12:10 29/12/2012

Tổng lực các giải pháp giúp thủ đô vượt qua khó khăn

Năm 2012, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Riêng ở Hà Nội mức độ này còn nặng nề hơn, bởi thủ đô tập trung đông dân cư, nhiều dự án, doanh nghiệp trọng điểm và luôn “nóng” vấn đề xây dựng, bất động sản.

Năm 2012, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Riêng ở Hà Nội mức độ này còn nặng nề hơn, bởi thủ đô tập trung đông dân cư, nhiều dự án, doanh nghiệp trọng điểm và luôn “nóng” vấn đề xây dựng, bất động sản. Vậy nhưng, kinh tế Hà Nội vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức 8,1%, gấp 1,5 lần so với cả nước. Để đạt được kết quả đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng của các cấp chính quyền, nhân dân thủ đô cũng như những quyết sách, giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt trong thực hiện.

 

“Gánh nặng hai vai”


Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, Hà Nội phải “gánh nặng hai vai”, một lúc vừa phải duy trì tăng trưởng với mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời vừa phải tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tăng 8,1%; trong đó dịch vụ tăng 9,3%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,7%, nông - lâm - thủy sản tăng 0,4%. Tổng số vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt gần 900.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay 623.000 tỷ đồng. Thu ngân sách ước đạt gần 139.000 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch HĐND thành phố giao, chi ngân sách 52.000 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển trên 21.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu phát triển trên địa bàn ước đạt 222.000 tỷ đồng, tăng 13,2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức một con số.


 

Công nhân Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (Hà Nội) vận hành hệ thống sản xuất chất tạo bọt cho bột giặt.

 

Cùng với phát triển kinh tế, an sinh xã hội được đảm bảo, thành phố đã quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ 23.000 hộ thoát nghèo; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 135.000 lượt người. Trong năm, Hà Nội đã quy định cũng như thực hiện triệt để không phê duyệt và cấp kinh phí xây dựng trụ sở, mua xe công vụ, cử cán bộ đi giao lưu, học tập nước ngoài. Các nguồn kinh phí này được dành ưu tiên cho phát triển nông nghiêp nông thôn.

 

Thiết lập trật tự và kỷ cương hành chính


Có thể nói đây, 2012 là năm thành phố Hà Nội rất quyết liệt trong thiết lập trật tự đô thị, nhất là trật tự xây dựng, xử lý nghiêm các công trình sai phạm. Đặc biệt, Hà Nội đặt kỷ cương hành chính lên hàng đầu, đã có gần 140 cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ bị cách chức, thôi việc vì tắc trách, lơ là, thiếu trách nhiệm trong công việc. Chưa khi nào mà các cấp chính quyền xử lý mạnh mẽ sai phạm trong quản lý như thời gian gần đây. Gần 500 trường hợp bị xử lý về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai. Các dự án triển khai chậm, sai mục đích, đã thu hồi trên gần 900 ha của hàng chục nhà đầu tư.


Hà Nội thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông như: Tuyên truyền vận động, điều chỉnh giờ làm việc, phân làn, phân luồng, xây dựng cầu vượt, đường trên cao, tăng cường xử lý vi phạm… Đặc biệt từ đầu năm đến nay đã khánh thành đưa vào sử dụng 5 cầu vượt đã tạo ra sự chuyển biến mạnh về giảm thiểu ùn tắc.


Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bộc bạch: “Nhiều lúc các cấp chính quyền làm quyết liệt, lại sinh ra tình trạng xin xỏ, can thiệp, nhờ vả nên có lúc lãnh đạo phải ‘lánh mặt’ vì đảm bảo cho công việc chung”.

 

Vào cuộc tổng lực

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, có thể nói giới kinh doanh Hà Nội đã chịu sự ảnh hưởng nặng nề, minh chứng là có khoảng 15.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản, chiếm khoảng 10% số doanh nghiệp. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, lãnh đạo Hà Nội đang trăn trở, đặt trách nhiệm hết sức nặng nề cho cả hệ thống chính quyền các cấp.


Trong năm nay, Hà Nội đã không thu vào ngân sách 13.000 tỷ đồng dành để giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thông thoáng mọi mặt và đến nay có khoảng 55.000 doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử, tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức, chi phí đi lại... Các cơ quan công sở, quận huyện chủ yếu giải quyết thủ tục bằng công nghệ thông tin.


Thành phố Hà Nội quan tâm đặc biệt giải quyết nguồn vốn và hỗ trợ cho các dự án trọng điểm, quan trọng và doanh nghiệp đầu tàu. Rất nhiều các giải pháp đã được Hà Nội đưa ra như: Thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp để trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; xác định những giải pháp căn bản để giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ đầu ra; tháo gỡ khó khăn lãi suất ngân hàng, xử lý nợ xấu, ưu tiên tín dụng và ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho vay, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt, Thành phố siết chặt hệ thống tiền tệ, ngân hàng, ngăn chặn “vòng luẩn quẩn” lãi suất và giải quyết vay nợ...


Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chia sẻ: Điều quan trọng không chỉ bằng tiền, mà vấn đề là Hà Nội đã vào cuộc một cách tổng lực, quyết liệt, xen kẽ song hành nhiều giải pháp, nhất là đổi mới trong cách điều hành, chỉ đạo và cải cách hành chính, siết chặt quản lý, xử lý nghiêm cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu.


Tóm lại, mặc dù kinh tế dự báo tiếp tục khó khăn, nhưng Hà Nội vẫn đặt ra nhiều kỳ vọng mới để phấn đấu thực hiện. Năm 2013, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm từ 8 - 8,5%, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển từ 15 - 16,5%, tăng giá trị xuất khẩu 9 - 10%, thu ngân sách ước đạt gần 160.000 tỷ đồng…
Mục tiêu, giải pháp tổng quát là: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu kinh tế tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012; đảm bảo an sinh xã hội.


Nguyễn Văn Cảnh