Nhiều hàng hoá, dịch vụ bị ảnh hưởng giá xăng tăng

Ngay sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh vào hôm qua (11/3), sáng ngày 12/3, nhiều mặt thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại TP Hồ Chí Minh cũng đã thiết lập mức giá mới theo hướng tăng cao.

Chú thích ảnh
Giá các mặt hàng rau, củ quả tại chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh đã thiết lập mới ngay khi giá xăng tăng mạnh vào chiều 11/3.

Giá bắt đầu tăng mạnh

Sáng 12/3, anh Nguyễn Thanh Quyết, ngụ ở phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) dẫn con đi ăn sáng ở quán cơm tấm sườn quen gần nhà, khi tính tiền thì được chủ quán thông báo giá một đĩa cơm tấm tăng thêm 2.000 đồng từ hôm nay.

"Các đợt xăng dầu tăng trước thì chị bán cơm vẫn không tăng giá, nhưng ngày hôm qua giá xăng dầu tăng mạnh quá nên hôm nay chị ấy bảo thông cảm, giá nguyên liệu tăng quá chị không thể giữ giá bán như cũ được nữa", anh Nguyễn Thanh Quyết cho biết.

Chú thích ảnh
Giá thức ăn ở các hàng quán tại TP Hồ Chí Minh cũng điều chỉnh tăng giá từ 2.000 - 10.000 đồng/phần

Tương tự, chị Lê Thị Mây, ngụ ở Quận 1 cho biết, mấy ngày qua, các quán ăn vỉa hè tại Quận 1 đều điều chỉnh tăng giá bán thêm dao động từ 2.000 - 10.000 đồng/món như bánh mì, hủ tiếu, cháo lòng, bún bò… Chẳng hạn như một quán hủ tiếu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, từ sau Tết Nguyên đán đã niêm yết giá mới là 45.000 đồng/tô (trước Tết chỉ 40.000 đồng/tô) thì mấy ngày nay đã tăng lên 55.000 đồng/tô. Những quán ăn trong nhà sang hơn thì giá cũng đã niêm yết mới, tăng thêm khoảng 10.000 -15.000 đồng/phần tùy theo vị trí thuê mặt bằng.

“Đa số các chủ cửa hàng đều lí giải do giá xăng, giá gas đều tăng mạnh buộc các cửa hàng phải tăng giá bán sản phẩm. Nếu mọi thứ cứ liên tục tăng như thế này sẽ gây khó khăn cho người dân, bởi vừa bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 mới phục hồi, trong khi thu nhập thì giảm hoặc không tăng thêm”, chị Lê Thị Mây nói.

Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh trong sáng 12/3, giá nhiều loại thực phẩm cũng đã tăng lên. Chẳng hạn, nhóm mặt hàng rau củ quả đã tăng thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Theo đó, xà lách cuộn có giá 65.000 đồng/kg, trước đó chỉ khoảng 60.000 đồng/kg; bông cải xanh - trắng cũng tăng thêm 3.000 đồng/kg và đứng giá 58.000 đồng/kg; các loại rau họ cải (cải ngọt, cải xanh, cải thảo...) đều tăng hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg, dao động từ 25.000 - 32.000 đồng/kg.

Chú thích ảnh
Giá nhiều loại mặt hàng rau củ quả đang tăng mạnh.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), giá thịt lợn bán sỉ hiện dao động từ 50.000 - 68.000 đồng/kg tùy loại, so với mức từ 60.000 - 76.000 đồng/kg thời điểm một tuần sau Tết Nguyên đán thì giá thịt lợn sỉ đã giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dù giá lợn hơi, thịt lợn bán sỉ đều giảm nhưng giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường gần như vẫn giữ nguyên. Theo đó, thịt lợn ba rọi dao động trong khoảng từ 135.000 - 145.000 đồng/kg (tùy chợ); thịt nạc đùi từ 110.000 - 115.000 đồng/kg; nạc vai 130.000 - 140.000 đồng/kg…

“Mặc dù giá lợn thịt tại chuồng đang giảm nhưng giá ở chợ lẻ vẫn cao, tiểu thương lý giải do xăng tăng giá”, chị Trần Thị Quyên đang mua thịt tại chợ Phước Long B (thành phố Thủ Đức) cho biết.

Buộc tăng giá để bù lỗ

Theo các tiểu thương ở chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh, giá các thực phẩm, hải sản, thịt lợn... ở các chợ đầu mối chỉ cần nhích lên thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg thì khi về đến chợ truyền thống sẽ phải tăng lên thêm 5.000 - 7.000 đồng/kg vì chi phí vận chuyển tăng, giá nhân công cũng tăng…

“Hôm qua giá xăng đã tăng lên mức 30.000 đồng/lít thì hôm nay hoặc vài ngày tới giá vận chuyển hàng hóa cũng sẽ tăng thêm, trong khi trước đó đã tăng thêm 50.000 - 60.000 đồng/chuyến. Giá cả đầu vào đều tăng nếu chúng tôi không tăng giá bán thì chúng tôi phải bù lỗ. Mà nếu tăng giá bán thì sợ người tiêu dùng lại quay lưng”, chị Nguyễn Thị Vinh, tiểu thương bán rau củ, quả tại chợ Tăng Nhơn Phú B lý giải.

Chú thích ảnh
Nhiều mặt hàng rau, củ quả tại các siêu thị áp dụng các chương trình giảm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. 

Hôm nay, nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn cũng đã nhận được thông báo tăng chi phí vận chuyển. “Mặc dù chúng tôi đã ký hợp đồng từ trước với các doanh nghiệp vận chuyển nhưng do tình trạng giá nhiên liệu tăng cao khiến các doanh vận tải cũng điều chỉnh giá tăng. Mình chỉ còn cách chia sẻ với họ để có thể nhập hàng về bán”, anh Hồ Văn Ngọc, chủ cửa hàng thịt lợn tại chợ đầu mối Hóc Môn cho biết.

Chia sẻ thông tin về đợt tăng giá mới, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, giá xăng dầu và giá gas vừa tăng mạnh đang buộc doanh nghiệp trong ngành phải điều chỉnh mức giá bán mới. "Giá xăng dầu, gas tăng kéo theo hàng loạt chi phí khác của doanh nghiệp bị đội lên gấp 2-3 lần, doanh nghiệp không tăng giá bán sản phẩm thì sẽ chịu lỗ. Nếu kéo dài, doanh nghiệp sản xuất sẽ rất khó khăn, do đó buộc phải tính toán chi phí lại để có mức giá hợp lý. Đây là giải pháp không mong muốn nhưng không còn cách nào khác", bà Lý Kim Chi cho biết.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Hoa tươi đắt hàng ngày 8/3, giá tăng gấp 2-3 lần
Hoa tươi đắt hàng ngày 8/3, giá tăng gấp 2-3 lần

Đi kèm những món quà tặng ngày 8/3, hoa tươi vẫn luôn được nhiều người lựa chọn. Giá hoa tươi tại TP Hồ Chí Minh trong ngày này tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN