Mở cửa kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 1: Kích cầu tiêu dùng nội địa

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đêm, nếu xây dựng chiến lược khai thác lợi thế địa phương bài bản sẽ phát triển đa dạng điểm đến phục vụ khách trong và ngoài nước. Điều này không chỉ đáp ứng thị hiếu khách du lịch, mà còn quảng bá văn hóa, ẩm thực, kích cầu thương mại, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết “Mở cửa kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh”, nhằm giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế đêm thành phố; cùng với đó ghi nhận ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, thương mại... về giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Khu vực theo dãy dài để phục vụ người dân tại phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận). Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Bài 1: Kích cầu tiêu dùng nội địa

Trước bối cảnh mới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp liên ngành như ngành văn hóa, ẩm thực, thương mại... để thí điểm phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng thị hiếu người dân và du khách đến thành phố. Trong đó, kinh tế đêm được xác định là một trong những lĩnh vực làm tăng chi tiêu của người dân và du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa khi kinh tế dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Chiến lược phát triển đồng bộ

Bước qua giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch COVID-19, đến năm 2023 với nỗ lực không ngừng với giải pháp thiết thực, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần thu hút 40 triệu lượt khách đến thành phố. Trong đó, khách quốc tế là 5 triệu lượt, tăng 44,3% so với năm 2022, chiếm 40% khách quốc tế của cả nước; khách du lịch nội địa đạt 35 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2022, chiếm 32% khách nội địa của cả nước. 

Sự tăng trưởng về lượng khách đã giúp cho doanh thu ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022, chiếm 24% doanh thu của cả nước và tăng 13,5% so với năm 2019. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua (2019 - 2023) của ngành Du lịch thành phố và đóng góp khoảng 10% vào trong cơ cấu GRDP của Thành phố.

Với những kết quả tích cực, Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á; Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á; nằm trong Top 100 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2023. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, lượng khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù có tăng trưởng mạnh so với năm 2022, song chỉ mới phục hồi khoảng 60% so với năm 2019, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 70%. 

Mặt khác, ở Top 100 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 85 nhưng một số thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok đứng thứ 33, Phuket đứng thứ 80… Điều này cho thấy, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cần phải bứt phá hơn nữa bằng cách đổi mới sáng tạo toàn ngành; đồng thời cần có sự chung tay phối hợp của nhiều ngành, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của ngành trong năm 2024 và những năm tiếp theo là triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, chủ động tích hợp các yêu cầu phát triển du lịch trong quy hoạch chung của thành phố và trong quá trình đầu tư, triển khai dự án hạ tầng đô thị, dịch vụ thương mại, văn hóa - xã hội của thành phố. Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể phát triển du lịch gắn với thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Điển hình, muốn kinh tế đêm tạo ra những sản phẩm thu hút khách du lịch và điểm nhấn mang màu sắc cho từng địa phương, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới lạ đảm bảo chất lượng dịch vụ. Thực tế cho thấy, giải pháp tạo bước đột phá cho phát triển du lịch bền vững, ngoài sự chủ động tham mưu của ngành du lịch thì phải có sự chủ động nhập cuộc đồng bộ như “người trong cuộc” của nhiều ngành nghề, lĩnh vực liên quan. 

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong kế hoạch phát triển chương trình “Mỗi quận, huyện có một sản phẩm đặc trưng”, Sở Du lịch đề nghị, mỗi quận, huyện xem xét thêm một sản phẩm du lịch đêm nhằm đa dạng hóa điểm đến trên địa bàn thành phố. Đồng thời, các địa phương cần xác định những địa điểm phù hợp, đầu tư bài bản, khai thác hiệu quả kinh tế đêm mang lại nguồn thu cho người dân địa phương, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố. Bên cạnh đó, không chỉ tăng thêm sự đa dạng sản phẩm du lịch thành phố, mà chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực xã hội trong phát triển du lịch; cũng như chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường.

