Theo Ban tổ chức chương trình, hoạt động đạp xe diễu hành hướng đến mục đích tuyên truyền bảo vệ môi trường và tiết kiệm điện, hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2022. Các bạn thanh niên tình nguyện tham gia hoạt động sẽ chia thành nhiều đội đến tham gia thử thách tại các địa điểm lịch sử, các công trình trọng điểm của Thành phố, qua đó thu hút sự chú ý của người dân về Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022.
Các đội sẽ xuất phát từ Nhà Văn hoá Thanh niên Thành phố đến các trạm thử thách theo lộ trình quy định và hoàn thành các nhiệm vụ do Ban tổ chức chương trình chuẩn bị. Đội hoàn thành hết các thử thách trong thời gian quy định sẽ được Ban tổ chức cấp giấy chứng nhận; 10 đội hoàn thành các thử thách trong thời gian ngắn nhất sẽ nhận được quà tặng của chương trình.
Anh Lê Hoàng Minh, Trưởng ban Công nhân lao động Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất Thành phố năm 2022 cho biết, trải qua thời gian dài chiến đấu với dịch bệnh, người dân Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang dần thích nghi để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng lớn nhất thế kỷ, cũng đồng thời có cơ hội thiết lập lại mối quan hệ của mình với thiên nhiên để xây dựng một tương lai, nơi con người và thiên nhiên cùng nhau phát triển. Trong bối cảnh đó, sau 2 năm chuyển sang hoạt động online vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trở lại với nhiều dự án thiết thực và hấp dẫn, mang đến không khí tình nguyện vì môi trường đầy nhiệt huyết, sôi nổi.
Theo kế hoạch, sau hoạt động đạp xe khởi động, Ban tổ chức Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lần lượt triển khai các dự án, hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình từ nay đến hết tháng 3/2022. Tiêu biểu như hoạt động “Tăng mảng Xanh” tổ chức trồng 1.000 cây xanh ven đường, dọc bờ kênh, bờ sông tại các huyện ngoại thành; chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn; tôn tạo mảng xanh, sơn vẽ các tuyến hẻm, mảng tường hư hỏng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; vận động đoàn viên, thanh niên và tình nguyện viên cả nước thực hiện các thử thách “Tăng mảng Xanh”; đăng tải các đoạn phim ngắn thực hiện thử thách đăng tải trên trang thông tin của chương trình...
Chương trình “Chung tay sử dụng năng lượng Xanh” thực hiện lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Nhà Thiếu nhi quận Bình Tân; cải tạo hệ thống lưới điện, hệ thống chiếu sáng tại các tuyến hẻm; cải tạo, thay thế miễn phí hệ thống điện cho hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó còn có Dự án “Thực phẩm Xanh”, tổ chức thi sáng tạo đoạn phim ngắn giới thiệu cảm nhận, trải nghiệm của thanh niên về các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ tại địa phương; sáng tạo món ăn từ thực phẩm xanh trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
Dự án “Sống an toàn với nhựa” thực hiện vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp triển khai phù hợp 3 giải pháp: phân loại - chuyển giao - xử lý. Chương trình nhằm phát huy tối đa năng lực và khả năng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng giải pháp phù hợp với khả năng, loại hình ngành nghề của mình để tham gia giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa vào môi trường, tăng khả năng thu gom, xử lý tái chế chất thải nhựa, từ đó giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa trong hệ sinh thái và môi trường. Dự án là chủ điểm và thực hiện không chỉ trong tháng 3/2023 mà xuyên suốt về sau để nâng cao được hiệu quả của hoạt động cũng như ý thực trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng Thành phố hồ Chí Minh đến môi trường.
Đêm sự kiện tắt điện 1 giờ hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 26/3/2022 tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố. Trong đêm sự kiện cũng sẽ tổ chức tiết mục giao lưu với các đại sứ của chương trình và truyền tải các thông điệp của Chiến dịch.