06:10 10/06/2015

Tổng thống Mỹ thừa nhận chưa có chiến lược đầy đủ chống IS

Tổng thống Barack Obama thừa nhận cho tới nay Mỹ vẫn chưa có một chiến lược đầy đủ và hiệu quả chống lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Iraq.

Ngày 9/6, Tổng thống Barack Obama thừa nhận cho tới nay Mỹ vẫn chưa có một chiến lược đầy đủ và hiệu quả chống lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Iraq.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7) tại Đức thừa nhận “chúng tôi vẫn chưa có một chiến lược đầy đủ” chống các tay súng IS tại Iraq vì việc đó đòi hỏi phải có những cam kết của chính phủ nước chủ nhà.

Ông Obama cho biết nhóm các cố vấn an ninh chóp bu của Nhà Trắng hiện vẫn đang lập các kế hoạch nhằm đẩy nhanh việc huấn luyện các lực lượng an ninh và quân đội Iraq để họ có đủ khả năng tự chiến đấu chống IS. Đây là tuyên bố mà ông Obama từng đưa ra từ hồi tháng 8/2014 nhưng cho tới nay vẫn chưa được thực hiện, với lý do làn sóng chỉ trích của các nghị sỹ đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện.

Binh sĩ Mỹ tham gia khóa huấn luyện chung với quân đội Iraq ở ngoại ô Baghdad hồi cuối tháng 5. Ảnh: AP


Sau khi các tay súng IS đánh chiếm thành phố Ramadi, tỉnh Anbar, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi cuối tháng trước nhận định một trong những lý do khiến chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq chưa phát huy được hiệu quả là quân đội và các lực lượng an ninh của Iraq “thiếu ý chí”.

Phát biểu với báo giới ngày 8/6 sau cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bên lề hội nghị G-7, Tổng thống Obama cho biết Thủ tướng Iraq cũng đã nhất trí cần phải tăng cường các lực lượng an ninh của Iraq và các lực lượng này phải được huấn luyện, trang bị đầy đủ và có ý chí. Theo ông Obama, việc tuyển mộ binh sĩ, nhất là những thanh niên thuộc các bộ tộc người Hồi giáo dòng Sunni phải là một ưu tiên cao, đồng thời phải nỗ lực chặn đứng làn sóng các tay súng nước ngoài tràn vào Iraq khi hàng nghìn phần tử chủ chiến đang thâm nhập vào Syria, sau đó tới Iraq.

Liên quan chiến lược của Mỹ tại Iraq, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey đang ở thăm Israel ngày 9/6 cho biết Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc các biện pháp tăng cường hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống IS, trong đó có việc mở thêm các cơ sở huấn luyện cho lực lượng Iraq tại tỉnh Anbar, đồng thời cử hàng trăm chuyên gia huấn luyện và cố vấn quân sự tới hỗ trợ các lực lượng Iraq giành lại các thành phố chiến lược Ramadi, Mosul và tiến tới đánh bại IS. Washington cũng đang tính đến khả năng huy động thêm các lực lượng để hỗ trợ Iraq.

Dù Nhà Trắng chưa đưa ra quyết định cuối cùng, song kế hoạch trên có nhiều điểm tương đồng với các tranh luận hậu trường thời gian qua về chiến lược mà liên quân do Mỹ đứng đầu sẽ áp dụng tại Iraq thời gian tới. Giới chức Mỹ cho biết bên cạnh nỗ lực giành lại Ramadi, thành phố Anbar dự kiến sẽ trở thành trung tâm của một chiến dịch quy mô lớn nhằm tái chiếm Mosul từ nay cho tới trước năm 2016. Kế hoạch trên cũng dự kiến tăng cường hiện diện của Mỹ tại Taqaddum, một căn cứ quân sự Iraq gần thị trấn Habbaniya, nơi có vị trí chiến lược đối với mọi hoạt động của các lực lượng Iraq tại tỉnh Anbar. Cụ thể, giới chức Mỹ cho biết khoảng 400 cố vấn quân sự có thể sẽ được cử tới Iraq để huấn luyện và trang bị cho khoảng 5.500 tới 10.000 tay súng bộ lạc tại nước này.

Cùng ngày, IS tuyên bố đã chiếm được toàn bộ thành phố Sirte của Libya từ tay liên minh dân quân Hồi giáo Fajr Libya (Bình minh Libya), trong đó có cả 1 nhà máy điện. Theo tổ chức chuyên theo dõi các trang mạng Hồi giáo SITE, IS đã công bố những bức ảnh "các tay súng IS đang tham chiến, điều khiến súng máy hạng nặng, tiến vào nhà máy điện và sục sạo thành phố này, cũng như thi thể của những chiến binh Fajr Libya".

Trong một diễn biến khác, đài truyền hình "Al-Manar" của Hezbollah đưa tin các tay súng thuộc phong trào Hồi giáo vũ trang của người Shi’ite ở Liban đã đẩy lùi được cuộc tấn công của phiến quân IS tại một khu vực dọc biên giới Liban-Syria, trong bối cảnh 1 trận chiến lớn giữa 2 bên sắp nổ ra tại vùng núi hiểm trở này, sau khi nhánh của Al-Qaeda tại Syria là Mặt trận Al-Nusra đã gần như thất thủ tại đây.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc thành lập một căn cứ quân sự mới ở tỉnh Anbar của Iraq và đang tiến gần tới quyết định cử thêm hàng trăm huấn luyện viên và cố vấn tới hỗ trợ lực lượng Iraq chống tổ chức cực đoan IS. Trong thời gian chờ đợi quyết định cuối cùng của Tổng thống Obama thì việc mở rộng quân sự ở mức vừa phải tại Iraq dường như là lựa chọn khả thi nhất trong số hàng loạt lựa chọn mà tổng thống đang cân nhắc để thúc đẩy nỗ lực chiến đấu của Iraq chống lực lượng nổi dậy ở tỉnh Anbar thuộc khu vực trung tâm của cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni.


TTXVN/Tin tức