bước trong vườn, ông Sĩ vào lấy ra mấy quả cóc, rồi bứt mấy “trái thần kỳ” đưa tôi, bảo: “Chú ăn trái thần kỳ này đi, sau đó thì ăn quả cóc vào, xem có vị khác không?”.


Tôi làm theo lời ông. Quả đúng là sau khi ăn mấy “trái thần kỳ” thì quả cóc vốn chua lè giờ chỉ thấy có vị ngọt.




Theo ông Sĩ, không chỉ biến vị chua thành ngọt, mà “trái thần kỳ” còn có tác dụng... tăng tửu lượng (?) Ăn loại trái này vào, uống rượu, bia cứ như uống... nước ngọt!


Ông Sĩ tiếp tục quảng cáo: “Trái thần kỳ này ăn càng nhiều càng tốt cho sức khỏe” (?).


Chúng tôi hỏi: “Tốt ở điểm nào?”, ông nói như thuộc lòng: “Có thể hạn chế được bệnh béo phì, tiểu đường. Ngay như bản thân tôi bị tiểu đường đã bao năm nay, hôm nào cũng ăn trái này nên bây giờ thấy đỡ hẳn”.


Cây và “trái thần kỳ” đang có cơ “bành trướng” trên diện rộng, không chỉ “bùng phát” tại TP.HCM, mà còn xuất hiện ở Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long hay ra tận Hà Nội, dù giá không hề rẻ (dao động từ 50.000đ đến 100.000đ/trái).


Nhìn vào quy mô và doanh thu của các chủ vườn, có thể khẳng định rằng “cây thần kỳ” đang mang đến cho họ những khoản “siêu lợi nhuận”.


Có thật là… thần kỳ?


Được biết, hiện có khá nhiều chủ nhà hàng tại TP.HCM đã “đặt hàng” loại trái này với số lượng lớn để phục vụ khách khi có nhu cầu, nhất là dịp giáp Tết.


Ông Minh, chủ một nhà hàng tại quận Tân Bình, khoe: “Nhà hàng chúng tôi hiện có sẵn trái cây thần kỳ phục vụ những thực khách có nhu cầu giã rượu để có thể nhậu “thâu đêm suốt sáng”. Quả thực, từ ngày có “trái thần kỳ” này, lượng bia, rượu tại quán tôi bán đã tăng lên gần gấp đôi”.


Chúng tôi tìm gặp ông Toàn (quận Tân Phú), người đã mua “trái thần kỳ” về để chữa bệnh hạ đường huyết thì được ông chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng “ngờ ngợ” về những tác dụng “thần kỳ” của loại cây này. Nhưng tính đến nay, dù đã bỏ ra cả triệu bạc ăn trái thần kỳ mà bệnh của tôi vẫn không hề thuyên giảm”.


Còn bà Kim Hoa (quận 6) thì cho biết: “Tôi bị bệnh tiểu đường nên khi được các chủ nhà vườn tư vấn là mỗi ngày ăn 2 - 3 trái sẽ có công dụng chữa bệnh, tôi liền thử. Đến nay được nửa tháng rồi mà không thấy gì khác so với hồi chưa dùng. Chỉ cảm thấy rằng sau khi ăn trái này, trong vòng 30 - 60 phút, nếu ăn bất cứ thứ gì có vị chua, hơi đắng thì đều thành ngọt”.


Theo tài liệu khoa học, “trái thần kỳ” chứa một glycoprotein có tên gọi miraculin, hợp chất này thay đổi tính cảm thụ vị của các gai vị giác trên lưỡi sau khi nhấm nháp nó. Bởi vậy, khi tiếp xúc với các thực phẩm vốn có vị đắng (củ cải, bia...) hay chua (chanh, cam, cóc, khế), tạm thời sẽ thấy chúng trở nên “ngọt ngào” hơn nhiều.


TS.DS Nguyễn Phương Dung, ĐH Y Dược TP.HCM, khuyến cáo: “Khi chưa có thông tin chính thức về mặt lợi - hại của loại “cây thần kỳ”, mọi người nên cân nhắc trước khi sử dụng. Nếu lạm dụng “trái thần kỳ” trong việc uống bia, rượu hoặc chữa bệnh thì có thể dẫn tới những hậu quả hết sức nguy hiểm.


Hiện “cây thần kỳ” không có trong danh mục dược liệu của Bộ Y tế và cũng chưa có chứng minh đáng tin cậy nào về hiệu quả để điều trị các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, hỗ trợ sức khoẻ người bệnh ung thư. Do đó, không nên lạm dụng loại trái này”.

Theo TGPN