Xung lực mới cho bảo trì đường bộ

Hoạt động bảo trì đường sá là một phần của vòng đời công trình xây dựng đường bộ. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít công trình giao thông trọng điểm chỉ thời gian ngắn sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, không chỉ làm tốn tiền đầu tư của Nhà nước, mà còn gây khó khăn cho các địa phương, cơ quan chức năng trong việc bảo trì, bảo dưỡng định kỳ.

Tăng nguồn kinh phí


Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song công tác bảo trì đường bộ đang có thêm nhiều xung lực mới hỗ trợ. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ quý 2/2013, việc Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào vận hành tại các địa phương sẽ tăng nguồn kinh phí cho hoạt động, quản lý bảo trì quốc lộ. Dù chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đây là một nguồn vốn bổ sung rất đáng quý. Việc đẩy mạnh thực hiện “Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ, hiệu quả công trình xây dựng giao thông - năm 2013” ngay từ những ngày đầu năm của ngành Giao thông vận tải (GTVT) đang là lực đẩy giúp nhiều công trình giao thông trọng điểm tại các địa phương về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Bộ GTVT cũng đang hoàn thiện Đề án Đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ. Đề án này đi vào thực tế sẽ góp phần mang lại luồng sinh khí mới, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ đường bộ tại các địa phương.

Mặt cầu Thăng Long được thảm lại cho bằng phẳng.


Theo Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, quý 1/2013, quỹ đã thu phí đường bộ đối với ô tô được 1.001 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chuyển vốn ngân sách hỗ trợ quý 1/2013 là 375/1.500 tỷ đồng cả năm 2013 vào quỹ. Theo quy định, 65% nguồn quỹ sẽ giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam sử dụng cho việc bảo trì hệ thống quốc lộ, 35% được dùng để hỗ trợ cho Quỹ Bảo trì đường bộ các địa phương. Dự kiến mức thu của quỹ trong quý 2/2013 sẽ cao hơn quý 1, do đến thời hạn nộp phí đường bộ đối với phương tiện chưa đến kỳ đăng kiểm trong năm 2013. Dự kiến đến tháng 5/2013 sẽ hoàn thành việc hướng dẫn các địa phương thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ để tiếp nhận 35% kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Trung ương và thu phí đường bộ năm 2013 đối với xe gắn máy.


Dự kiến mức năm nay, Quỹ Bảo trì đường bộ có thể cấp khoảng 4.100/11.000 tỷ đồng phục vụ cho việc quản lý bảo trì gần 18.000 km quốc lộ, trong đó có gần 2.900 tỷ đồng cho bảo dưỡng thường xuyên và gần 8.180 tỷ đồng cho sửa chữa định kỳ. Theo phân tích của các chuyên gia, tư duy về đầu tư cho quản lý bảo trì đường bộ của ngành GTVT hiện đã thay đổi. Trong khi vốn cho đầu tư xây dựng mới hạn hẹp, thì chủ trương bố trí đủ vốn cho việc quản lý bảo trì, giúp giữ gìn đường sá và hạn chế đầu tư xây dựng mới đang là hướng đi đúng đắn. Bởi theo tính toán, nếu bố trí một đồng vốn cho quản lý bảo trì đường bộ, gồm cả bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ, sẽ giúp tiết kiệm được 4 đồng cho đầu tư xây dựng mới và tiết kiệm được 2 đồng cho khấu hao và sửa chữa phương tiện vận tải.

Sử dụng tiền dân phải mang lợi ích cho dân


Theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ trong quý 1/2013 đã vào nhịp vận hành khá tốt. Năm 2013, với 1.500 tỉ đồng hỗ trợ từ ngân sách và 65% khoản thu trên đầu ô tô, vốn cho bảo trì đường quốc lộ sẽ tăng 40% so với năm 2012. Dựa trên nguồn quỹ này, nếu các địa phương cân đối dành vốn cho duy tu bảo dưỡng thường xuyên với tỷ lệ hợp lý, còn lại chủ yếu dành vốn bố trí cho hoạt động sửa chữa định kỳ, thì hiệu quả vốn đầu tư của quỹ sẽ được phát huy. Bên cạnh đó, việc đầu tư sớm các trạm cân di động để quản lý xe quá khổ, quá tải như hiện nay, với mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/trạm, hiệu quả hoạt động của quỹ sẽ lớn hơn nhiều so với việc chỉ dùng nguồn quỹ này để sửa đường. Rõ ràng, khi sử dụng tiền của người dân đóng góp, các cơ quan quản lý quỹ và các địa phương cần phải cân nhắc để mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân.

Mặt đường nhiều đoạn bị bong tróc, quốc lộ 5 đang cần được sửa chữa.


“Việc thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ là chủ trương đúng đắn, để cho người dân thấy rõ, ngay trong năm 2013 chất lượng đường bộ phải được cải thiện rõ rệt theo tiêu chí 16 chữ: “Cầu đường êm thuận - Biển báo rõ ràng - Tai nạn giảm sâu - Chất lượng bền vững”. Do đó, việc sử dụng quỹ phải được thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả, ý thức của người thực thi công vụ phải công tâm. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, cho biết.


Cũng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngay từ năm nay, việc quản lý thu, chi vốn quản lý bảo trì đường bộ phải được công khai toàn bộ cho người dân. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ phải được sử dụng đúng mục đích thông qua các kế hoạch khoa học và đối tượng danh mục chi cụ thể, từ các khâu thực hiện quy trình xây dựng, đến thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng tài chính. Đáng chú ý là trong quy trình này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng.


Được biết, việc giải ngân nguồn vốn bảo trì đường bộ trước hết được tập trung cho việc đảm bảo sự vận hành êm thuận, an toàn của hệ thống cầu đường, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ, nhất là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và trên các tuyến quốc lộ trọng yếu. Dự kiến, các tuyến quốc lộ như: 62, 91, 2, 1, 14, 5, 70 và các cầu Việt Trì, Chương Dương… sẽ được ưu tiên sửa chữa định kỳ trong năm 2013.


Hiện nay, cả nước có khoảng 35 triệu xe gắn máy và khoảng 1,5 triệu xe ô tô, dự kiến mỗi năm, ngân sách cho bảo trì đường bộ sẽ được bổ sung từ 4.500 đến 6.000 tỉ đồng. Tuy vậy, con số này vẫn là quá nhỏ để tiến hành nâng cấp các công trình giao thông ngay trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, người dân vẫn hy vọng nguồn quỹ ổn định trong tương lai sẽ góp phần nâng cao chất lượng đường giao thông.


Bài và ảnh: Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN