01:11 21/01/2011

Tỏa sáng những giá trị tư tưởng và nhân văn

Tại Đại hội XI của Đảng ta, cùng với việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, một văn kiện có tầm định hướng chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, cũng được thảo luận và thông qua...

Tại Đại hội XI của Đảng ta, cùng với việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, một văn kiện có tầm định hướng chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, cũng được thảo luận và thông qua – đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).


Trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, những định hướng chính trị tư tưởng được đề ra tại Đại hội này, chắc chắn sẽ đưa nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và toàn diện hơn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn - Tiền đề quan trọng

Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong hơn hai thập kỷ qua, đã chứng minh những giá trị to lớn của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991). Nhưng thực tiễn cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần được luận giải, làm rõ.


Tại Đại hội X, Đảng ta đã quyết định: “... tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển Cương lĩnh, làm nền tảng chính trị, tư tưởng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội”.


Thực hiện chủ trương đó, công tác xây dựng dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện tại Đại hội XI của Đảng đã được tiến hành hết sức công phu, khoa học, bài bản, trên cơ sở bám sát thực tiễn đất nước và thời đại.

Toàn cảnh Lễ khai mạc Đại hội XI của Đảng. Ảnh: TTXVN


Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng, quá trình chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần này đã kế thừa các kết quả tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới (1986 - 2006); thu thập và sử dụng kết quả nghiên cứu mới của các cơ quan lý luận, các nhà khoa học; kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của 77 cơ quan Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy; kết quả làm việc trực tiếp với 27 Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và việc tìm hiểu tình hình thực tiễn tại nhiều quận, huyện, phường, xã, doanh nghiệp...

Đoàn công tác của Tiểu ban Cương lĩnh do đồng chí Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, đã tiến hành các chuyến thăm làm việc, tìm hiểu tình hình thực tiễn ở nhiều vùng, miền (Bắc, Trung, Nam), nhiều địa bàn (thành thị, đồng bằng, miền núi, sông nước, biển đảo), lĩnh vực (kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục...), ngành nghề (công nghiệp, dịch vụ, nông – lâm – ngư nghiệp), loại hình kinh tế (nhà nước, tập thể, tư nhân, hộ cá thể, liên doanh, đầu tư trực tiếp nước ngoài)... Qua các chuyến đi thực tế ở cơ sở, có thể thấy không khí đổi mới của đất nước đã lan tỏa khắp các bản làng, từ miền núi vùng cao nơi địa đầu, đến mảnh đất cực Nam thân yêu của Tổ quốc.


Tiêu biểu như xã Phúc Sen (Quảng Yên, Cao Bằng), một xã thuần nông của đồng bào Nùng đã trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hay xã Bằng Phúc (Chợ Đồn, Bắc Kạn), nơi chỉ có 4,02% tổng diện tích là đất nông nghiệp nhưng vẫn bảo đảm cân đối lương thực, quyết tâm làm giàu bằng tiềm năng thế mạnh từ rừng và chăn nuôi đại gia súc. Rồi các làng chài ven biển miền Trung, một thời máu lửa như xã Gio Hải (Gio Linh, Quảng Trị); xã Ea Chà Rang (Sơn Hòa, Phú Yên), nơi có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Ê Đê; xã miền núi Khánh Thành (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), nơi có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai; và cả địa bàn xa xôi nhất là xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau)... đều đã đổi thay rất nhiều.


Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện nhiều, bộ mặt nông thôn, thành thị không ngừng đổi mới, những làng mạc trù phú, những vùng chuyên canh các loại cây, con đặc sản... được hình thành ở nhiều nơi. Nhiều tên tuổi mới đã xuất hiện như: Khu công nghiệp Thanh Bình (Bắc Kạn), Cảng Vũng Rô, Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ, Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau... góp phần làm cho bức tranh toàn cảnh đất nước đổi mới, tăng thêm những mảng, những gam màu tươi sáng.

Những thành tựu đã đạt được là đáng trân trọng, tuy nhiên qua những năm đổi mới, thực tế cũng đặt ra không ít vấn đề cần tiếp tục được tổng kết, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để đưa đất nước phát triển bền vững, như: Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở những nơi vốn có thế mạnh là nông nghiệp, hạ tầng cơ sở, trình độ sản xuất thấp; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bền vững ở các tỉnh công nghiệp; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường... ở những địa phương phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ.

Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước là một đòi hỏi tất yếu, nhưng thực tế sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Khánh Việt (Khánh Hòa) đã khẳng định vai trò của loại hình doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhất là với những lĩnh vực cần có sự dẫn dắt, điều tiết của Nhà nước.


