12:08 06/12/2014

Tờ báo danh tiếng và lâu đời Washington Post

Quyết định bán tờ Washington Post gây chấn động làng báo không chỉ ở Mỹ mà trên khắp thế giới, bởi Washington Post là một trong những tờ báo danh tiếng và lâu đời nhất.

Quyết định bán tờ Washington Post cho tỷ phú Jeffrey Bezos - ông chủ của nhà bán lẻ qua mạng Amazon.com của gia đình Graham gây chấn động làng báo không chỉ ở Mỹ mà trên khắp thế giới, bởi Washington Post là một trong những tờ báo danh tiếng và lâu đời nhất.

Đi cùng sự phát triển của tờ báo này là dòng họ Graham, dòng họ đã 4 đời làm chủ tờ báo. Tờ báo này ra số đầu tiên cách đây 137 năm, ngày 6/12/1877.

Trụ sở tờ Bưu điện Washington ở Washington, DC, . Ảnh: AFP/TTXVN


* 4 thế hệ quản lý một tờ báo

Là tờ báo lâu đời nhất vùng và là nhật báo xếp hạng thứ bảy tại Mỹ hiện nay, Washington Post do ông Stilson Hutchins sáng lập vào năm 1877.

Nhưng phải đến năm 1933, khi Washington Post thuộc quyền sở hữu của doanh nhân giàu có Eugene Meyer, tờ báo mới bắt đầu được mọi người biết đến.

Ngay sau khi tiếp quản, Meyer đổ tiền vào để khôi phục tờ báo và thiết lập 7 nguyên tắc dẫn dắt mọi hoạt động, trong đó ông nhấn mạnh nguyên tắc cuối cùng là: "Tờ báo sẽ không là đồng minh của nhóm lợi ích đặc biệt nào, nhưng sẽ có cái nhìn công bằng, tự do và toàn diện đối với các vấn đề cộng đồng và các quan chức chính quyền".

Trong những năm sau đó, lượng phát hành của tờ báo tăng gấp 3 lần, lên đến 162.000 bản, quảng cáo cũng tăng nhanh. Tuy nhiên tờ báo vẫn không có lãi. Phải đến năm 1946, khi Eugene Meyer trao quyền điều hành tờ báo lại cho con rể là Philip L. Graham, tờ báo mới có những bước phát triển nhảy vọt.

Trên cương vị của mình, Graham tiến hành một loạt các thương vụ như: mua đài phát thanh WTOP, xây nhà máy in báo mới, mua đài truyền hình CBS,… Năm 1954, Washington Post mua lại đối thủ ở cùng thành phố, phát hành vào buổi sáng là tờ Washington Times-Herald. Việc thâu tóm tờ báo này đã giúp cho Washington Post tăng số lượng phát hành lên 380.000 bản, đồng thời nắm luôn thế độc quyền phát hành vào buổi sáng.

Năm 1963, sau cái chết của ông Graham, vợ ông - bà Katharine - lên nắm quyền điều hành tờ báo. Bà Katharine Graham trở thành người phụ nữ có nhiều quyền lực cả trên doanh trường lẫn chính trường ở thủ đô Washington, và quyết định chọn ông Benjamin C. Bradlee làm tổng biên tập của bà được đánh giá cao.

Dưới sự dẫn dắt của bà Katharine và ông Benjamin, Washington Post trở thành một tờ báo hiện đại, sáng tạo và đầy tính chuyên nghiệp. Tờ báo dần hình thành một phong cách riêng biệt, đó là lần theo dấu vết đến cùng trong các vụ điều tra, tin tức nhanh nhạy, tài liệu đáng tin cậy, văn phong sắc nhọn.

Năm 1971, bất chấp lệnh cấm của chính phủ, bà Katharine đã cho đăng những tài liệu mật của Lầu Năm Góc và cuộc chiến tranh Việt Nam.

