12:17 09/12/2014

Tổng Thanh tra Chính phủ: Tăng cường sự tham gia của người dân và báo chí

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ về những biện pháp khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc "chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển".

Nhân ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng (9/12), phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về những biện pháp khuyến khích sự tham gia của cộng đồng người dân, các cơ quan truyền thông trong việc "chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển".

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN


*Xin ông cho biết những hoạt động Việt Nam đã thực hiện trong việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng?


Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và quyết định chọn ngày 9/12 hàng năm làm Ngày Quốc tế chống tham nhũng với mục đích nâng cao nhận thức về tham nhũng và vai trò của Công ước trong phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

Vào ngày này hàng năm, Liên hợp quốc lại tổ chức các chiến dịch tuyên truyền trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng gửi đến nhân dân trên toàn thế giới thông điệp về phòng, chống tham nhũng. Năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tới thông điệp "phá vỡ chuỗi tham nhũng".

Đối với Việt Nam, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã được phê chuẩn vào năm 2009 và có hiệu lực thực hiện từ cuối năm 2009. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cũng như những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời là một thành viên tích cực trong việc tham gia đầy đủ, trách nhiệm thực thi Công ước.

Tới đây, Việt Nam sẽ đánh giá về việc thực thi Công ước trong chu trình thứ hai đối với chương II (Các biện pháp phòng ngừa); tham gia kiểm tra thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại hai quốc gia: Trung Quốc và Công Gô.

*Vai trò của cộng đồng trong phòng, chống tham nhũng gần đây đã có nhiều tích cực hơn so với trước. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng như khuyến khích cộng đồng tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhiều bất cập. Tới đây, cần có những biện pháp gì để tăng cường sự đóng góp tích cực của cộng đồng cùng các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, thưa ông?

Thanh tra Chính phủ nhận thức rất rõ công cuộc phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và đặc biệt là vai trò của xã hội: Báo chí và người dân. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã có quy định khuyến khích, bảo vệ, khen thưởng người tố cáo.

Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó có quy định một số điều về khuyến khích, bảo vệ người tố cáo và đặc biệt là khen thưởng người tố cáo. Năm 2011, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 03 quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng.

Năm 2012, sau khi Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo tiếp tục bổ sung nâng mức khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng. Vì vậy, hiện Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng Thông tư thay thế thông tư 03.

Dự kiến trong tháng 12/2014 sẽ ban hành Thông tư này. Ngoài sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, việc người dân và các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng là hết sức cần thiết, là một trong những kênh thông tin rất quan trọng nhằm thực thi công tác này.

* Một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả đó là kê khai tài sản. Tuy nhiên việc thực hiện công tác này vẫn còn kém hiệu quả. Theo ông, nguyên nhân của việc này là do đâu?

Việc kê khai tài sản được đánh giá là một trong 9 giải pháp phòng chống tham nhũng. Từ năm 2007, việc kê khai tài sản bắt đầu được thực hiện và ngày càng được nâng lên để thực hiện việc kê khai tài sản hàng năm. Từ năm 2013, việc kê khai tài sản được thực hiện theo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Nghị định 78 của Chính phủ hoàn toàn thực hiện theo luật sửa đổi và Nghị định 78/2013/NĐ- CP của Chính phủ về minh bạch tài sản thu nhập.

Việc kê khai tất cả các đối tượng đạt 99%, công khai tài sản đạt hơn 96%. Đây là kết quả tích cực nhưng vẫn còn khiếm khuyết; biện pháp vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Nguyên nhân của việc này là do nhận thức, tính tự giác của người kê khai chưa đầy đủ; lãnh đạo cơ quan, thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu một số nơi chưa quan tâm đúng mức; chế tài xử lý chưa mạnh, chưa có giải pháp kịp thời kiểm tra việc không trung thực trong kê khai tài sản thu nhập.

Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức của người được kê khai; đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật, trên cơ sở Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, Nghị định 78 của Chính phủ để kiểm soát chặt chẽ và có chế tài xử lý mạnh hơn.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ đề xuất thu hẹp diện kê khai tài sản thu nhập bởi hiện trong cả nước có trên 1 triệu đối tượng thuộc diện kê khai dẫn đến việc xác minh khi có yêu cầu khó thực hiện. Với những biện pháp trên, tin rằng thời gian tới sẽ có chuyển biến tốt hơn.

* Hiện ở một số địa phương có hiện trạng vụ việc tham nhũng được chuyển qua nhiều cơ quan chức năng, làm chậm lại quá trình chống tham nhũng. Tổng Thanh tra có thể cho biết cần có những biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội của Việt Nam là rất cao, tuy nhiên, trong thực tế quá trình thực hiện "phòng" và "chống" chưa đạt yêu cầu đề ra.

Tới đây, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, quan tâm đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; triển khai mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, thiết thực, chặt chẽ hơn; gắn phòng ngừa tham nhũng với truy tố điều tra, xét xử, đặt trọng tâm là việc phát hiện, điều tra, truy tố xét xử các vụ án nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của xã hội, báo chí và toàn dân tham gia, khuyến khích, khen thưởng người tố cáo tham nhũng bởi đây là một kênh quan trọng trong việc phát hiện tham nhũng; tiếp tục thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tích cực tham gia các nội dung đã cam kết. Như vậy sẽ góp phần làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng.

* Trân trọng cảm ơn ông!



Phúc Hằng (ghi)