11:19 28/11/2014

Tổng thống Reagan: Chiến thắng bằng mọi giá

Tài liệu của CIA còn cho thấy Giám đốc CIA William Casey và các quan chức cấp cao khác đã liên tục được thông tin về các vụ tấn công như trên và kế hoạch của Iraq sẽ triển khai thêm nhiều vụ nữa.


Tài liệu của CIA còn cho thấy Giám đốc CIA William Casey và các quan chức cấp cao khác đã liên tục được thông tin về các vụ tấn công như trên và kế hoạch của Iraq sẽ triển khai thêm nhiều vụ nữa. Tài liệu có đoạn: “Nếu Iraq sản xuất hoặc mua lượng lớn chất mù tạt mới, họ gần như chắc chắn sẽ sử dụng để chống lại quân Iran và các thị trấn gần biên giới” hai nước.


Tổng thống Iraq Saddam Hussein đón tiếp Đặc phái viên Mỹ Donald Rumsfeld - người sau này đóng vai trò then chốt trong chiến dịch tiêu diệt ông Hussein.


Nhưng chính sách của Tổng thống Reagan khá dứt khoát, đó là bằng mọi giá phải đảm bảo Iraq chiến thắng trong cuộc đối đầu với Iran. Trong báo cáo của mình, CIA lưu ý việc sử dụng chất độc thần kinh “có thể tác động lớn tới chiến dịch biển người của Iran và buộc Iran phải từ bỏ chiến lược này”. Chiến thuật biển người, vốn được Iran sử dụng dựa trên việc dùng quân số áp đảo để tấn công các vị trí quân đội Iraq, đã chứng tỏ hiệu quả trong một số trận đánh. Vào tháng 3/1984, CIA báo cáo Iraq đã “bắt đầu sử dụng chất độc thần kinh tại chiến trường Al Basrah và có thể sẽ triển khai trên quy mô lớn sau đó”.

Việc sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh bị Công ước Geneva 1925 cấm, trong đó nêu rõ các bên ký kết  “sẽ làm hết sức mình để khuyến khích các quốc gia tuân thủ” công ước. Iraq đã không ký vào công ước, song năm 1975, Mỹ đã tham gia vào công ước này. Sau đó tận tới năm 1997, Công ước về Vũ khí hóa học ra đời cấm hoàn toàn việc sản xuất, sử dụng các loại vũ khí hóa học.

Trở lại thời điểm năm 1983, làn sóng tấn công đầu tiên của Iraq là sử dụng khí mù tạt. Nói chung, loại khí này không gây chết người nhưng gây tổn thương da và các tế bào cơ, vốn có thể dẫn tới nhiễm trùng. Ngoài ra, nó còn làm mù mắt nạn nhân và tổn thương hệ hô hấp, làm gia tăng nguy cơ ung thư. Vào thời điểm Iraq sử dụng khí mù tạt, Mỹ chưa cung cấp các tin tức tình báo chiến trường cho Baghdad, nhưng cũng không có động thái gì hỗ trợ Iran trong việc đưa vụ việc ra ánh sáng và cũng không thông báo cho LHQ.

 Bằng chứng thuyết phục về việc Iraq sử dụng vũ khí hóa học được đưa ra ánh sáng vào năm 1984 nhưng điều này không ngăn được S.Hussein sử dụng các chất độc chết người trong các cuộc tấn công ngay cả vào chính người dân nước mình. Năm 1986, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất một chương trình chia sẻ thông tin tình báo với phía Iraq nhưng theo Francona, đề xuất đã bị bác bỏ vì Bộ Ngoại giao Mỹ coi S.Hussein như một “kẻ ngoại đạo” và những tay chân của ông ta là “kẻ sát nhân”.

Tình hình đột nhiên thay đổi vào năm 1987. Hình ảnh do thám vệ tinh của CIA cho thấy Iran đang tập trung lực lượng lớn quân đội và trang thiết bị tới phía Đông thành phố Basrah, ông Francona tiết lộ, thời điểm này ông đang làm việc tại Cơ quan tình báo quân sự (DIA) Mỹ. Điều khiến giới phân tích DIA lo ngại nhất đó là ảnh chụp cho thấy phía Iran đã phát hiện ra một lỗ hổng trong giới tuyến phía Đông Nam của Basrah. Lỗ hổng này nằm tại vị trí giao nhau giữa Quân đoàn III của Iraq, được triển khai ở phía Đông thành phố, với Quân đoàn VII, triển khai về phía Đông Nam và xung quanh bán đảo Fao bất ổn.

