11:23 06/11/2012

Tình nguyện làm phó chủ tịch xã vùng sâu, vùng xa

Đakrông (Quảng Trị) là một trong 63 huyện nghèo của cả nước, tập trung chủ yếu là dân tộc Pakô, Vân Kiều; địa hình chủ yếu là đồi núi, lại giáp biên giới, đời sống kinh tế - xã hội cũng như nhận thức của người dân còn hạn chế.

Đakrông (Quảng Trị) là một trong 63 huyện nghèo của cả nước, tập trung chủ yếu là dân tộc Pakô, Vân Kiều; địa hình chủ yếu là đồi núi, lại giáp biên giới, đời sống kinh tế - xã hội cũng như nhận thức của người dân còn hạn chế.

 

Anh Trần Thiên Trường, Phó Chủ tịch xã Triệu Nguyên, làm việc tại trụ sở xã.

 

Phát huy sức trẻ, trí tuệ, tinh thần xung kích của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, 7 trí thức trẻ tình nguyện về làm phó chủ tịch xã của huyện Đakrông đã và đang trưởng thành từng ngày, không ngừng học tập, vươn lên để xây dựng quê hương. Mỗi người đến với Đakrông từ những miền quê khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là cùng góp sức mình trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội tại các xã vùng núi khó khăn nhất của tỉnh.

 

Để có thể gặp người dân ở bản Pa Loang, chị Đỗ Thị Thanh Bình (30 tuổi), Phó Chủ tịch xã Hướng Hiệp phải đi bộ hơn 15 km len lỏi giữa đường rừng, vượt qua 2 quả đồi, 3 con suối mới đến nơi để tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào dân tộc Vân Kiều. Chị Bình tâm sự: “Với phương châm không ngại khó, ngại khổ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, cộng với những việc làm thiết thực của mình, bà con đã tin tưởng, yêu thương, coi cán bộ trẻ như người trong nhà”.


 

Chị Đỗ Thị Thanh Bình (30 tuổi), Phó Chủ tịch xã Hướng Hiệp

 

Đây chỉ là một trong muôn vàn khó khăn khi những phó chủ tịch xã trẻ nhận nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa gặp phải. Cả 7 người, chưa có ai được sắp xếp nhà công vụ, đều phải ở nhờ nhà dân. Phòng làm việc cũng ghép chung với những cán bộ khác, các phương tiện làm việc đều thiếu thốn.


Anh Trần Thiên Trường (sinh năm 1982), Phó Chủ tịch xã Triệu Nguyên chia sẻ: “Thời gian đầu rất khó khăn khi phải làm quen với địa bàn, cũng như người dân và cán bộ ở đây. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ, kinh nghiệm còn ít nên mình không khỏi bỡ ngỡ. Áp lực công việc rất lớn, nhưng mình coi đây là động lực để cố gắng hơn nữa hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”. Hiện nay, anh đang xây dựng đề án nông thôn mới chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, qua đó phát huy thế mạnh, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương.


Đến bây giờ các công việc như: giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác điều hành giám sát hay nắm bắt và vận động quần chúng, giải quyết công việc của xã, tham mưu với cấp trên… đều được các phó chủ tịch xã xử lý tốt. Từ những việc làm thiết thực, các phó chủ tịch xã trẻ đã dần dần nhận được sự quý mến, lòng tin của những người dân và chính cán bộ của xã.


Bài và ảnh: Thanh Thủy