12:10 11/12/2010

TP Hồ Chí Minh: Nan giải thiếu điện (Bài cuối)

Một tuyến tàu điện ngầm (Metro) có thể "ngốn" công suất của cả một nhà máy thủy điện loại vừa. Một tòa nhà cao tầng mới mọc lên hoạt động hết công suất cũng tương đương với một xí nghiệp.

Một tuyến tàu điện ngầm (Metro) có thể "ngốn" công suất của cả một nhà máy thủy điện loại vừa. Một tòa nhà cao tầng mới mọc lên hoạt động hết công suất cũng tương đương với một xí nghiệp. Nếu không có những quy hoạch phù hợp và tiết kiệm năng lượng, chắc chắn TP.HCM sẽ thiếu điện trong thời gian tới.

Bài cuối: Quy hoạch điện hợp lý để tiết kiệm điện

Từ "gia đình tiết kiệm điện"

Trong số các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà TP.HCM thực hiện, phong trào "gia đình tiết kiệm điện" mang lại hiệu quả cao. Năm 2010, TP.HCM đã có 120.000 hộ dân tham gia phong trào tiết kiệm điện, trong đó có 3.000 hộ được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình tiết kiệm điện tiêu biểu".

Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC), với mức chi cho tiêu thụ điện vào khoảng 16.000 tỉ đồng/năm thì việc tiết kiệm được 5% điện năng sử dụng như hiện nay đã giúp TP.HCM tiết kiệm khoảng 800 tỉ đồng/năm. Nếu như chương trình được nhân rộng và được sự ủng hộ tham gia của 1,2 triệu hộ dân TP.HCM thì con số tiết kiệm còn tăng nữa và TP.HCM cũng giảm được áp lực thiếu điện.

Theo phân tích dựa trên các số liệu của ECC thì người dân là nhóm thực hiện tiết kiệm điện tốt nhất, sau đó mới đến khối sản xuất công nghiệp và xây dựng dù cả hai nhóm đạt mức tiết kiệm 2% như nhau. Lý do là bởi khối công nghiệp và xây dựng là nhóm tiêu thụ điện lớn nhất (chiếm 51% tổng lượng điện tiêu thụ) trong khi nhóm quản lý và tiêu dùng dân cư chiếm 40%, thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng chiếm 5%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1% và 3% cho các hoạt động khác.

Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chương trình
giờ Trái Đất-Ảnh CTV

Riêng một số cơ quan nhà nước vẫn chưa thực hiện tốt việc tiết kiệm điện vì tiêu tiền ngân sách. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, hiện nay nước ta đã có Luật Điện lực, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với những chính sách khuyến khích thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường, nhưng dường như những điều cụ thể trong các luật này còn rất mới mẻ với nhiều người. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở hình thức tuyên truyền, động viên.

Đến xây dựng một cơ cấu ít sử dụng năng lượng

Theo nhận định của EVN, từ năm 2012 trở đi, tình hình cung cấp điện sẽ khó khăn hơn cho khu vực TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung vì nguồn điện sẽ không đáp ứng được nhu cầu, khi đó phải tiếp nhận một lượng lớn điện năng từ miền Trung chuyển vào. Với tình trạng khô hạn kéo dài như thời gian vừa qua thì khả năng đáp ứng nhu cầu điện là rất khó khăn.

Dù TP.HCM phát triển theo hướng dịch vụ - thương mại thì việc tiêu hao năng lượng vẫn cực lớn nếu như TP không có định hướng quy hoạch năng lượng. Đơn giản là vì bất cứ công trình nào của TP.HCM cũng có quy mô gấp nhiều lần so với các tỉnh, thành khác trong nước. Một tuyến Metro công suất sử dụng tương đương với một nhà máy thủy điện loại vừa.

Trong khi quy hoạch TP.HCM có tới 4 tuyến Metro và 2 tuyến tàu điện mặt đất. Hay như riêng hệ thống các nhà máy xử lý nước sạch hiện nay có tổng công suất đã lên đến 1,2 triệu m3/ngày đêm. Trong khi nhà máy nước của một tỉnh cao nhất 50 - 60 ngàn m3/ngày đêm. Với mức hoạt động liên tục như thế thì tiêu hao điện năng là rất lớn.

Một mối lo ngại nữa là việc xây dựng các tòa nhà cao tầng đang diễn ra khá nhiều. Muốn tiết kiệm điện thì phải đặt ra những yêu cầu chỉ tiêu thiết kế về ánh sáng, hướng gió… của tòa nhà để làm sao tòa nhà đó tiết kiệm năng lượng tối đa. Nên nhớ, mỗi năm có thêm hàng chục tòa nhà cao tầng trên TP.HCM, và nếu không nhận ra sớm vấn đề này để tiết kiệm năng lượng thì chắc chắn TP.HCM sẽ còn thiếu điện dài.

Theo nhận định của ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM: Tại Việt Nam, hiện rất lãng phí năng lượng do chúng ta nhập các dự án có công nghệ tiêu hao năng lượng lớn như xi măng, thép, khai khoáng… nhưng lại không có biện pháp kiểm soát và không có một quy chuẩn nào đảm bảo về tiêu hao năng lượng.

Một nhà máy cán thép có thể tiêu thụ cả công suất của một nhà máy phát điện. Như vậy, bài toán kinh tế đặt ra là lợi nhuận từ nhà máy thép mang lại liệu có đủ bù đắp cho chi phí đầu tư nhà máy điện và mạng lưới điện.

"Một ví dụ điển hình là trong vòng 3 năm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thay đổi quy hoạch điện đến 7 lần nhưng vẫn trong tình trạng thiếu điện. Và TP.HCM nhất thiết phải quy hoạch và xây dựng một tiêu chuẩn cơ cấu ít sử dụng năng lượng nếu không muốn tình trạng thiếu điện trong tương lai", ông Tước kết luận.

Sĩ Dũng