08:05 02/08/2011

Tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ 54 dân tộc

Cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo - Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 2 - 2011, đã diễn ra tại Hà Nội chiều 31/7.

Cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo - Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 2 - 2011, đã diễn ra tại Hà Nội chiều 31/7. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo, ông Hoàng Xuân Lương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Phó Ban chỉ đạo và ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Phó ban chỉ đạo; đã chủ trì cuộc họp.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo - Ban Tổ chức cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” lần thứ 2 đã nhất trí sẽ xây dựng cuộc thi thành một thương hiệu.


Rất nhiều nội dung đã được đưa ra thảo luận, rất nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp với BTC để có thể tổ chức thành công nhất cuộc thi "tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ 54 dân tộc Việt Nam" này. Và đặc biệt, tất cả đều nhất trí cần xây dựng cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam" thành một "thương hiệu" được mọi người biết đến và mong chờ...

Xây dựng thương hiệu cho cuộc thi

Đó là khẳng định của ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Theo ông Hồ Anh Tuấn, cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam" là cuộc thi duy nhất có tầm quốc gia trong năm 2011 và là một sự kiện văn hóa rất cần thiết được tổ chức. "Đây là sự kiện mang tầm quốc gia, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Cần xây dựng thành một thương hiệu của cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam", khiến cho người ta phải chờ mong, và nếu cuộc thi không tổ chức, người ta phải hỏi đến. Đó mới là thành công của cuộc thi", ông Hồ Anh Tuấn khẳng định. Cũng theo ông Tuấn, Bộ VH - TT&DL sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho cuộc thi diễn ra thành công. Tuy nhiên, BTC cuộc thi cũng cần xây dựng được bản sắc riêng của mình để có thể khác biệt với các cuộc thi Hoa hậu trước đây, vì đây là cuộc thi Hoa hậu của các dân tộc Việt Nam!

Cùng chung quan điểm này, ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: "Cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam" được tổ chức nhằm thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trước đây chủ yếu thu hút các thí sinh miền xuôi, và cũng chủ yếu tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ miền xuôi, đô thị. Cuộc thi lần này có ý nghĩa lớn hơn vì nó tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ 54 dân tộc, ở mọi miền của đất nước, từ Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum, Đắk Lắk. Đây sẽ là cơ hội để những người đẹp các dân tộc thể hiện mình, thể hiện vẻ đẹp hình thể, trang phục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình". Tuy nhiên, theo ông Lương, với cuộc thi này, kinh phí là vấn đề rất khó khăn, bởi các thí sinh đều ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn... nên rất cần sự hỗ trợ về kinh phí cho các em tham gia thi. "Tháng 11 tới, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc sẽ tổ chức cuộc thi "Trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam". Để triển khai cuộc thi này, chúng tôi đã tổ chức khảo sát, tìm hiểu về trang phục các dân tộc. Có rất nhiều dân tộc ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao... điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhiều dân tộc thậm chí còn không còn nổi một bộ trang phục truyền thống của mình. Chính vì thế nên để tổ chức cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam", lại muốn có sự góp mặt của đủ 54 dân tộc là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, có một thuận lợi là khi Ủy ban Dân tộc tổ chức cuộc thi "Trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam", BTC cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam" có thể tham gia tuyển lựa thí sinh tại đây" - ông Lương cho biết.

Có một vấn đề được rất nhiều thành viên BTC và ban chỉ đạo đưa ra là sự lo ngại cuộc thi sẽ có quá nhiều thí sinh người dân tộc Kinh. Tuy nhiên, theo như ý kiến của ông Hoàng Xuân Lương, cũng như ông Hoàng Hữu Lượng, Vụ trưởng Vụ Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) thì không nên có sự e ngại này, bởi đây là cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam", chứ không phải cuộc thi Hoa hậu các dân tộc thiểu số Việt Nam, cho nên thí sinh dân tộc Kinh cũng có quyền tham gia bình đẳng như mọi thí sinh các dân tộc khác. Tuy nhiên, do đặc thù của cuộc thi là sự tham gia của các dân tộc, mà cụ thể là 54 dân tộc anh em, nên có lẽ cùng cần một quy chế riêng, đặc thù với những tiêu chuẩn quy định riêng cho thí sinh, ví như về bằng cấp, có thể không cần tốt nghiệp PTTH, hay về vấn đề chiều cao (chiều cao của thí sinh tham dự cuộc thi đã được quy định là 1,58 m, thấp hơn so với quy chế thi hoa hậu là 0,02 m)... Về vấn đề cần một quy chế riêng cho cuộc thi, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nhất trí. Có thể, sẽ có những quy định riêng của cuộc thi được đưa ra trong thời gian tới.