Khánh Việt là một trong những đơn vị kinh tế có quy mô lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, 5 năm qua, Tổng công ty đã đóng góp cho ngân sách hơn 7.800 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 4.800 lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với các cháu lớp Mẫu giáo thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN


Đa số các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đều nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm được phát huy trong tập thể đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, thu nhập của người lao động tăng đều hàng năm...


Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là phải có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước; quan hệ giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phân phối; tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong hoạt động sản xuất kinh doanh...

Cùng với quá trình đổi mới, phát triển chung của đất nước, nhiều loại hình doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh không ngừng, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, có hệ thống chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố, thậm chí ở nước ngoài.


Tuy vậy, cũng có nhiều vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu, như phương thức tổ chức và sinh hoạt Đảng ở những doanh nghiệp này cần phải đổi mới như thế nào để vừa phù hợp với điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, vừa bảo đảm tuân thủ các quy định trong sinh hoạt của Đảng.

Trong khi phần lớn các hợp tác xã (HTX) phát triển hết sức khó khăn ở nhiều nơi, nhất là các HTX nông nghiệp, thì Phú Yên lại là một ví dụ điển hình về tính hiệu quả của kinh tế HTX. Toàn tỉnh hiện có 143 HTX và 1.643 tổ hợp tác đang hoạt động, trong đó 40% HTX hoạt động khá, giỏi...


Thực tế ở HTX Hòa Phong, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, là một minh chứng cho thấy tổ chức và phương thức hoạt động của các HTX bây giờ cần được đổi mới rất nhiều, với những đòi hỏi ngày càng cao về lao động, kỹ thuật, cùng với các cơ chế chính sách thỏa đáng cả về vốn, thuế, công tác khuyến nông, khuyến ngư... Khác với mô hình các HTX truyền thống, các HTX kiểu mới hiện nay không chỉ thuần túy làm nông nghiệp, mà còn chuyển sang kinh doanh tổng hợp, thậm chí rất phù hợp với hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản của bà con ngư dân...

Nhận thức rõ thực tiễn, làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống, đó là tiền đề quan trọng cho những quyết sách đúng đắn của Đảng.

Kết tinh trí tuệ toàn dân tộc

Không chỉ tập trung trí tuệ tại Đại hội Đảng bộ các cấp, các đồng chí lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhân sỹ trí thức, nhà lý luận hàng đầu của Đảng, dự thảo các văn kiện tại Đại hội XI còn được công bố thảo luận, lấy ý kiến công khai của toàn dân từ ngày 15/9 đến 30/10/2010, các đại biểu Quốc hội, các thành viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...


Đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân ở các lứa tuổi, nghề nghiệp, trên mọi miền của Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài, đã đóng góp hàng vạn ý kiến thẳng thắn và tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với đất nước. Có bức thư được đánh máy rất cẩn thận, công phu, dài 75 trang A4, đóng thành quyển; có bức thư tâm huyết dài hơn 280 trang viết tay... trong đó là sự trăn trở, là tấm lòng chân thành của người viết đối với tương lai của đất nước.


Nhiều ý kiến rất sâu sắc và xác đáng, đã góp phần nâng cao chất lượng và hoàn chỉnh hơn dự thảo các văn kiện trình Đại hội. Có ý kiến chú trọng đến hiệu quả đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc, miền núi, ý kiến khác lại đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng ở các chi bộ đường phố, bồi dưỡng, nâng cao lý tưởng cho thanh niên, hay công tác phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.


Nhiều ý kiến của các nhân sỹ, trí thức, nhà giáo ưu tú, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ, coi đây là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời cho rằng, giáo dục phải phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các ý kiến đóng góp rất phong phú, đa diện, nhiều chiều, nhưng đều hướng tới một mục tiêu lớn nhất, đó là xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đưa đất nước ta ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Con người - Trung tâm của chiến lược phát triển

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng, dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển lần này tập trung làm rõ mục tiêu tổng quát và những phương hướng cơ bản quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.


Trong đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ...

Khẳng định sự cần thiết phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 cũng xác định rõ: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.


Thực hiện các chính sách xã hội công bằng, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.


Các định hướng lớn về xây dựng con người, thực hiện tốt các chính sách xã hội, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đều nhằm bảo đảm quyền con người, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do của mỗi người dân.

Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy; nhưng dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 cũng chỉ rõ: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.


Công việc của toàn Đảng cũng là công việc của toàn dân, của cả dân tộc; mong muốn, ý chí của Đảng cũng là mong muốn, ý chí của người dân trong nước và ở nước ngoài. Với những định hướng tư tưởng thấm đậm tính nhân văn sâu sắc, chắc chắn Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và các văn kiện được thông qua tại Đại hội XI sẽ là ngọn đuốc soi đường, đưa đất nước tiến vào một kỷ nguyên phát triển mới - giàu mạnh, vững bền, từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Thị Sự