12:22 30/12/2014

TP Hồ Chí Minh bắt đầu thu phí đường bộ từ ngày 9/1

Đó là thông tin được thông qua tại kỳ họp thứ 17, kỳ họp bất thường của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII vào ngày 30/ 12. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại tỏ ra băn khoăn về định mức thu và cách xử phạt khi áp dụng vào thực tế.

Đó là thông tin được thông qua tại kỳ họp thứ 17, kỳ họp bất thường của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII vào ngày 30/ 12 tại TP. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại tỏ ra băn khoăn về định mức thu và cách xử phạt khi áp dụng vào thực tế.


Thu thấp nhất 50 ngàn đồng


Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết: Mức thu phí đề xuất đối với phương tiện xe mô tô như sau: Xe có dung tích xi lanh đến 100 cm3 là 50 nghìn đồng, xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3 đến 175 cm3 là 100 nghìn và xe trên 175 cm3 là 150 nghìn đồng. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 9/1/2015. Bên cạnh đó,Khoản thu phí này sẽ giao cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý. Theo đó, 10% số phí thu được sẽ được giao cho phường, thị trấn và 20% số phí thu được sẽ giao cho các xã để trang trải chi phí tổ chức theo quy định.


Tuy nhiên, không ít đại biểu tham dự lại băn khoăn về giới hạn thu của loại phí này. Đại biểu Huỳnh Quốc Cường cho rằng: Thành phố có nghiên cứu kỹ mức thu phí sử dụng đường bộ không? Thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội cũng chỉ thu từ 50 -100 nghìn đồng, vì vậy thiết nghĩ thành phố không nên áp dụng mức thu cao nhất 150 nghìn đồng. Ngoài ra, tính đến tháng 4/ 2014 thành phố có khoảng 2,5 triệu xe mô tô trên địa bàn đăng ký rơi vào trên 100 phân khối. Đây sẽ là đối tượng chịu phí nặng nhất.


Đồng quan điểm không áp dụng thu phí sử dụng đường bộ ở mức cao, ông Nguyễn Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho hay: Chúng ta nên đưa ra 3 mức khác nhau. Đối với xedưới 110 cm3 nên thu ở mức 50.000 đồng/năm. Đây là lượng xe mà người lao động sử dụng nhiều nhất. Mức thu trên giúp giảm bớt gánh nặng cho người lao động. Riêng đối với xe trên 110 – 175 cm3 thu 100.000 đồng/năm, trên 175 cm3 thì thu 150.000 đồng/năm.


Trước những băn khoăn của nhiều đại biểu về mức thu phí đường bộ đối với xe gắn máy, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu: Chính quyền địa phương làm sao đó để đảm bảo công tác thu phí được công bằng, khoa học, thuận lợi cho người dân. Đồng thời,vận động người dân đồng thuận với quy định của nhà nước.T P. HCM sẽ đề xuất mức thu phí là 50.000 đồng/năm đối với loại xe có dung tích xy lanh đến 100 cm3; 100.000 đồng/năm đối với loại xe trên 100 cm3 - 175 cm3; 150.000 đồng/năm đối với loại xe trên 175cm3.


Theo đó, UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ tiến hành thu, qua 2 phương thức: người nộp phí sẽ đến UBND xã, phường, thị trấn để nộp phí; hoặc UBND xã, phường, thị trấn cử cán bộ hành thu (đến nhà người dân thu) và cấp biên lai thu phí cho người nộp phí. Tất cả phương tiện xe máy bao gồm xe máy 2 bánh, xe gắn máy có đăng ký biển số xe tại TP.HCM hoặc xe đăng ký biển số xe tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại TP.HCM.


Phạt cao nhất 50 triệu đồng


Về các biện pháp chế tài khi quyết định thu phí đường bộ được áp dụng theo tờ trình của HĐND TP như sau: Các trường hợp không nộp phí sử dụng đường bộ sẽ bị xem xét xử phạt theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 186/2013/TT-BTC. Theo đó, sẽ phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp. Đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.


Trốn phí đường bộ, chủ xe mô tô sẽ bị phạt cao nhất 50 triệu đồng.


Mặc dù có quy định về chế tài xử phạt khi trốn đóng phí đường bộ, nhưng nhiều đại biểu lại lo lắng. Đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng:Hiện đang thiếu quy định xử phạt, đây cũng là điểm yếu mà các tỉnh – thành gặp phải khi áp dụng thu phí đường bộ đối với xe mô tô và xe gắn máy. Nên chăng có những quy định xử phạt và chế tài rõ ràng. Theo quy định mức xử phạt từ 1 - 3 lần. Nhưng trong cách tổ chức hiện chưa nói rõ khi nào cảnh cáo, khi nào 1 , 2, 3 lần, nếu không quy định rõ thì phường xã khó tiến hành xử phạt. Xử phạt đưa vào ngân sách hay như thế nào cũng cần làm rõ?


Ngoài ra, theo tờ trình của UBND thành phố, thẩm quyền xử phạt chế tài bao gồm UBND các cấp, quan thuế, tài chính, công an… Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế TP lại cho rằng, Cục Thuế chỉ tham gia phát hành biên lai thu phí theo quy định, đề nghị phương thức thanh kiểm tra giao cho cơ quan thuế và công an khi chủ phương tiện giao tên đổi chủ. Riêng việc giao thuế kiểm tra hộ gia đình và trên đường là không ổn.


Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tín cũng cho biết: Pháp luật không quy định cho cảnh sát giao thông khi kiểm tra và yêu cầu người dân trình thêm giấy tờ chứng minh mình đã đóng phí, đó không phải là giấy tờ bắt buộc người dân phải mang theo. Vì vậy, trước mắt thành phố sẽ vận động người dân hiểu và đóng mức phí này. Còn về lâu về dài, thành phố sẽ xây dựng phần mềm liên kết các cơ quan liên quan đến kiểm tra đầu phương tiện xe gắn máy.


Bài, ảnh: Hoàng Tuyết