08:10 13/08/2011

Tổng kết 10 năm thực hiện Dự án “Sân khấu học đường”

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Biểu diễn nghệ thuật (Bộ VH,TT&DL) khẳng định: Dự án “Sân khấu học đường” thực sự hữu ích, cần tiếp tục triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành và địa phương khác trong cả nước.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện dự án “Sân khấu học đường” (2001 - 2011) được tổ chức tại Hà Nội ngày 12/8, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Biểu diễn nghệ thuật (Bộ VH,TT&DL) khẳng định: Dự án “Sân khấu học đường” thực sự hữu ích, cần tiếp tục triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành và địa phương khác trong cả nước. Theo ông Biên, tuy mỗi địa phương có sự thể hiện khác nhau, nhưng ở 32 tỉnh, thành, việc thực hiện dự án đều đạt kết quả tốt, cho thấy sự cần thiết phải xây dựng cho học sinh đang ở độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở một bản lĩnh văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của dân tộc.

Dự án “Sân khấu học đường” do Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Cục Biểu diễn nghệ thuật (Bộ VH,TT&DL) và Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp cùng các sở VH,TT&DL, sở GD - ĐT các tỉnh, thành phố trong nước thực hiện. Dự án chia làm 3 giai đoạn: Từ 2001 - 2003, từ 2004 - 2006, từ 2007 - 2010. Giai đoạn 1, tập trung vào các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo ở các địa phương có phong trào biểu diễn 2 loại hình nghệ thuật này, chủ yếu là miền Bắc và miền Trung. Giai đoạn 2, tập trung vào nghệ thuật cải lương, bài chòi, dân ca miền Trung và Nam bộ. Giai đoạn 3, tập trung vào cải lương, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên. Hàng trăm trường THCS, THPT và hàng nghìn học sinh đã tích cực tham gia dự án. Học sinh tại các trường thực hiện dự án được học tập dưới hình thức ngoại khóa lịch sử nghệ thuật và luyện tập các tiết mục, các vai diễn mẫu mực trong các vở tuồng, chèo, cải lương, ca kịch dân tộc và dân ca nói chung. Đến nay, có thể khẳng định, dự án rất thành công trên cả 3 miền đất nước.

Phương Lan