HĐND TP Hồ Chí Minh khai mạc kỳ họp chuyên đề bàn các vấn đề kinh tế - xã hội

Sáng 19/9, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh khóa X đã khai mạc kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) và Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, sơ kết giữa nhiệm kỳ hoạt động HĐND khóa X nhiệm kỳ 2021-2026.

Chú thích ảnh
Quang cảnh khai mạc kỳ họp chuyên đề khóa X HĐND TP Hồ Chí Minh vào sáng 19/9.

Phát biểu tại khai mạc, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ xem xét các dự thảo nghị quyết kèm tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh về những nội dung trọng tâm liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Trong đó, có các nội dung: thành lập Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh; tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Bên cạnh đó, HĐND TP Hồ Chí Minh cũng xem xét quyết định những nội dung về phát triển kinh tế - xã hội như: quy định mức chi triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại TP Hồ Chí Minh; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, trong đó tập trung việc xem xét thông qua 79 dự án nhóm B, 7 dự án nhóm A, với tổng vốn đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng; xem xét thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT…

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc kỳ họp.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, đây cũng là lần đầu tiên HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ thông qua tờ trình về bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Thủ Đức với tư cách “thành phố trong thành phố”. Bản thân TP Thủ Đức cũng đã cho thấy những bước khởi động cụ thể từ Nghị quyết 98, trong đó có việc chuẩn bị cho quá trình chuyển giao các dự án vốn phải xin phép cấp Sở (Kế hoạch và Đầu tư) nay trực tiếp thuộc thẩm quyền của TP Thủ Đức. Trong quá trình chuyển giao, chuyên viên từ Sở sẽ được biệt phái để cùng TP Thủ Đức tháo gỡ mọi thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Những hồ sơ đã đầy đủ pháp lý sẽ được TP Thủ Đức giải quyết ngay, không hỏi lại hay làm lại từ đầu - như cam kết của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, trong 8 tháng qua, Thành phố đã tập trung thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương; Thành ủy, Nghị quyết số 71/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 với những chuyển biến tích cực: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP trên địa bàn thành phố tăng 2,8% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 11%; thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; các dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông kết nối quan trọng được tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công xây dựng và khánh thành; Hội đồng Tư vấn được thành lập đã đi vào hoạt động tích cực nhằm xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng mong mỏi của nhân dân...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tổng thu ngân sách nhà nước chưa đạt kế hoạch đề ra (64% dự toán, đạt 93% so với cùng kỳ); tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp (29%); hoạt động xuất nhập khẩu giảm sâu so với cùng kỳ...

"Dự báo trong 3 tháng cuối năm, tình hình kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều thách thức. Trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhu cầu lương thực toàn cầu có xu hướng tăng, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và bình ổn giá thị trường trong nước đang được đặt ra... Vì vậy, các đại biểu tham dự kỳ họp cần phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan trong thảo luận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để có nhiều đóng góp giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Ngoài ra, các đại biểu cần đưa ra các ý kiến, giải pháp phù hợp với chủ trương, quyết định đúng, sát tình hình thực tiễn, phát huy hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, để Nghị quyết đi vào cuộc sống và triển khai đồng bộ, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của nhân dân", bà Nguyễn Thị Lệ cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại kỳ họp.

Tham dự kỳ họp, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, đã trao đổi triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Tính đến nay, đã tròn 3 tháng, từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 thì tiến độ thực hiện của TP Hồ Chí Minh rất khẩn trương, quyết tâm và đồng bộ, nghiêm túc; công tác chuẩn bị tổ chức và thực hiện đã cơ bản, trong đó thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Tổ giúp việc, Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98; một số đơn vị còn tổ chức triển khai thực hiện riêng cho ngành của mình.  Chưa kể, hiện nay TP Hồ Chí Minh vừa phải tiếp tục chuẩn bị những vấn đề mới, vừa nghiên cứu, tính toán đề ra những giải pháp, nhiệm vui tối ưu để thực hiện Nghị quyết mang tính khả thi. 

Ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ: ""Con tàu mang số 98" với tổ lái không mới nhưng cần thực hiện với tâm thế mới, khí thế mới, phương pháp mới bởi con tàu có con số mới, được trang bị thêm động cơ mới, đường ray khá thông thoáng, buộc phải đi đúng đoạn đường 5 năm, chia làm 2 chặng. Chúng ta phải hành quân, buộc tất cả chúng ta trên con tàu hoạt động theo tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, nhất là những người trong tổ lái theo tinh thần của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; mở rộng tầm nhìn, không gian theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, chúng ta có thêm động lực là Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung".

Trên tinh thần đó, ông Nguyễn Văn Nền đã đề nghị các đại biểu hội đồng phát huy tinh thần trách nhiệm, có nghiên cứu công phu, nghiêm túc, xém xét kỹ càng đối với từng nội dung, nhu cầu và trên hết là phục vụ người dân. Ông Nguyễn Văn Nền cũng đề nghị HĐND TP Hồ Chí Minh đặt công tác giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết 98 là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu để đạt hiệu quả cao nhất.

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Xử lý hơn 5.000 trường hợp ô tô vi phạm
TP Hồ Chí Minh: Xử lý hơn 5.000 trường hợp ô tô vi phạm

Sau 1 tháng ra quân tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và ô tô vận tải hàng hóa bằng container, Công an TP Hồ Chí Minh đã xử lý hơn 5.000 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 4,2 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN