12:06 19/12/2014

Tổng thống Mỹ ký dự luật trừng phạt Nga

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành một luật nhằm áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Nga song loại trừ việc tiến hành những bước đi bổ sung vào thời điểm này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/12 đã ký ban hành một luật nhằm áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Nga song loại trừ việc tiến hành những bước đi bổ sung vào thời điểm này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt bút ký ban hành luật "Hành động ủng hộ tự do tại Ukraine". Ảnh: RT.


Tổng thống Obama cho biết ông đã ký ban hành luật “Hành động ủng hộ tự do tại Ukraine” nhưng chính quyền của ông không có ý định áp đặt những lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moskva theo dự luật trên ngay trong lúc này.

Trong một tuyên bố, ông Obama nói: “Việc ký văn bản pháp luật này không có nghĩa phát đi tín hiệu về một sự thay đổi trong chính sách trừng phạt của chính quyền Mỹ mà chúng tôi đã xác định một cách thận trọng theo những diễn biến trên thực địa và phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.

Luật “Hành động ủng hộ tự do tại Ukraine” đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua hồi tuần trước, theo đó cho phép chính phủ của Tổng thống Obama áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công ty năng lượng và quốc phòng của Nga để trừng phạt đối với sự tiếp tục can dự của Moskva vào cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Luật này cũng cho phép ông Obama cung cấp viện trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, với các vũ khí chống tăng và thiết giáp có trong danh mục.

Pháp: Có thể giảm nhẹ trừng phạt 


Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 18/12 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) có thể giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu Moskva đưa ra những cam kết nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Phát biểu tại Brussels (Bỉ) khi tới tham dự hội nghị cấp cao EU, ông Hollande nói: “Tôi cho rằng nếu hiện nay Nga phát đi những tín hiệu như chúng tôi mong đợi, thì không cần phải đưa ra những lệnh trừng phạt mới nữa. Ngược lại, về phần chúng tôi cũng sẽ cân nhắc để làm thế nào có thể bắt đầu giảm nhẹ bớt (lệnh trừng phạt)”.

Trong diễn biến liên quan, các thủy thủ Nga đang rời khỏi một cảng của Pháp ở ven Đại Tây Dương nhưng không đi cùng với tàu chiến do Pháp chế tạo mà họ dự định đưa về nước. Hồi tháng trước, Pháp đã đình chỉ việc chuyển giao tàu chiến cho Nga theo hợp đồng đã ký giữa hai nước “cho đến khi có thông báo tiếp theo” vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


TN
(Theo AFP, AP)