01:11 21/01/2015

Tổn thất ‘ngầm’ từ các lệnh trừng phạt Nga

Phương Tây đã tạo ra một cách hành xử chưa từng có tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế, áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào một nền kinh tế lớn, làm tổn hại đến chính các nước thành viên của họ.

Các quốc gia châu Âu sẽ mất cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Nga trong khi nước này là một thị trường quan trọng đối với nhiều quốc gia ở lục địa già.

Phương Tây đã tạo ra một cách hành xử chưa từng có tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế, áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào một nền kinh tế lớn, làm tổn hại đến chính các nước thành viên của họ.

Một chiếc áp-phích quảng cáo khổng lồ về một chiếc máy bay kiểu dáng đẹp chuẩn bị hạ cánh xuống đường băng với dòng chữ “Dobro Pozhalovat” - “Chào mừng” trong tiếng Nga – được in bằng chữ Cyrillic cỡ lớn để chào đón các du khách tại sảnh chờ của một sân bay tầm cỡ ở châu Âu. Điều đặc biệt là biển quảng cáo này lại không nằm trong một sân bay ở Nga, không phải ở một thành phố của Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS- những nước tách ra từ Liên Xô cũ), cũng không phải ở một nước láng giềng có đông người nói tiếng Nga. Nó nằm trong sân bay của Praha, thủ đô Cộng hòa Séc, một nước thành viên của EU và là một trung tâm giao thông chính ở giữa châu Âu với tuyến đường sắt vào đường bộ nối liền với Đức, Ba Lan cũng như các thành phố của Áo. Biển quảng cáo trên cùng tất cả những dấu hiệu khác nằm rải rác tại CH Séc cũng như phần còn lại của châu Âu, đã gửi đi một tính hiệu rõ ràng: Các doanh nghiệp và du khách Nga được chào đón tại đây.

Phương Tây đã lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, làm tổn hại đến nền kinh tế của cả hai bên.


Đầu tư của Nga đã đổ vào CH Séc dưới các hình thức kinh doanh bất động sản, tài chính và các dịch vụ kỹ thuật số giống như ở những nước khác trong EU. Mặc dù có sự nhấn mạnh về một hợp đồng khí đốt khổng lồ trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc gần đây, nhưng Moskva vẫn lựa chọn EU như là một đối tác kinh tế lớn của Nga. Theo Cơ quan thống kê Eurostat, EU chiếm 40% thị trường bán lẻ của Nga. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Nga và EU ngày càng tăng lên và đã đạt đỉnh cao chưa từng có vào năm 2012. Tại Đức, xuất khẩu sang Nga đã chiếm 3,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này năm 2013.

Trong khi đó, Nga không chỉ có xuất khẩu dầu và khí đốt sang EU và phần còn lại của thế giới. Ngân hàng Sberbank, một trong những nhà cho vay hàng đầu của Nga đang rất phổ biến tại Praha (Prague) cũng như ở thủ đô của các nước châu Âu khác. Sberbank và một đối thủ cạnh tranh là ngân hàng VEB (Nga) cũng đã có mặt tại Áo, Slovakia, Hungaria, Đức và Pháp. Ngoài ra, lĩnh vực du lịch giữa hai bên đang phát triển mạnh: Trên các đường phố trung tâm của Milan (Italy) rất phổ biến những thực đơn và biển chỉ dẫn thông tin bằng tiếng Nga cũng như tiếng Anh và tiếng Italy. Milan đã trở thành một điểm đến ưa thích của khách du lịch Nga. Italy đang cố gắng khai thác tối đa lĩnh vực có sự tăng trưởng hiếm hoi này nhằm bổ sung cho một nền kinh tế vốn đang thiếu tiền mặt trong những năm thắt lưng buộc bụng và tăng trưởng không không hiệu quả.

Trở lại thị trường Nga, các công ty châu Âu, từ các nhà sản xuất của Đức đến các hãng thời trang của Italy hay các nhà bán lẻ của Anh đều đã hiện diện tại quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này - một thị trường béo bở cho hàng tiêu dùng của các nước phương Tây trong bối cảnh có sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Nga. Bên cạnh đó, thị trường bia của Nga phần lớn hiện đang nằm trong tay nhà sản xuất bia Carlsberg của Đan Mạch. 1/3 lợi nhuận toàn cầu của công ty bia này là từ Nga. Tất nhiên, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng cũng không ngoại lệ. BP có thị phần lớn trong tập đoàn khí đốt khổng lồ Rosneft của Nga, vốn mang về nhiều lợi nhuận cho nước Anh.

Thị trường Nga vẫn rất quan trọng đối với các nước châu Âu.


Đó là tất cả lý do tại sao việc EU và Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine vào mùa hè vừa qua, đã tạo ra một sự “khác lạ” trong nền ngoại giao quốc tế và châu Âu. Trước đây, phương Tây thường áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào các quốc gia nghèo, kém phát triển, có sự hợp tác thương mại với phương Tây không đáng kể và bị họ coi là “cứng đầu”. Lần này là một sự khác biệt lớn: nước bị trừng phạt không phải là một nền kinh tế bị cô lập mà còn là một thị trường mới nổi hàng đầu, một nền kinh tế toàn cầu, một thành viên của G-20 với các ngành công nghiệp quan trọng (và tất nhiên là một siêu cường cũ). Đây là một tình huống chưa từng có tiền lệ trong các cơ chế trừng phạt quốc tế và có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với EU nói riêng, phương Tây nói chung.

Trước hết là bởi vì Nga có khả năng đáp trả các lệnh trừng phạt. Thứ hai là vì những tổn thất về kinh tế đối với các công ty của châu Âu tại Nga. Ví dụ, Carlsberg đã bị ảnh hưởng nặng nề khi bị hạn chế tiếp xúc với thị trường Nga và phải đưa ra một sự cảnh báo về lợi nhuận. EU cũng đã phải chịu áp lực từ các cộng đồng doanh nghiệp của châu lục này để làm dịu đi một số lệnh trừng phạt với Moskva. Cụ thể, Hội đồng châu Âu, tại thời điểm đưa ra các lệnh trừng phạt, đã cho phép ngoại lệ đối với những chi nhánh của ngân hàng Sberbank để họ tiếp tục giao dịch bình thường trên lãnh thổ của các nước thành viên EU nơi họ đặt trụ sở. Mới đây, Bộ trưởng Các vấn đề EU của Anh, Andrew Lidington cũng đã thừa nhận những tổn thất đối với giới doanh nghiệp Anh và EU liên quan đến các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Phát biểu với BBC, ông này nói: “Chắc chắn đã có một số tổn thất với chúng tôi và tôi cho rằng không một ai từ thủ tướng trở xuống không nhận thấy điều này”.

Cuộc khủng hoảng hiện nay không thể biến thành một cuộc xung đột kiểu Chiến tranh Lạnh như một số người đề cập, bởi vì các nền kinh tế của châu Âu và Nga hiện nay có sự liên kết chặt chẽ với nhau nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác so với các giai đoạn trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Chưa hết, nhiều biện pháp trừng phạt đang có khả năng sẽ được nới lỏng. Liệu sẽ có những biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn hơn được đưa ra bất chấp những tác hại mà nó gây ra đối với cả nền kinh tế của EU và Nga?


Công Thuận (Theo N.E.E)