10:22 15/10/2012

TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị hàng bình ổn dịp Tết Nguyên đán

Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và tiểu thương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai dự trữ hàng với quyết tâm thực hiện bình ổn giá cả, chuẩn bị cho “mùa mua sắm” cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và tiểu thương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai dự trữ hàng với quyết tâm thực hiện bình ổn giá cả, chuẩn bị cho “mùa mua sắm” cuối năm.

 

Lượng cung dồi dào

 

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa bình ổn giá cho dịp cuối năm, nhiều DN sản xuất đã lên kế hoạch sản xuất và dự trữ nguồn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ từ rất sớm với lượng cung tăng hơn năm ngoái.


 

Các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết dồi dào.

 

Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, mặc dù còn khá lo lắng về khả năng tiêu thụ hàng hóa trong thời điểm Tết Nguyên đán nhưng nhiều DN sản xuất vẫn đảm bảo kế hoạch chuẩn bị cung ứng lượng hàng đầy đủ, cam kết giá cả ổn định, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến. Thậm chí, nhiều DN đã chuẩn bị nguồn cung hàng phục vụ Tết tăng gần gấp 2 lần so với kế hoạch thành phố giao. Vì vậy, lượng hàng phục vụ Tết Quý Tỵ cũng tăng 20 - 30% so với năm ngoái.


Theo đó, các DN sản xuất chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết với tổng nguồn vốn hơn 6.682 tỷ đồng, tăng 1.289 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường là 3.436 tỷ đồng, tăng 606 tỷ đồng. Đơn cử như: Công ty Vissan chuẩn bị nguồn hàng bình ổn Tết 1.010 tỷ đồng, Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn 231 tỷ đồng, Công ty Ba Huân 165,2 tỷ đồng... Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Citimart cũng đã tiến hành đặt hàng cho dịp Tết với số lượng tăng 2 - 3 lần so với những tháng thường.


Nhằm đảm bảo nguồn cung đa dạng, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, các DN sản xuất bánh kẹo, dầu ăn, đồ uống và chăn nuôi ở một số tỉnh, thành lân cận để nắm bắt, theo dõi khả năng cung - cầu hàng hóa. Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích các DN ở các tỉnh lân cận đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá, tuy nhiên phải tuân thủ theo các quy định bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh.

 

Tiểu thương rục rịch trữ hàng


Thời điểm này các tiểu thương tại các chợ bán buôn, bán lẻ cũng đang rục rịch chuẩn bị nguồn hàng Tết nhưng có phần kém sôi động so với năm trước. Nguyên nhân được các tiểu thương ở các chợ bán buôn như: Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)... đưa ra là do sức mua hiện vẫn ở mức bình thường, thậm chí có mặt hàng còn giảm. Giá đầu vào cao khiến giá sản phẩm tăng cũng khiến tiểu thương không dám trữ hàng nhiều như mọi năm.


Ghi nhận tại khu vực bán bánh, mứt, kẹo tại chợ Bình Tây, cùng thời điểm này năm ngoái, nhiều tiểu thương đã dự trữ hàng trăm tấn hàng nhưng năm nay họ phải tính toán kỹ mới dám nhập hàng về, vì diễn biến của thị trường lên xuống rất khó đoán. Hơn nữa, theo các tiểu thương, lượng hàng đi các tỉnh miền Tây cũng giảm hơn năm ngoái do nhiều DN địa phương đã tranh thủ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất mứt, phân phối trực tiếp nên không nhập hàng từ TP Hồ Chí Minh về.


Bên cạnh ngành hàng thực phẩm, các ngành hàng quần áo, túi xách, giày dép... ở các chợ này cũng khá im ắng. Giá các sản phẩm này cũng đều tăng trung bình 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái.


Đối với ngành hàng thiết yếu phục vụ những ngày Tết như thịt heo, gà... , ông Nguyễn Phước Trung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tình hình sản xuất và chăn nuôi đang diễn ra khá tốt. Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, sức mua không tăng, cộng với hàng nhập khẩu giá rẻ đã kéo giá thịt gia súc, gia cầm ngày càng giảm”. Tuy nhiên, theo ông Trung, tình trạng này nếu kéo dài, sẽ rất khó cho công tác phát triển tổng đàn, phục vụ cho dịp Tết sắp tới. Vì vậy, để đảm bảo nguồn hàng, các DN tham gia chương trình bình ổn giá nên có hợp đồng thu mua trực tiếp với các đối tác, không nên thu gom hàng thông qua đầu mối để tránh rủi ro.


Mặc dù nhiều DN sản xuất đã có kế hoạch dự trữ hàng bình ổn giá phục vụ dịp cuối năm nhưng cơ quan quản lý đều cho rằng, việc tăng giá trong dịp lễ, Tết cuối năm là khó tránh khỏi, đặc biệt tại các chợ lẻ, với dự báo mức tăng khoảng 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết