03:09 09/03/2011

Tình cảm đặc biệt của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam

Cửa khẩu biên giới Res Jedire của Tuynidi chiều 7/3 vắng lặng khác thường. Thỉnh thoảng có một vài người dân Bănglađét sang từ bên kia biên giới Libi. Những người lao động Việt Nam cuối cùng đã đi qua đây từ buổi chiều hôm trước.

Cửa khẩu biên giới Res Jedire của Tuynidi chiều 7/3 vắng lặng khác thường. Thỉnh thoảng có một vài người dân Bănglađét sang từ bên kia biên giới Libi. Những người lao động Việt Nam cuối cùng đã đi qua đây từ buổi chiều hôm trước. Khu vực an ninh của của khẩu chỉ lác đác một vài quân nhân của chính phủ Tuynidi đi qua đi lại.

Hình ảnh trên trái ngược hẳn với thời gian trước đấy, khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Libi nổ ra, hàng ngày có hàng ngàn người xếp hàng rồng rắn nối đuôi nhau tìm mọi cách để di tản vào nội địa Tuynidi. Vẻ bình lặng không chỉ riêng ở khu vực cửa khẩu mà ngay trong trại tị nạn cách đấy không xa. Sự ồn ào, náo nhiệt vốn có cũng giảm hẳn. Không khí yên bình ở đây không phải vì tình hình ở bên phía Libi đã lắng dịu mà bởi phần lớn công dân các nước đã trở về với Tổ quốc của họ. Điều này có được là nhờ sự tích cực của chính phủ các nước có người tị nạn và nỗ lực không mệt mỏi của các nhân viên cứu trợ quốc tế.

Với khuôn mặt hiền hậu và nụ cười luôn thường trực trên môi, ông Fawad Hussain, cán bộ Chương trình các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc tại đây thông báo ngắn gọn, bắt đầu từ 21/2 có khoảng hơn 100.000 người đến tị nạn ở khu vực này nhưng đến nay, khoảng 57.000 người đã được đưa ra khỏi đây.


Cơ quan này đã tổ chức được 291 chuyến bay, trong đó có tới 263 chuyến bay sang Ai Cập, 36 chuyến sang Trung Quốc và còn lại sang những nước khác. Chỉ riêng mấy ngày qua đã có thêm 15.000 người rời khỏi trại tị nạn này, trong đó có khoảng 1.500 người Việt Nam, phần lớn còn lại là Bănglađét và 485 người Thái Lan. Tham gia cứu trợ có rất nhiều tổ chức như Cao ủy LHQ về người tị nạn, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, các kỹ sư, nhân viên cứu trợ người Tuynidi…


Còn ông Marc Petzoldt, Trưởng đại diện Tổ chức Di dân quốc tế tại Tuynidi (IOM) cho biết, IOM cử riêng một chuyên gia để hỗ trợ đưa các công dân Việt Nam về nước. Tinh thần nhân đạo cao cả không chỉ đến từ các chính phủ, các tổ chức quốc tế mà đôi khi lại đến từ những người dân hết sức bình dị như chị Corniche, một tình nguyện viên người Tuynidi đến từ thị trấn Sousse. Dù không thuộc một tổ chức đặc biệt nào cả, chị vẫn tình nguyện trợ giúp trại tị nạn cùng những người bạn, vốn sinh hoạt chung trong một nhóm chuyên về công tác thanh niên và thể thao có tên là NO FEAR (không sợ). Nhóm này mang theo hàng chục ô tô có chứa đầy đủ quần áo, thức ăn, nước uống và thuốc chữa bệnh cho những người tị nạn ở đây.

Chia tay chị Corniche, chúng tôi trở lại Djarba khi ánh chiều tà đã bắt đầu buông xuống vùng biên ải mênh mông chỉ toàn một màu cát trắng. Không ai bảo ai nhưng tất cả chúng tôi đều có chung nhận xét là qua hoạn nạn mới hiểu hết được tình cảm của bè bạn quốc tế dành cho chúng ta. Có lẽ tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam có ở trong tim mỗi người con đất Việt chính là niềm tin tưởng để bạn bè ngày càng thêm mến yêu.

Đánh giá về sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế dành cho những người lao động Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, Trưởng đoàn công tác liên ngành tại Tuynidi ca ngợi: “Qua thực tế công tác, có thể thấy rằng các cấp chính quyền và nhân dân Tuynidi luôn tận tình giúp đỡ công dân tất cả các nước có mặt tại đây, trong đó người Việt Nam luôn được các bạn dành cho những tình cảm hết sức đặc biệt. Người dân của họ cung cấp từng thùng nước, nấu từng nồi súp, nồi cháo, mang đến tận nơi có những người lao động của chúng ta đang tá túc, tình cảm đấy của họ là hết sức đáng quý và rất đáng trân trọng.


Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là IOM, đã tận tình hợp tác chặt chẽ với chúng ta để nắm từng số người cụ thể, cung cấp thức ăn, nước uống cho những người lao động Việt Nam ở những trại tạm thời biên giới, đồng thời họ còn tổ chức đưa người lao động Việt Nam ra sân bay để về nước.


Ngoài ra, họ không chỉ giúp chúng ta ở riêng Tuynidi, mà họ còn phối hợp và chỉ đạo các nhóm hoạt động của họ ở những điểm khác nữa để giúp đỡ người Việt Nam, góp phần không nhỏ vào thành công chung của chúng ta. Chiến dịch cứu trợ người lao động Việt Nam ở nước ngoài bằng cầu hàng không lần này có thể gọi là cuộc giải cứu lịch sử”.

Nhan Sáng (Đặc phái viên TTXVN tại Tuynidi)

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva ngày 8/3, ông Fernando Calado, Trưởng Ban các hoạt động khẩn cấp và hậu khủng hoảng của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), cho biết Chính phủ Việt Nam đã hành động một cách khẩn trương và hiệu quả trong việc đưa công dân mình từ Libi về nước do cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi này.

Lê Thanh (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)