07:08 04/07/2012

Tổng thống Syria “lấy làm tiếc” về vụ bắn máy bay Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Syria (Xyri) Bashar al-Assad ngày 3/7 đã “lấy làm tiếc” về việc lực lượng phòng không nước này bắn rơi một máy bay chiến đấu F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/6, đồng thời khẳng định chiếc máy bay này bị bắn khi đang trong không phận Syria.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 3/7 đã “lấy làm tiếc” về việc lực lượng phòng không nước này bắn rơi một máy bay chiến đấu F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/6, đồng thời khẳng định chiếc máy bay này bị bắn khi đang trong không phận Syria.


Trả lời phỏng vấn tờ Cumhuriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Assad cho biết chiếc F-4 đã bay dọc hành lang bay, từng được không quân Ixraen sử dụng ba lần trước đây, đồng thời khẳng định vụ việc này 100% là tai nạn. Khi được hỏi liệu căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn tới chiến tranh hay không, Tổng thống Assad tuyên bố: “Chúng tôi không cho phép những căng thẳng đó biến thành một cuộc chiến mở rộng giữa hai nước vì nó có hại cho cả đôi bên”. Ông Assad cho biết, Syria không ngần ngại phải xin lỗi nếu như chiếc máy bay của thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi khi đang bay trên vùng trời quốc tế.


 

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên tờ Cumhuriyet ngày 3/7. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Sau vụ máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn hạ, ngày 2/7, Ancara thông báo đã điều động 6 máy bay chiến đấu F-16 xuất kích nhằm phản ứng lại ba vụ máy bay trực thăng Syria tiếp cận biên giới hai nước. Cuối tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã điều động binh sĩ và khí tài hướng về biên giới với Syria. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố luật về can dự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã được thay đổi và bất cứ lực lượng Syria nào tiếp cận biên giới, được xem là gây đe dọa, sẽ trở thành mục tiêu tấn công.


Tuy nhiên, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen ngày 3/7 lại cố gắng làm nhẹ những quan ngại về sự điều động quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO. Khi được hỏi liệu có nguy cơ dẫn tới một cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ông Rasmussen cho rằng điều này không có khả năng.


Liên quan đến những nỗ lực ngoại giao nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Xyri, HĐBA LHQ ngày 3/7 đã có cuộc họp kín thảo luận về tình hình Trung Đông, trong đó nổi bật là vấn đề Syria.


Cao ủy LHQ về nhân quyền Navi Pillay nhận định, bạo lực ở Syria đang ngày càng trở thành xung đột phe phái. Trong bối cảnh LHQ đang cân nhắc về tương lai của phái bộ quan sát viên ở Syria, bà Pillay nhấn mạnh LHQ cần “ủng hộ và tăng cường” phái bộ này để có thể giám sát hiệu quả các sự kiện. Bà Pillay cũng chỉ trích mạnh mẽ luồng vũ khí đang được đưa vào Syria khiến bạo lực gia tăng. Mặc dù không nói rõ nguồn gốc số vũ khí này từ đâu, nhưng bà nhấn mạnh bằng mọi giá phải ngăn chặn tình trạng quân sự hóa cuộc khủng hoảng Syria.


Trong khi đó, hãng thông tấn SPA cùng ngày đã phát tuyên bố của chính phủ Arập Xêút cho biết, nước này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có “những biện pháp kiên quyết” nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu tại Syria. Tuyên bố đồng thời kêu gọi “ấn định cụ thể khung thời gian” cho việc thực hiện kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Kofi Annan, yêu cầu các bên ngừng bắn ngay lập tức và rút quân khỏi các khu vực thành phố.


Hồng Hạnh (tổng hợp)