07:11 31/07/2012

Tổng thống Rumani cáo buộc Thủ tướng Ponta "tạo phản"

Mâu thuẫn chính trị giữa những người đứng đầu Chính phủ và Nhà nước ở Rumani đã trở nên gay gắt, với việc Tổng thống Traian Basescu ngày 30/7 đã cáo buộc Thủ tướng Victor Ponta "tạo phản", trong khi ông Ponta yêu cầu ông Basescu từ chức.

Mâu thuẫn chính trị giữa những người đứng đầu Chính phủ và Nhà nước ở Rumani đã trở nên gay gắt, với việc Tổng thống Traian Basescu ngày 30/7 đã cáo buộc Thủ tướng Victor Ponta "tạo phản", trong khi ông Ponta yêu cầu ông Basescu từ chức.

Tổng thống Basescu cho rằng việc Chính phủ của ông Ponta tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trong tuần trước về luận tội tổng thống thực chất là "âm mưu tạo phản" và những người thực hiện cuộc "đảo chính bất thành" này phải chịu trách nhiệm trước các thể chế nhà nước của Rumani.

Ông Basescu đã "thoát hiểm" trong cuộc trưng cầu ý dân nhờ tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu chỉ đạt 46%, dưới ngưỡng tối thiểu 50%+1 cần thiết để kết quả trưng cầu có giá trị theo luật định.


Mâu thuẫn trở nên gay gắt khi Tổng thống Traian Basescu (trái) ngày 30/7 đã cáo buộc Thủ tướng Victor Ponta "tạo phản". Nguồn: Internet.


Về phía ông Ponta, nhà lãnh đạo này cho rằng kết quả trưng cầu ý dân với 88% số cử tri tham gia ủng hộ phế truất ông Basescu chứng tỏ người đứng đầu Nhà nước đã "mất uy tín hoàn toàn", vì thế ông này nên từ chức.

Ông Ponta nhấn mạnh ông Basescu có thể tiếp tục ở lại Dinh tổng thống, sử dụng xe, biệt thự công và đội ngũ cố vấn thân cận.

Tuy nhiên, đối với người dân Rumani, ông đã không còn là tổng thống kể từ khi kết quả kiểm phiếu được công bố tối 29/7 vừa qua.

Ông Basescu ngay lập tức bác bỏ lời kêu gọi của ông Ponta, nhấn mạnh rằng hơn một nửa cử tri Rumani không muốn ông bị "hạ bệ".

Theo các nhà phân tích, tỷ lệ 88% số cử tri tham gia bỏ phiếu ủng hộ luận tội tổng thống gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của người đứng đầu Nhà nước, trong khi tỷ lệ cử tri tham gia thấp có thể khiến đảng cầm quyền Liên minh Tự do Xã hội (USL) mất điểm trong cuộc tổng tuyển cử đúng kỳ hạn vào tháng 11 tới.

Cũng có ý kiến cho rằng việc ông Basescu vượt qua cuộc trưng cầu ý dân đã giúp xoa dịu các quan ngại trên thị trường và khiến đồng lây tăng giá, song cũng cho thấy mâu thuẫn giữa hai nhà lãnh đạo khó được hóa giải, vì thế có thể làm chậm tiến trình cải cách mà Rumani phải thực hiện để nhận được gói cứu trợ trị giá 5 tỷ euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ông Basescu bị các nghị sĩ USL bỏ phiếu đình chỉ chức vụ từ ngày 6/7 vừa qua và phải đối mặt với cuộc trưng cầu ý dân về luận tội tổng thống vào ngày 29 cùng tháng.

Theo luật trưng cầu ý dân ở Rumani, tổng thống sẽ bị bãi nhiệm nếu có 50%+1 phiếu ủng hộ việc này và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vượt ngưỡng tối thiểu 50% +1.

Trong trường hợp như vậy, Rumani sẽ phải tổ chức bầu cử tổng thống mới, trùng với thời điểm bầu cử Quốc hội trong vòng 3 tháng tới.

Nếu cuộc trưng cầu ý dân thất bại, Tổng thống Basescu sẽ vẫn tại nhiệm cho đến năm 2014 sau khi đã giữ cương vị này trong 8 năm qua.

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua còn phải được Tòa án Hiến pháp Rumani thông qua.


TTXVN/ Tin Tức