 

Chú thích ảnh
Đông đảo người dân dạo chơi chờ đón thời khắc Giao thừa Xuân Giáp Thìn 2024 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Tập trung nguồn lực xây dựng sản phẩm

Theo thống kê, 70% chi tiêu của khách đến thành phố dành cho kinh tế đêm. Đặc biệt, kinh tế đêm cũng là lĩnh vực làm tăng chi tiêu của du khách. Do đó, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng những tuyến phố đi bộ về đêm gắn với hoạt động văn hóa, thể thao, mua sắm... Gần đây, Sở Du lịch đã và đang xây dựng quy chế đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, rà soát quy định pháp luật để gia hạn thời gian hoạt động cho nhiều khu vực có hoạt động kinh tế đêm… 

Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vận dụng những thuận lợi để phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm đang rất sôi động nhờ vào những yếu tố, gồm: văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc, trung tâm mua sắm sôi động, tuyến phố đêm chuyên đề… Từ đó, khoác lên mảng du lịch đêm một không gian văn hóa mới lạ, độc đáo mà du khách được trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người bản địa.

Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 xác định sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du lịch thu hút du khách. Bên cạnh đó, thống kê trên địa bàn thành phố có gần 32.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định và cơ sở quán ăn đường phố, được đánh giá là hạ tầng đa dạng, phong phú phù hợp phát triển kinh tế đêm. 

Nắm bắt những thế mạnh này, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng lợi thế ẩm thực cùng các loại hình du lịch văn hóa đặc trưng như tham quan bằng buýt hai tầng, trải nghiệm ẩm thực du thuyền, tour giải trí kết hợp ăn uống… Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có đề án phát triển kinh tế đêm và du lịch thông minh, từ đó quy hoạch 22 tuyến phố, chợ đêm. Với nhiều thuận lợi cộng hưởng từ phong phú hoạt động gắn với kinh tế đêm đã được hình thành và phát triển từ sớm, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng tạo ra được sự hấp dẫn khách vào ban đêm diễn ra xuyên suốt.

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực để thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng hoạt động, sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm. Vì chỉ khi ngành Du lịch và thành phố đầu tư đa dạng hoạt động du lịch ban đêm, mới có khả năng giữ chân được du khách, tạo môi trường vận hành chuỗi hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư ngược lại từng những thành phần kinh tế khác, cũng như xã hội hóa. 

Để du lịch đêm trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế đêm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, Sở Du lịch cần tham mưu ứng dụng Đề án du lịch thông minh của thành phố, ưu tiên triển khai công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động hóa tại những mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Sở Du lịch xây dựng Đề án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch để khuyến khích các bảo tàng, khu di tích… tổ chức phong phú chương trình tham quan, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Làm kinh tế đêm hiệu quả phải có sự vào cuộc và huy động nguồn lực của cả chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, sở ngành và những người làm du lịch. 

Về phía doanh nghiệp - lữ hành, ông Nguyễn Văn Dũng yêu cầu, cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với tâm lý, thị hiếu của khách du lịch. Cùng với đó, doanh nghiệp du lịch - lữ hành nên phát huy vai trò là đội ngũ tiên phong chủ động tự đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực của mình và mạnh dạn tham gia hiến kế, đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách phát triển du lịch và kinh tế đêm trên địa bàn thành phố.

Bài 2: Tăng giá trị tài nguyên bản địa 

Mỹ Phương (TTXVN)
Mở cửa kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh - Bài cuối: Kết nối du lịch, thương mại và văn hóa
Mở cửa kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh - Bài cuối: Kết nối du lịch, thương mại và văn hóa

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng phát triển kinh tế đêm vẫn là vấn đề trăn trở và mục tiêu mà ngành Du lịch, chính quyền các quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành hướng đến. Bởi theo doanh nghiệp, phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch - lữ hành nếu chỉ dừng lại ở sản phẩm, dịch vụ, sẽ chưa đủ tạo sức hút, mà cần kết nối điểm đến du lịch mang bản sắc lịch sử, văn hóa, ẩm thực và con người bản địa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN