06:10 19/06/2011

"Tôi đã trèo qua bức tường Béclin"

Trong nhiều năm làm phóng viên TTXVN thường trú tại Đức, tôi đã có những kỷ niệm không thể nào quên. Nhưng đối với một nhà báo, điều gây ấn tượng nhất là được chứng kiến những giờ phút lịch sử, khi bức tường Béclin, biểu tượng của sự chia cắt Đông - Tây, biểu tượng của Chiến tranh Lạnh, được dỡ bỏ.

Trong nhiều năm làm phóng viên TTXVN thường trú tại Đức, tôi đã có những kỷ niệm không thể nào quên. Nhưng đối với một nhà báo, điều gây ấn tượng nhất là được chứng kiến những giờ phút lịch sử, khi bức tường Béclin, biểu tượng của sự chia cắt Đông - Tây, biểu tượng của Chiến tranh Lạnh, được dỡ bỏ.

Tối 9/11/1989, ông Guenter Schabowski, Ủy viên BCT Đảng XHCN Thống nhất Đức, Bí thư Thành ủy Béclin tổ chức họp báo, thông báo quyết định của lãnh đạo CHDC Đức cho phép mọi công dân từ nay được đi lại tự do sang tất cả các nước. Khi một nhà báo nước ngoài gặng hỏi xem quyết định này có hiệu lực từ bao giờ, ông Schabowski tỏ ra lúng túng và nói: "Theo tôi thì có hiệu lực ngay lập tức".

Hàng ngàn người trèo lên bức tường Béclin đêm giao thừa 1989/1990.

Ngay sau khi thông tin này được phát lên Đài Truyền hình CHLB Đức với lời giải thích là ngay lập tức mọi công dân CHDC Đức có thể sang Tây Béclin hoặc Tây Đức, chỉ cần mang theo chứng minh thư thì hàng trăm nghìn người đã đổ xô tới các cửa khẩu giữa Đông và Tây Béclin cũng như giữa Đông và Tây Đức với tâm trạng nghi hoặc. Bản thân cảnh sát cửa khẩu của CHDC Đức cũng lúng túng vì họ chưa nhận được chỉ thị gì về việc này. Sau nhiều cuộc trao đổi điện thoại, cảnh sát cửa khẩu được lệnh cho phép công dân đi qua cửa khẩu sang Tây Đức và Tây Béclin.

Trong những ngày sau đó, tuyến đường sang Tây Béclin và Tây Đức luôn chật cứng vì xe nối đuôi nhau. Trên những xa lộ dẫn tới cửa khẩu sang Tây Đức, đường bị tắc tới 30-40 km. Nhiều cuộc gặp gỡ với niềm vui đoàn tụ được đưa lên truyền hình rất cảm động. Những người xa lạ cũng cảm thấy như người thân.

Trong những ngày sau đó, nhiều đoạn của bức tường Béclin dài 167,8 km được dỡ bỏ để làm cửa khẩu tạm thời cho mọi người có thể qua lại dễ dàng, chỉ cần trình chứng minh thư. Nhưng phải tới dịp Giáng sinh năm 1989, cửa khẩu ở Cổng Brandenburg mới chính thức được mở, vì trong nhiều năm trời, đây là biểu tượng của Chiến tranh Lạnh.

Đêm Giao thừa 1989/1990 tại Cổng Brandenburg đã trở thành một đêm không thể nào quên đối với tôi và những người được tham dự, và không khí của đêm đó sẽ không bao giờ lặp lại. Khoảng 1 triệu người đã đổ về đây để đón mừng Năm mới. Tôi cùng một số bạn bè cũng tới đây để đón thời khắc có một không hai này: Giao thừa cuối cùng trước khi nước Đức thống nhất. Mặc dù về nguyên tắc, mọi người vẫn phải trình hộ chiếu hoặc chứng minh thư mới được đi qua cửa khẩu sang Tây Béclin, nhưng mọi người đã kê gạch đá để có thể trèo lên bức tường Béclin và... thoải mái "vượt biên". Đoạn tường phía sau Cổng Brandenburg cũng đặc biệt hơn so với những nơi khác: Tại đây, bức tường nằm cách cổng khoảng 10 m về phía tây. Những nơi khác, bức tường cao 3,6 m, nhưng chỉ dày khoảng 15 cm. Tại đây, bức tường có độ dày khoảng 1m, nhưng rỗng ở giữa, vì vậy người ta có thể leo lên và đứng, ngồi trên bức tường. Tôi đã cùng hàng ngàn người khác leo lên bức tường và cảm nhận một điều đặc biệt: Bức tường chia cắt Đông - Tây 28 năm trời, kể từ khi được dựng lên ngày 13/8/1961, giờ đây chỉ còn ý nghĩa tượng trưng. Nhiều người mang theo rượu sâm banh, mở ra để ăn mừng Năm mới, nhưng dường như người ta uống ít, mà lắc cho sủi bọt bắn ra tung tóe để mọi người "tắm" rượu sâm banh thì đúng hơn.

Giúp nhau trèo lên bức tường Béclin.


Phấn khích vì không khí ngày hội, một số thanh niên đã trèo lên nóc Cổng Brandenburg và phá phách cỗ xe tứ mã với Nữ thần Chiến thắng (Victoria). Đây là cỗ xe lịch sử mà khi chiếm được nước Phổ năm 1806, Hoàng đế Napoleon Bonapart đã cho chở về Pháp, định dựng lên trên Khải Hoàn môn, nhưng sau khi Napoleon đại bại ở Waterloo, năm 1814 nước Pháp đã phải trả lại cho nước Phổ.

