08:19 12/08/2014

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng ứng phó với dịch Ebola

Trước tình hình dịch bệnh Ebola đang diễn biến thức tạp tại các nước Châu Phi ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã chủ động nhiều biện pháp ứng phó với loại dịch bệnh này


Trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh Ebola ở các nước nước vùng Châu Phi, ngày 12/8 Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra công phòng chống dịch Ebola tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tăng cường công tác giám sát

Theo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh, trung bình một ngày có 100 chuyến bay với 200 hành khách/ chuyến. Trong đó có 3 chuyến bay đến từ Trung Đông với số hành khách khoảng 750 người. Hiện nay, không có chuyến bay trực tiếp từ châu Phi đến sân bay Tân Sơn Nhất, chủ yếu là hành khách quá cảnh qua các nước khác đến TP Hồ Chí Minh. Lượng hành khách đến từ châu Phi chỉ vài ba trường hợp/ngày.

Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Ebola vào Việt Nam thông qua đường hàng không Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc Tế tại TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng nhiều biện pháp. Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, hiện tại cửa khẩu quốc tế Sân Bay Tân Sơn Nhất được bố trí 04 máy đo thân nhiệt, trong đó sử dụng hai máy và hai máy dự phòng. Đồng thời Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã bố trí 3 kíp trực thường xuyên 24/24 giờ, phòng cách ly, phương tiện bảo hộ, trang thiết bị y tế cần thiết để sẵn sàng thực hiện đúng theo quy trình cách ly và chuyển viện trong trường hợp phát hiện ca nghi ngờ.

Từ ngày 11/8 Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện tờ khai y tế cho các hành khách từ vùng có dịch bệnh Ebola


Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh còn cho biết, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng tờ khai y tế bắt buộc đối với hành khách đến từ 4 nước châu Phi mà dịch Ebola đang hoành hành gồm: Nigeria, Liberia, Guinea và Sierra Leone. Ngoài ra, tùy trường hợp mà nhân viên y tế sẽ yêu cầu hành khách làm tờ khai y tế. Trong ngày 11/8, có 3 hành khách quốc tế phải làm tờ khai y tế bắt buộc gồm 1 trường hợp đến từ Nigeria và 2 trường hợp đến từ Angola. Tuy nhiên, sau khi kết hợp đo thân nhiệt và thông tin từ tờ khai y tế, chưa phát hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh ở những trường hợp này.

Sau khi tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phó giám đốc Sở y tế TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tại sân bay khá tốt. Trung tâm kiểm dịch đã triển khai khá đầy đủ trang thiết bị. Cụ thể tại khu vực cách ly trung tâm kiểm dịch đã trang bị 2 máy đo thân nhiệt từ xa, từ ngày 11/8 trung tâm cũng đã cho triển khai tờ khai y tế màu vàng với các hành khách đi về các quốc gia có dịch.

“Tuy số lượng hành khách từ các nước có dịch bệnh Ebola về thành phố không nhiều nhưng chúng ta không chủ quan mà phải thực hiện tất cả các biện pháp ngăn chặn, giám sát chặt chẽ dịch bệnh vào TP Hồ Chí Minh”- Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết.

Tập huấn cho các bệnh viện

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở khu vực Tây Phi Sở y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai nhiều biện pháp và đưa ra nhiều tình huống có thể xảy ra. Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết: Hiện nay chúng ta đang ở tình huống 1 là chưa có ca bệnh xuất hiện. Do đó, chúng ta phải tập trung vào công tác giám sát một cách sớm nhất có thể để phát hiện các ca nghi ngờ nhiễm và có biện pháp cách ly kịp thời cũng như có những xử lý tiếp theo cho phù hợp. Không chỉ tăng cường giám sát ở sân bay mà chúng ta còn phải giám sát cả khu vực cảng Sài Gòn và trong khu dân cư có yếu tố nghi ngờ.

Khu vực quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất có 2 máy đo thân nhiệt hoạt động thường xuyên.


Còn về công tác điều trị Sở y tế đã giao cho bệnh viện Nhiệt đới là đơn vị đầu mối tiếp quản khi phát hiện người nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 cũng là đơn vị tiếp nhận những ca trẻ em có nghi ngờ bị nhiễm. Cả ba bệnh viện này, đến nay cũng đã sẵn sàng chuẩn bị hóa chất, khu vực cách ly, máy móc trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Ngoài ra, các bệnh viện cũng đặc biệt chú ý chú trọng trang bị quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế.

Theo ông Hưng, giám sát những ca bệnh đầu tiên ở khu vực bệnh viện cũng hết sức quan trọng. Do đó, để các bệnh viện không lúng túng trong việc xác định ca bệnh, Sở Y tế sẽ tập huấn cho các bác sỹ ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố về nhận biết bệnh Ebola, các triệu chứng nghi ngờ và vùng dịch tễ để khai thác…Với việc tập huấn như vậy khối các bệnh viện sẽ giám sát tốt hơn đối với các trường hợp trong thời gian ủ bệnh chưa phát hiện ở các cửa khẩu sân bay.

Để sẵn sàng đối phó với nguy cơ dịch bệnh Ebola có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, ngành y tế thành phố khuyến cáo, người dân chủ động gìn giữ sức khỏe bản thân và gia đình bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở và nơi làm việc, ăn chính uống sôi, thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng… Đặc biệt lưu ý đối với những người đi vào vùng có dịch nếu có dấu hiệu như sốt cao, đau toàn thân, nôn ói, đi cầu tiểu, đi cầu ra máu… cần phải đến ngay bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe kịp thời.

Đan Phương