02:11 12/02/2011

Tổng thống Ai Cập từ chức

23 giờ ngày 11/2 (giờ VN), Tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức sau 18 ngày chịu sức ép từ làn sóng biểu tình rầm rộ khắp cả nước của người dân Ai Cập.

Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang nắm quyền

23 giờ ngày 11/2 (giờ VN), Tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức sau 18 ngày chịu sức ép từ làn sóng biểu tình rầm rộ khắp cả nước của người dân Ai Cập.

Các hãng tin nước ngoài đồng loạt cho biết, Phó Tổng thống Omar Suleiman đã tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia: “Trong tình hình khó khăn mà đất nước đang trải qua, Tổng thống Hosni Mubarak đã quyết định từ chức”. Ông Suleiman cũng cho biết, Tổng thống sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập.

Ngay sau thông tin trên, tiếng còi ô tô đã vang lên khắp thủ đô Cairô cùng với tiếng reo hò mừng rỡ của hàng trăm nghìn người dân và những màn bắn pháo hoa.

Khoảng 1 tiếng trước đó, đài truyền hình Al Arabiya cho biết, Tổng thống Mubarak và gia đình đã rời thủ đô Cairô tới khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ, nơi ông thường nghỉ ngơi và tiếp khách. Theo Tân Hoa xã, tháp tùng ông Mubarak có Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang, Trung tướng Sami Hafez Enan. Phát ngôn viên Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) cầm quyền Mohammed Abdellah cũng xác nhận thông tin này.

Người dân Ai Cập ăn mừng việc Tổng thống Mubarak từ chức đêm 11/2. Ảnh: Internet


Trước đó, những người biểu tình đã rất tức giận với việc Tổng thống Mabarak, trong tuyên bố đọc trên truyền hình quốc gia đêm 10/2 (giờ địa phương), đã khẳng định ông sẽ không rời khỏi ghế tổng thống trước cuộc bầu cử tháng 9 tới như yêu cầu của những người biểu tình mà chỉ chuyển giao một phần quyền lực của tổng thống cho Phó Tổng thống Omar Suleiman.

Đêm 10/2, nhiều nguồn tin ở Ai Cập và nước ngoài cho biết nhiều khả năng ông Mubarak tuyên bố từ chức tổng thống vào cuối ngày, khiến “biển” người biểu tình trên quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairô vội vỗ tay ăn mừng. Vì thế, khi hy vọng đó bị dập tắt, làn sóng biểu tình đòi Tổng thống Mubarak từ chức càng dâng cao trên toàn đất nước Ai Cập trong ngày 11/2. Ước tính có khoảng 1 triệu người dân Ai Cập đã đổ ra đường đòi Tổng thống Mubarak từ chức.

Dòng người đổ về quảng trường Tahrir mỗi lúc một đông hơn; trong khi hàng nghìn người khác tập trung bên ngoài dinh tổng thống ở ngoại ô Heliopolis với kế hoạch sẽ tràn vào dinh tổng thống, buộc ông Mubarak phải từ chức.


Người biểu tình tuần hành dọc bờ sông Nin, hô vang các khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống từ chức ngay lập tức. Tại thành phố Al Arish ở phía bắc bán đảo Sinai, Tân Hoa xã cho biết, những người biểu tình đã bắn vào một đồn cảnh sát và lực lượng an ninh đã bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông biểu tình.

Không chỉ tức giận với Tổng thống Mubarak, người biểu tình còn giận dữ với việc quân đội ra thông cáo ủng hộ ông Mubarak tiếp tục nắm quyền đến tháng 9 tới.


Các nguồn tin nước ngoài ở Cairô cho biết, tối 11/2, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang của Ai Cập, do Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội Hussein Tantawi đứng đầu, đã đưa ra một tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia (được coi là “thông cáo công khai số 2”), trong đó khẳng định quân đội ủng hộ việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và sẽ bảo đảm rằng Tổng thống Mubarak thực hiện các cam kết cải cách hiến pháp và tổ chức một cuộc bầu cử công bằng, tự do vào tháng 9 tới.

Quân đội cũng kêu gọi người dân chấm dứt biểu tình và trở lại cuộc sống bình thường. Người biểu tình những tưởng quân đội đã giảm bớt sự ủng hộ dành cho Tổng thống Mubarak khi “thông cáo công khai số 1” được Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang của Ai Cập đưa ra vào đêm 10/2 cho biết quân đội sẽ bảo vệ đất nước và đáp ứng tất cả những yêu cầu chính đáng của người dân.

Sau tuyên bố “vẫn tại nhiệm” đêm 10/2 của Tổng thống Mubarak, lãnh đạo một loạt quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh, Đức, Pháp đã lên tiếng đề nghị một cuộc chuyển giao quyền lực có trật tự ở Ai Cập.

Hãng tin AFP cho biết, ngay sau khi có tin Tổng thống Mubarak từ chức, Nhà Trắng đã thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có bài phát biểu trên truyền hình về việc này vào lúc 1 giờ 30 ngày 12/2 (giờ Việt Nam). Liên minh châu Âu (EU) cũng ngay lập tức đưa ra phản ứng với diễn biến quan trọng này. Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đánh giá, Tổng thống Mubarak “đã nghe tiếng nói của người dân Ai Cập” và mở đường cho cải cách bằng quyết định từ chức của mình.

Vài phút sau quyết định từ chức của Tổng thống Mubarak, cả 3 chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ từ chỗ đang giảm nhẹ đã tăng vọt.

Minh Dương (tổng hợp)