Sau khi đường biên giới được mở, tới thăm bức tường Béclin, tôi thấy rất nhiều người như một đàn chim gõ kiến vây quanh bức tường, mang theo búa, đục để đục lấy những mảnh tường về làm kỷ niệm hoặc bán cho những du khách hiếu kỳ. Việc kinh doanh những mẩu tường Béclin đã rộ lên làm nhiều người giàu to.

Trong quá trình đi đến thống nhất nước Đức, việc đổi tiền mark Đông Đức sang mark Tây Đức ngày 1/7/1990 cũng gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi về trình độ tổ chức của người Đức. Theo quyết định của hai chính phủ Đức, mỗi người đang ở CHDC Đức, kể cả người nước ngoài, được đổi 4.000 mark Đông Đức sang D-mark theo tỉ giá 1:1, những người từ 60 tuổi trở lên được đổi 6.000 mark theo tỉ giá này, số tiền còn lại sẽ được đổi theo tỉ giá 2:1, tức là 2 mark Đông Đức được đổi thành 1 D-mark, trong khi tỉ giá chợ đen lúc đó vào khoảng 6:1. Quỹ của các Sứ quán nước ngoài tại Đức được đổi theo tỉ giá 3:1. Trước ngày 1/7/1990, mọi người được yêu cầu tới bất kỳ ngân hàng nào để mở một tài khoản và gửi toàn bộ tiền của mình vào đó. Đúng ngày 1/7, mọi người có thể ra ngân hàng rút tiền D-mark, nhưng trong ngày đầu tiên chỉ được rút tối đa là 400 D-mark để tránh việc thiếu tiền mặt và ai cũng có tiền để mua nhu yếu phẩm. Việc đổi tiền đã diễn ra suôn sẻ, không một chút lộn xộn. Từ ngày 1/7, mọi người ở Đông Đức đều có đồng D-mark, một ngoại tệ mạnh, trong tay.

Nhưng sau ngày đổi tiền, tôi thấy nhiều người Đức tới các cửa hàng mang theo giấy bút để ghi chép giá cả, vì thực phẩm từ nay không được trợ giá đã tăng vọt và giá ở mỗi cửa hàng một khác chứ không thống nhất như trước đó.

Từ khi có đồng ngoại tệ mạnh trong tay, người Việt ở Đức cũng được "đổi đời", vì có thể thông qua các công ty dịch vụ, họ dễ dàng đặt mua xe máy từ Nhật và gửi thẳng về Việt Nam chứ không phải khổ sở lùng mua xe Mokick, hoặc xe đạp Mifa, tháo ra đóng gói và gửi về nhà nữa. Mặc dù hàng hóa tràn trề, nhưng đồng tiền có hạn và giá cả chóng mặt, nếu người ta cộng, trừ, nhân, chia theo tỉ giá với đồng tiền cũ.

Nhưng qua những hồ hởi ban đầu, hàng loạt người nhận được giấy báo sa thải vì nhiều nhà máy bị đóng cửa, bị tư hữu hóa. Rất nhiều người trong tổng số 60.000 nhân công "xuất khẩu lao động" đã nhận 3.000 D-mark tiền bồi thường (vì bị cắt hợp đồng trước thời hạn) và vé máy bay về nước. Những người còn lại phải vật lộn để kiếm sống, kể cả buôn bán lậu thuốc lá. Cuộc sống của những "Việt kiều hồi hộp" khi đó thật bấp bênh, vì không biết có được ở lại hay không và làm gì để kiếm sống mà không bị bắt vì buôn lậu hoặc phạm các tội khác và bị trục xuất về nước. Phải tới năm 1993, chính phủ Đức mới ban hành luật cho phép những người Việt không bị phạm tội nặng và có công ăn việc làm được gia hạn lưu trú và ở lại hợp pháp. Phần lớn những người đã có gia đình ở Việt Nam đã được đưa thân nhân sang trong diện "đoàn tụ gia đình".

Cho tới nay, sau hơn 20 năm kể từ khi nước Đức thống nhất, cộng đồng người Việt ở Đức đã lớn mạnh lên tới trên 100.000 người. Nhiều cháu thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba đã ra đời và hội nhập tốt vào xã hội Đức. Học sinh Việt Nam ở Đức nổi tiếng là học giỏi với hơn 50% được học trong các trường trung học Gymnasium có khả năng vào đại học, trong khi một số cộng đồng người nước ngoài khác chỉ đạt được khoảng 10%. Không chỉ học giỏi, nhiều cháu đã đạt được những thành tích cao trong thể dục, thể thao, âm nhạc như nhảy cầu, bóng bàn, võ thuật, chơi golf, biểu diễn đàn piano...

Mặc dù nước Đức thống nhất ngày nay chưa phải đã hết khó khăn, miền Đông chưa phải đã ngang bằng với miền Tây, nhưng sự thống nhất đã khắc đậm dấu ấn của mình, khi thanh niên Đông Đức không còn cảm thấy mình là "Ossi" - cách gọi miệt thị của người Tây Đức đối với dân miền Đông trước đây, và người Tây Đức không còn cảm thấy mình là "Wessi"- cách gọi miệt thị của người Đông Đức đối với dân miền Tây trước đây. Họ cảm nhận mình là công dân của nước Đức thống nhất.

Văn Long (P/v TTXVN tại Đức)