06:15 30/06/2014

Tính toán của Mỹ, Trung tại cuộc tập trận RIMPAC

Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vòng đai châu Á (RIMPAC) 2014 đã chính thức diễn ra, với sự tham dự của 50 tàu chiến, cùng với 200 máy bay và 6 tàu ngầm đến từ các nước châu Á, Australia, châu Âu, Mỹ Latinh và Mỹ.

Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vòng đai châu Á (RIMPAC) 2014 đã chính thức diễn ra (26/6-1/8), với sự tham dự của 50 tàu chiến, cùng với 200 máy bay và 6 tàu ngầm đến từ các nước châu Á, Australia, châu Âu, Mỹ Latinh và Mỹ.

Được khởi động từ năm 1971 trong thời điểm chiến tranh Lạnh và hướng đến mục tiêu nhằm vào Liên Xô, RIMPAC những năm gần đây đã có sự thay đổi cả về mục đích và nội dung diễn tập. RIMPAC 2014 đón nhận thêm 3 thành viên mới: Brunei, Na Uy và Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ trong cuộc tập trận RIMPAC 2013. Ảnh: US Navy


Trong số này, sự tham gia của Trung Quốc đương nhiên thu hút được sựt theo dõi lớn nhất. Từ năm 2010, Mỹ đã hối thúc Bắc Kinh tham gia RIMPAC và có nhiều lý do để Washington làm điều này.

Thứ nhất, Mỹ muốn loại bỏ quan niệm cho rằng Washington luôn theo đuổi mục tiêu “kiềm tỏa Trung Quốc”, điều vốn nổi lên từ RIMPAC 2008 mà ở đó Trung Quốc và Nga bị loại ra, gây quan ngại rằng cuộc tập trận là nhằm vào Trung Quốc;

Thứ hai, hải quân Mỹ hy vọng qua đây sẽ tăng cường can dự với hải quân Trung Quốc (PLAN). Đã có nhiều sự cố xảy ra trên biển bất chấp việc hai bên đã ký kết Thỏa thuận tham vấn quân sự trên biển (MMCA) năm 1998. Điển hình là các vụ: Máy bay Trung Quốc va chạm máy bay EP-3 của Mỹ (năm 2001) trên vùng trời Biển Đông; tàu chiến Trung Quốc suýt đâm tàu thăm dò hải dương USS Impeccable (năm 2009) và vụ chiến hạm Trung Quốc “chạy cắt mặt” tàu chiến USS Cowpens của Mỹ ở Biển Đông (năm 2013);

Thứ ba, Mỹ đang khuyến khích phía Trung Quốc minh bạch hơn về chi tiêu quốc phòng, các kế hoạch phát triển hải quân dài hạn, dự tính và chiến lược của Bắc Kinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông và Hoa Đông, những vùng biển đã xuất hiện nhiều dấu hiệu căng thẳng thời gian gần đây;

Thứ tư, hải quân Mỹ hy vọng ép Trung Quốc vào can dự sâu hơn vào hợp tác hải quân đa phương. Đáng chú ý,  hải quân Trung Quốc không còn là “người mới” trong các cuộc tập trận kiểu như vậy, sau khi đã tham dự hàng loạt các cuộc diễn tập hải quân Aman do Pakistan tổ chức. Gần đây, hải quân Trung Quốc còn triển khai tàu chiến thực hiện tuần tra ở Vịnh Aden, tích cực tham gia các chiến dịch ở ngoài khơi Somalia.

Về phần mình, Trung Quốc trước đây không tỏ ra quá vồn vã trước lời đề nghị của Mỹ, mà một phần là do Bắc Kinh nhìn nhận Washington tiếp tục thực thi chính sách kiềm tỏa nhằm vào mình. Hơn nữa, nước này cũng nghi ngờ động cơ và ý đồ của Mỹ dưới danh nghĩa “xoay trục” hay “tái cân bằng” sang châu Á, một chiến lược mà theo đó 60% sức mạnh hải quân Mỹ sẽ được tập trung ở châu lục này vào năm 2020.

Thế nhưng, Trung quốc nhìn nhận việc tự loại mình ra khỏi các cấu trúc hợp tác hải quân và hợp tác biển khu vực sẽ làm dư luận thêm tin vào khái niệm “mối đe dọa Trung Quốc” hiện đang lan ra ở khu vực. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh xem can dự hợp tác này là cơ hội để cùng với các nước khác giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống liên quan đến biển.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu sự tham gia của Trung Quốc vào RIMPAC có giúp tăng cường minh bạch (theo kỳ vọng của Mỹ) và xóa bỏ kiềm tỏa (điều mà Trung Quốc muốn) hay không? Xét một cách công bằng, RIMPAC là một công cụ toàn cầu cho can dự mang tính xây dựng giữa hải quân hai nước; thế nhưng sẽ quá tham vọng nếu cho việc nội việc tham gia sẽ giúp chuyển đổi quan hệ trên.

Dù không thể tiến đến mục đích giảm nhiệt căng thẳng tại khu vực, sự hiện diện của Trung Quốc tại RIMPAC 2014 vẫn giúp cải thiện hố ngăn cách giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc Trung Quốc “gây bất ổn tại khu vực” tại Đối thoại Shangri La vừa qua.


HT (Theo Eurasiareview)