Vệ tinh phát hiện các đơn vị kỹ thuật và công binh Iran đã bí mật triển khai tới khu vực đối diện với lỗ hổng phòng ngự trên. Điều này cho thấy đây sẽ là nơi mà lực lượng chủ lực của Iran sẽ tiến công. Cuối năm 1987, chuyên gia phân tích của DIA ra một báo cáo tối mật với tiêu đề “Tại cửa ngõ Basrah”, cảnh báo cuộc tấn công mùa xuân 1988 của Iran sẽ lớn hơn tất cả đợt tấn công thường kỳ trước đó và nó có cơ hội lớn để chọc thủng phòng tuyến của Iraq và chiếm giữ Basrah. Báo cáo cũng cảnh báo nếu Basrah thất thủ, quân đội Iraq có thể sụp đổ và Iran sẽ giành chiến thắng.

Tổng thống Reagan đã đọc báo cáo và viết một dòng sang bên lề đề gửi Bộ trưởng Quốc phòng Frank C.Carlucci rằng: “Iran chiến thắng là điều không thể chấp nhận được”.

Sau đó, các quan chức cấp cao Mỹ đã đưa ra một quyết định quan trọng: DIA được phép cung cấp cho Iraq tin tình báo càng chi tiết càng tốt về hoạt động triển khai và di chuyển quân của Iran. Những thông tin này, trong đó có ảnh vệ tinh, tin tình báo điện tử, tập trung chủ yếu vào khu vực phía Đông Basrah, nơi DIA tin rằng Iran sẽ tổ chức đợt tấn công tiếp theo. DIA còn cung cấp dữ liệu vị trí những cơ sở hậu cần then chốt của Iran, sức mạnh và khả năng của không quân Iran, cùng hệ thống phòng không. Francona mô tả phần lớn thông tin là “các gói mục tiêu” phù hợp để Iraq không kích tiêu diệt.

Các vụ tấn công bằng khí sarin bắt đầu. Đây là chất độc thần kinh gây nên tình trạng chóng mặt, nghẹt thở, rối loạn cơ và có thể gây chết người. Giới phân tích của CIA không thể xác định chính xác con số thương vong của Iran vì họ không tiếp cận được quan chức và tài liệu của nước này, nhưng họ ước tính con số người chết là “hàng trăm” tới “hàng nghìn” trong mỗi đợt tấn công. Và phía Iraq đã triển khai 4 đợt tấn công bằng vũ khí hóa học như vậy. CIA cũng tiết lộ, 2/3 lượng vũ khí hóa học được phía Iraq sử dụng là trong 18 tháng cuối cùng của cuộc chiến.

Một tháng sau, Iraq sử dụng bom và pháo kết hợp với khí sarin để tấn công quân Iran đang tập trung trên bán đảo Fao, Đông Nam Basrah, giúp lực lượng Iraq giành được một chiến thắng quan trọng và thu hồi lại toàn bộ bán đảo này. Thành công của trận đánh tại bán đảo Fao cũng ngăn Iran triển khai đợt tấn công dự tính từ trước nhằm chiếm giữ Basrah. Francona cho biết Washington đã rất vui mừng với kết quả này.

Ông Francona đã tới thăm bán đảo Fao ngay sau trận đánh và thấy rằng chiến trường có hàng trăm ống tiêm chứa chất a - tro - pin, một loại dược chất được sử dụng để điều trị các tác động chết người của khí sarin. Francona đã thu lượm một số ống tiêm và đem về Baghdad như một bằng chứng cho thấy Iraq đã sử dụng khí sarin trong trận đánh chiếm Fao.

Trong những tháng sau đó, Francona báo cáo quân Iraq đã sử dụng khí sarin trên quy mô lớn 3 lần và đều giành được thành công lớn. Lần tấn công cuối cùng, được gọi là “Cuộc tấn công Ramadan thần thánh”, được triển khai vào tháng 4/1988 là đợt sử dụng nhiều khí sarin nhất từng được phía Iraq tiến hành. Trong vòng ¼ thế kỷ trở lại đây, chưa có vụ tấn công bằng chất độc hóa học nào có quy mô lớn như quân đội Iraq từng tiến hành trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh với Iran.

Ngày nay, lính Mỹ đang trở thành nạn nhân của những vũ khí hóa học bị lãng quên tại Iraq và an ninh của khu vực Trung Đông bị đe dọa hơn khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng có thể đã có trong tay các vũ khí này.   


Thái Nguyễn