Xuất khẩu dệt may đầy ắp đơn hàng

Mặc dù mới bước qua những ngày đầu năm mới, sắc xuân còn đang tràn ngập khắp nẻo đường nhưng tại các phân xưởng may đã “rầm rập” tiếng máy. Đây là dấu hiệu đáng mừng bởi hoạt động sản xuất của ngành dệt may đang có bước khởi đầu khá thuận lợi. Hầu hết các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có đơn hàng đến hết quý I năm nay.


Khởi động đơn hàng sớm


Những ngày này, khu vực kho thành phẩm xuất khẩu tại Hà Nội của Tổng công ty May Đức Giang tấp nập xe ô tô hối hả chuyển hàng. Từng thùng sản phẩm áo sơ mi, jacket được công nhân bốc lên công ten nơ chuẩn bị chuyển ra cảng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Mỗi ngày, Tổng công ty có tới 40 xe đóng hàng xuất khẩu. Tại 20 nhà máy may của Đức Giang đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình... công nhân gấp rút sản xuất để kịp giao những lô hàng vào ngày đầu năm mới.

 

May áo sơ mi xuất khẩu tại Xí nghiệp may Thái Hà (Thái Bình) thuộc Tổng công ty May 10. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Không chỉ May Đức Giang, nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng có triển vọng xuất khẩu khả quan. Việc chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất đã giúp doanh nghiệp giảm lượng nguyên liệu nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm, bảo đảm thời gian giao hàng. Điều này góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp thu hút được những đơn hàng từ các thương hiệu lớn của Tây Ban Nha, Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản...


Với Tổng công ty May 10, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: Ngay từ đầu năm, Tổng công ty đã nhận được số lượng lớn đơn hàng xuất khẩu, nên để tăng năng lực sản xuất, đơn vị đã đầu tư thêm bốn dây chuyền sản xuất sản phẩm có thế mạnh là sơ - mi chất lượng cao tại huyện Thiệu Đô (Thanh Hóa) và 12 dây chuyền áo sơ - mi tại Xí nghiệp Hà Quảng (Quảng Bình); một dây chuyền sản xuất veston cao cấp tại Xí nghiệp may Hưng Hà (Thái Bình)... Đặc biệt Tổng công ty còn đổi mới công tác nghiên cứu tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất lao động dựa trên cơ sở áp dụng phần mềm thao tác chuẩn IEES và phần mềm tính hiệu quả năng suất G - PRO để giảm thao tác thừa trong sản xuất...


Chia sẻ niềm vui trước thềm năm mới, ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May Nhà Bè bộc bạch: May Nhà Bè cũng như nhiều đơn vị thành viên khác của Vinatex đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm 2014. Cùng với đó, nhiều khách hàng đã đặt hàng theo năng lực của May Nhà Bè đến hết năm 2014. Do vậy, theo nhận định của ông Lân, tình hình xuất khẩu của May Nhà Bè năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái.


Tăng trưởng về chất


Ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết: Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Vinatex đang giảm dần lượng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, tăng lượng sản phẩm tự thiết kế, vì vậy số lượng sản phẩm làm ra tuy không nhiều, kim ngạch xuất khẩu không tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng lại lớn hơn. Bên cạnh đó, tập trung phát triển xuất khẩu về chất đã giúp Vinatex dịch chuyển lên một bước cao hơn trong chuỗi dệt may toàn cầu, đồng thời giúp các doanh nghiệp thành viên tận dụng tốt hơn khối lượng tài sản cố định đã đầu tư trong thời gian qua. Theo ông Trần Quang Nghị, Vinatex đã đạt được cả hai mục tiêu của đề án tái cơ cấu, đó là về thị trường và nâng cao hiệu quả đầu tư, tận dụng mạnh hơn lợi thế cạnh tranh về nhân lực, kinh nghiệm xử lý mặt hàng khó... của tập đoàn.


“Tăng trưởng về chất tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Vinatex trong năm 2014”, ông Nghị cho hay. Theo đó, năm 2014, tập đoàn sẽ phấn đấu duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu 12% như năm 2013. Vinatex cũng sẽ không phát triển mạnh quy mô xuất khẩu mà tập trung nâng tỷ lệ làm hàng ODM từ 12 - 14% so với mức 10% năm 2013. Riêng với hàng FOB sẽ lựa chọn những đơn hàng thực chất hơn, nghĩa là Vinatex được quyền chọn mua nguyên liệu mà không theo sự chỉ định của nhà nhập khẩu nhằm đem lại tối đa giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tập đoàn cũng sẽ nhân rộng phương pháp sản xuất tinh gọn (Lean) đã được áp dụng thành công tại một số doanh nghiệp năm vừa qua nhằm giảm tối đa tồn kho trên dây chuyền, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh cho sản phẩm.


Về đầu tư, theo ông Trần Quang Nghị, với 57 dự án, năm 2014 sẽ là năm bùng nổ đầu tư của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Phần lớn các dự án sẽ tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu, trong đó có các dự án trọng điểm như: Hai nhà máy sản xuất vải solid dyed (nhuộm vải mộc) công suất 40 triệu m/năm; hai nhà máy sản xuất vải yarn dyed (vải nhuộm sợi rồi dệt) công suất 12 triệu m/năm; Nhà máy vải len lông cừu công suất 6 triệu m/năm... Đây là các bước chuẩn bị để tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cũng là điều kiện cần thiết để Vinatex đón đầu cơ hội khi Hiệp định TPP chính thức được ký kết.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao kết quả ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng đã đạt được, đặc biệt trong công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như sự quyết liệt trong định hướng đầu tư theo chuỗi nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do, chủ động nguồn nguyên phụ liệu chuẩn bị cho sản xuất. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng yêu cầu tập đoàn cần chú trọng hơn nữa vào thị trường nội địa và sự liên kết hữu cơ giữa các đơn vị thành viên nhằm tạo ra môi trường kinh doanh vừa hợp tác vừa cạnh tranh để ngành dệt may gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.


Uyên Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN