Xoa dịu mệt mỏi trong “ngày ấy”

Vào ngày “đèn đỏ”, nhiều quý bà, quý cô gặp phải không ít khó chịu, mệt mỏi, đau nhức... do sự thay đổi của hormon trong cơ thể. Các “sự cố” ấy đôi khi khiến chị em trở nên mất tự tin, dễ cáu gắt, buồn bực một cách vô cớ.

Những “dấu hiệu” đáng ghét

Có rất nhiều thay đổi, cả về tâm sinh lý trong thời điểm “nhạy cảm” này. Một số người bị đau bụng, tiêu chảy, táo bón, chuột rút, đau đầu... Số khác lại bị phù chân, tức, hoặc căng ngực, đau lưng, nổi mụn, khó tập trung, hay cảm thấy chán chường... Đó là những dấu hiệu tiền kinh nguyệt thường xảy ra, tùy thuộc vào cơ địa và sức khỏe của mỗi người.

Hiện nay, các bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra rắc rối của thời kỳ tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu chỉ ra rằng, thời kỳ này có liên quan đến sự thay đổi của lượng hormon trong cơ thể, mà sự tăng vọt Estrogen là một ví dụ dễ nhận thấy nhất.

Thực tế, không phải chị em nào cũng gặp rắc rối trong ngày ấy. Các bác sĩ cho rằng, một số người hay mỏi mệt, đau bụng, đau lưng... là do bình thường cơ thể họ cũng nhạy cảm hơn so với người khác. Vì thế, khi có sự tăng vọt về lượng hormon, họ dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi từ chính cơ thể mình.

Những cơn đau quặn, dai dẳng trong kinh kỳ đã ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của chị em, gây ra mệt mỏi, căng thẳng. Nguyên nhân của cơn đau thực chất là do sự co rút cơ ở vùng bụng dưới, tương tự như chứng chuột rút thường xảy ra ở chân và cổ.

Ngoài ra, vào ngày “đèn đỏ”, một số chị em còn có thể bị nhiễm nấm vùng kín nếu không vệ sinh sạch sẽ. Môi trường âm đạo ẩm ướt, cửa mình mở rộng hơn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động, xâm nhập sâu vào tử cung gây viêm nhiễm. Khi đã hoặc mắc một số bệnh liên quan đến vùng kín, chị em thường có cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu ở cơ quan sinh dục, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe sinh sản.

Tìm “thuốc” chữa “bệnh”

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, chế độ ăn cũng ảnh hưởng ít nhiều tới những triệu chứng tiền kinh nguyệt. Bởi vậy, nên bổ sung lượng hoa quả, rau xanh, giảm bớt chất béo và khẩu phần muối trong chế độ ăn hàng ngày. Đồng thời, cần uống thêm nhiều nước, nói “không” với cà phê cùng các chất kích thích khác, kết hợp với việc bổ sung vitamin B, E, calci, magiê cho cơ thể. Bên cạnh đó, bạn có thể tập những động tác thể dục đơn giản, nhẹ nhàng, tốt nhất là ngồi thiền, Yoga để giữ tinh thần nhẹ nhàng, giảm đi những mệt mỏi, căng thẳng.

Nếu bắt buộc phải dùng thuốc, thì một số loại thuốc giảm đau như Ibuprofen cũng có khả năng giúp bạn bớt đi những cơn đau nhức như: đau đầu, đau lưng...

Với triệu chứng đua bụng dưới, ngoài việc cung cấp thêm calci, magiê, bạn cũng có thể chườm nước nóng lên vùng bụng và phía dưới lưng; hoặc uống các loại trà thảo mộc có tác dụng giảm bớt cơn đau. Bạn nên nghỉ ngơi, nằm ở tư thế thoải mái, không hoạt động mạnh, hay bê nâng vật nặng. Tới khám bác sĩ trong trường hợp không thể chịu đựng nổi và không hết đau bụng trong suốt kỳ kinh.

Để tránh tình trạng nhiễm nấm vùng sinh dục, nên sử dụng loại băng vệ sinh mềm, có khả năng thấm hút tốt. Giữ gìn vệ sinh vùng kín bằng cách thay băng vệ sinh 3 tiếng một lần, rửa vùng kín sạch sẽ bằng nước ấm sau mỗi lần thay băng.

Khi gặp căng thẳng, stress, hãy uống thêm vitaminC và học cách thư giãn, tránh những ức chế, hoặc “tham công tiếc việc” quá mức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN