06:22 11/06/2014

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên án mạnh mẽ các hành vi sai trái của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Từ ngày 9 đến 12/6, đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng dẫn đầu đã dự Hội nghị lần thứ 103 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Tại đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên án mạnh mẽ các hành vi sai trái của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam. Đe dọa tính mạng, đánh đập gây thương tích, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Ảnh TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong bài phát biểu tại phiên họp chiều 10/6, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng đã liệt kê lại những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đặc biệt, Chủ tịch phản đối những hành động vô nhân đạo của phía Trung Quốc đối với người lao động Việt Nam đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Với chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cực lực lên án việc các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, đâm và gây thiệt hại về tài sản, phương tiện đánh bắt cho các tàu cá Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc đã có những hành vi đánh đập, gâp thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam, kể cả đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân.

Tàu cá ĐNa 90152 TS của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Như Hoa trú quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt thuỷ sản trên ngư trường truyền thống vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh TTXVN


Liên quan đến chương trình nghị sự của khóa họp lần thứ 103 này, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng đánh giá cao một số nội dung chính được đưa ra thảo luận như xem xét bổ sung Công ước số 29 năm 1930 của ILO về Lao động cưỡng bức; việc thực hiện Tuyên bố của ILO về Công bằng xã hội đã được khóa họp thứ 98 Hội nghị Lao động quốc tế năm 2008 thông qua; việc xây dựng các tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế phi chính thức sang chính thức.

Thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các đối tác xã hội Việt Nam và ILO thực hiện "Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm bền vững giai đoạn 2012-2016", Dự án "Better Work" và Dự án Tam giác về bảo vệ lao động di cư Tiểu vùng sông Mekong.

Trong thời gian đoàn làm việc tại Geneva, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng đã có cuộc tiếp xúc và làm việc với Tổng Giám đốc ILO - ông Guy Rider; Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ILO - AP), ông Yoshiteru Uramoto và Giám đốc Trung tâm đào tạo của ILO - bà Helena Andre. Ngoài ra, đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn có các cuộc gặp và trao đổi với đoàn đại biểu của Công đoàn Singapore, Liên hiệp Trung ương Công đoàn Lào, Trung tâm những người lao động Cuba...; tham dự Hội nghị Hội đồng Chủ tịch mở rộng của Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU), thông báo hoạt động công đoàn của các tổ chức thành viên và biểu thị tình đoàn kết với Công đoàn Colombia.


TTXVN/Tin Tức