Năm 1972, loạt bài phóng sự điều tra về vụ lắp đặt máy nghe trộm của Đảng Cộng hòa cầm quyền nhằm phá hoại những nỗ lực tranh cử của Đảng Dân chủ - vụ Watergate - của hai phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein đã gây một cơn địa chấn chính trị, làm Tổng thống Nixon phải từ chức. Nhờ loạt bài điều tra này, Washington Post giành được giải thưởng Pulitzer, đồng thời xác lập địa vị một tờ báo lớn ở Mỹ.

Năm 1979, tờ Washington Post được chuyển giao cho con trai bà Katharine - Donald Graham, khi ấy mới 33 tuổi. Trước khi tiếp quản tờ báo, Donald đã từng là nhà báo và tham gia đưa tin tại miền Nam Việt Nam.

Giống như mẹ mình, Donald cũng là một chủ bút có đầu óc rất thực tế, có nhiều đóng góp vào việc mở rộng quy mô tờ báo. Trong những năm Donald Graham làm chủ bút, phần phóng sự điều tra của tờ báo tiếp tục để lại dấu ấn sâu sắc.

Một số tờ báo Washington Post. Ảnh: AP


Năm 2007, Washington Post đăng bài phóng sự điều tra về việc thương binh Mỹ trở về từ chiến trường Iraq và Afghanistan bị đối xử thiếu chu đáo tại Bệnh viện Quân y Walter Reed. Bài báo đã dẫn tới việc Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét lại toàn bộ quá trình điều trị cho các cựu binh bị thương trở về từ Iraq và Afghanistan, đồng thời khiến Tư lệnh quân đội Francis Harvey và một đại tướng phải ra đi. Năm 2008, bài báo giành được giải thưởng Pulitzer, nâng tổng số giải thưởng Pulitzer mà tờ báo nhận được lên đến 47 giải.

Cùng với việc mở rộng quy mô tờ báo, Donald Graham đã có công xây dựng Washington Post thành một đại gia đình gắn bó thân mật với nhau.

Ngày 7/2/2008, thế hệ thứ 4 trong gia đình Meyer-Graham bước vào quản lý tờ báo, đó là Katharine Weymouth, cháu gọi Donald bằng cậu ruột. Katharin Weymouth lên nắm quyền điều hành khi Washington Post đang đứng trước những khó khăn chung của kinh tế Mỹ và toàn cầu, bên cạnh đó là sự phát triển của khoa học công nghệ tác động lên đời sống xã hội tạo nên một loại hình báo chí mới đầy hiệu quả - báo điện tử, đối thủ cạnh tranh bất khả kháng của báo in.

Washington Post cũng đã bị cuốn vào những khó khăn đó và phải đóng cửa 2 nhà máy in, rồi đình bản tuần san National Weekly. Số lượng phát hành liên tục giảm mạnh, từ 638.000 bản/ngày năm 2009 giảm còn 474.767 bản/ngày trong những tháng đầu năm 2013. Tờ báo liên tục bị lỗ trong 7 năm liền.

* Dấu chấm hết cho 80 năm thống trị của gia tộc Graham

Ngày 6/8/2013, Washington Post, một tờ báo có lịch sử lâu đời trong làng báo chí chính trị cấp cao ở Mỹ, đã chính thức về tay Jeff Bezos - nhà sáng lập kiêm CEO Amazon.com với giá 250 triệu USD, khép lại 80 năm thống trị của gia tộc Graham.

Trong lá thư gửi nhân viên tờ Post, ông chủ mới Bezos khẳng định: “Những giá trị của tờ The Washington Post không cần thay đổi. Trách nhiệm của tờ báo là phục vụ độc giả, chứ không phải vì lợi ích riêng từ của những người chủ. Chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi sự thật, bất kỳ nó dẫn đến nơi nào và chúng ta sẽ cố gắng làm việc để tránh những sai lầm”.

Việc Jeffrey Bezos mua tờ Washington Post dấy lên hy vọng về sự chuyển biến của ngành công nghiệp báo chí đang gặp khó khăn trong thời đại internet, bởi Bezos là một doanh nhân được đánh giá là tài năng và nhiều sáng kiến.



TTTL/TTXVN