Guồng đã chạy

Thay mặt BTC cuộc thi, TS - Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng, Trưởng BTC đã báo cáo các kế hoạch, các bước triển khai, các phần việc đã thực hiện được trong thời gian qua, trong công tác tuyển sinh, vận động tài trợ, công tác chuyên môn, lễ tân, hậu cần, công tác tuyên truyền... cùng với các kế hoạch triển khai tiếp tục trong thời gian tới.

Theo TS - Hoa hậu Kim Hồng, đến thời điểm hiện tại, đã có 100 thí sinh thuộc 10 dân tộc đăng ký tham dự cuộc thi. BTC đã thành lập 3 văn phòng tuyển sinh tại miền Bắc, miền Trung Tây Nguyên, miền Đông, Tây Nam bộ để tuyển sinh. Vòng thi bán kết cuộc thi sẽ diễn ra từ ngày 12 - 15/11 tại TP.HCM. Vòng thi chung kết sẽ diễn ra từ ngày 27/11 - 11/12/2011 tại TP.HCM. "Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần II năm 2011 được tổ chức trên nền tảng tiếp nối thành công của cuộc thi "Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ I" tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào năm 2007. Sự kiện này đã góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, lịch sử, văn hóa dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp của thiếu nữ các dân tộc Việt Nam đến mọi người trong và ngoài nước, thắt chặt tình đoàn kết của 54 dân tộc anh em. Cuộc thi này hưởng ứng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về chăm lo phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc", TS - Hoa hậu Kim Hồng khẳng định.

Được biết, tại thời điểm này, BTC cuộc thi đã khảo sát và "chốt" xong địa điểm tổ chức cuộc thi tại Khách sạn 5 sao Windsor Plaza thuộc Tập đoàn Đầu Tư Vạn Thịnh Phát. Tại Hà Nội, địa điểm tổ chức sẽ do Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng và Thương mại Việt Thành tài trợ. "Chúng tôi cũng đã hoàn thành việc ký kết các hợp đồng tài trợ sản phẩm như: Áo tắm Xuân Thu, Áo dài Ngô Nhật Huy, Trang phục dạ hội Sơn Collection, trang điểm Lê Dũng, tóc Tuấn Hà Lan để hỗ trợ cho các thí sinh tham gia vòng bán kết, chung kết. Ngoài ra, những đơn vị như Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang, Công ty TNHH Truyền thông Hoa Mặt Trời, Công ty TNHH XD - SX - TM Tài Nguyên, Công ty Sơn Nippon, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty CP Đầu tư Khang Thông, Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh, Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty Địa ốc Novaland... cũng đã quyết định tham gia tài trợ cho cuộc thi này", TS - Hoa hậu Kim Hồng cho biết. Được biết, về phía bảo trợ thông tin, ngoài báo Tin Tức, còn có sự tham gia của báo Nhân Dân, Lao động, Sài Gòn Giải phóng, Kinh doanh và Tiếp thị, Cosmo, HerWorld, Thế giới Văn hóa, Tiếp thị và Gia đình.

Lần thứ 2 tổ chức, với những kinh nghiệm của lần tổ chức trước, chắc chắn cuộc thi sẽ có những thành công lớn hơn nữa. Nhất là khi, cả BTC và Ban chỉ đạo đều đồng lòng làm những điều tốt nhất cho cuộc thi. "Trong đó, đặc biệt đảm bảo chất lượng của thí sinh. Sau vòng sơ khảo, hồ sơ của tất cả các thí sinh vào vòng bán kết sẽ phải được gửi về Cục Nghệ thuật biểu diễn, và chúng tôi sẽ xét duyệt từng hồ sơ, để đảm bảo không có những sai sót nào có thể xảy ra" - ông Phạm Đình Thắng, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết.

P.V