Xe buýt điện - một giải pháp cho giao thông đô thị

Nếu theo đúng lộ trình của đề án “Thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách trong khu vực trung tâm thành phố” của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh thì hiện là thời điểm thành phố đã có xe buýt điện. Tuy nhiên đến nay, đề án này vẫn chưa nhận được phản hồi từ lãnh đạo thành phố, trong khi hệ thống xe buýt hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và nhiều bằng chứng cho thấy, xe buýt điện là một trong những giải pháp hữu hiệu trong vận tải công cộng.


Vừa thiếu vừa chậm


Không cần phân tích nhiều cũng có thể nhận thấy, hệ thống giao thông công cộng của TP Hồ Chí Minh hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Thật vậy, khi chúng tôi đặt vấn đề này với PGS. TS Nguyễn Xuân Mai, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh - một người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông đô thị, câu đầu tiên ông nói là: “Vấn đề này đã nói mãi, nói nhiều lắm rồi, nhưng có ai nghe, có ai làm đâu...”.

Xe buýt hiện nay vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu người dân.


Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Mai, giao thông công cộng phải chiếm 40% trở lên thì mới giải quyết được nạn ùn tắc. Giao thông công cộng gồm có nhiều chủng loại như xe buýt, tàu điện ngầm, trolleybus, monorail... Hiện nay, giao thông công cộng thành phố chỉ mới đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu đi lại của người dân (yêu cầu là phải đáp ứng được 40% để tránh ách tắc giao thông). Muốn giảm ùn tắc thành phố buộc phải tăng giao thông công cộng.


Thực ra, xu hướng phát triển giao thông công cộng theo hướng xanh, sạch đã được ngành GTVT đề cập đến từ khá lâu. Cùng với việc kiến nghị Chính phủ cho miễn, giảm thuế nhập khẩu và triển khai sản xuất, đưa vào hoạt động hệ thống xe buýt sử dụng khí CNG một cách rất hiệu quả, từ đầu năm 2013, ngành giao thông đã lập đề án “Thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách trong khu vực trung tâm thành phố”. Theo đề án này, Sở GTVT dự kiến đầu tư 50 xe buýt điện loại 4 chỗ đến 8 chỗ ngồi từ nguồn xã hội hóa để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực trung tâm thành phố. Các xe này sẽ dừng, đậu ở các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn để đón khách 24/24 giờ mỗi ngày. Người dân thành phố có nhu cầu, có thể gọi điện thoại đến tổng đài để yêu cầu xe đến phục vụ với mức vé khoảng 40.000 đồng/chuyến cho một xe 4 chỗ ngồi đi trong cự ly 5 km và 50.000 đồng/chuyến/xe 8 chỗ ngồi đi trong cự ly 5 km.


Nếu đúng theo lộ trình của Sở GTVT, thì đến thời điểm hiện nay, hệ thống xe buýt điện đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết, từ khi trình đề án đến nay, UBND thành phố vẫn chưa có phản hồi nên Sở vẫn chưa thể nói gì về tiến độ triển khai đề án.


Xe buýt điện - một hướng ra


Trong một nghiên cứu mới đây về “khả năng ứng dụng xe buýt chạy bằng điện (Trolleybus) tại TP Hồ Chí Minh” cho thấy, nhiều khả năng có thể ứng dụng xe buýt điện vào hệ thống giao thông công cộng tại TP Hồ Chí Minh hiện nay với chi phí thấp, hiệu quả cao và thân thiện với môi trường.


Theo kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Trịnh Văn Chính - Chủ nhiệm dự án, hiện có khoảng 315 hệ thống xe buýt điện đang hoạt động tại các thành phố và thị trấn của 45 quốc gia. Vậy nên, trong việc đầu tư loại phương tiện này, chúng ta có nhiều sự lựa chọn và không sợ bị ép giá. Xe buýt điện được nhiều quốc gia xem là hệ thống ban đầu thích hợp và có thể nâng cấp thành đường sắt đô thị, khi nhu cầu đi lại tăng cao.


Nếu so sánh với hệ thống xe buýt hiện có, xe buýt điện có tỉ lệ công suất/trọng lượng gấp 2 lần so với xe dùng nhiên liệu diesel tương ứng. Thiết bị điện của loại xe này được dựa trên công nghệ động cơ AC (động cơ điện được điều khiển bởi dòng điện xoay chiều) nên độ tin cậy cao và tuổi thọ dài, bảo trì rất ít so với động cơ và bộ truyền động diesel. Xe buýt điện sử dụng động cơ điện nên không phát thải chất gây ô nhiễm như các loại xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel.


TS. Chính cho biết, do số chỗ của xe buýt điện nhiều hơn xe buýt diesel (120 chỗ của xe buýt điện so với 80 chỗ của xe buýt diesel), giảm đáng kể xe gắn máy do người dân chuyển qua sử dụng xe buýt chạy điện. Một ngày có thể giảm 20 x 149 = 2.980 xe gắn máy.


Thời gian hành trình và vận tốc của xe buýt điện tốt hơn xe buýt diesel, do đó thời gian chiếm chỗ trên đường giảm xuống, giảm bớt ùn tắc giao thông. Đây cũng là loại hình phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng điện, tiếng ồn của động cơ không đáng kể, năng lực chuyên chở hành khách khá cao. Đây là những yếu tố thuận lợi cơ bản của xe buýt điện, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững đô thị TP Hồ Chí Minh.


Từ những ưu điểm này, có thể thấy nếu áp dụng vào hệ thống giao thông công cộng, xe buýt điện sẽ thu hút đông khách, phù hợp với chính sách năng lượng quốc gia và có khả năng giải tỏa nhanh, chống ùn tắc giờ cao điểm.


Đặc biệt, theo tính toán của nhóm nghiên cứu, sử dụng phương tiện này, chi phí đầu tư tổng hợp/km khoảng 2,346 triệu USD/km. Mức chi phí này chỉ tương đương 1/4 chi phí đầu tư xe buýt nhanh BRT do thành phố đưa ra. Và nếu lấy tuyến metro An Sương - Củ Chi để so sánh thì đầu tư cho tuyến metro tương ứng 21km, năng lực của xe buýt điện đạt khoảng 25 - 43% nhưng mức đầu tư chỉ bằng 2,93 - 4,26%.

PGS.TS Nguyễn Xuân Mai - Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh: Nếu so sánh với tàu điện ngầm hay xe buýt nhanh thì chi phí đầu tư cho xe buýt điện rẻ hơn rất nhiều. Cụ thể, đầu tư cho hệ thống tàu điện ngầm lên tới 150 triệu USD/km. Cách thức để phát triển giao thông công cộng là phải đi từ xe buýt, xe buýt điện, tàu điện rồi mới tới tàu điện ngầm. Thành phố nên ưu tiên phát triển các loại hình xanh và sạch; với xe buýt thì nên ưu tiên các loại xe chạy khí CNG, chạy điện... Khả năng ứng dụng xe buýt điện là rất khả thi, đặc biệt là cho hệ thống xe buýt nhanh.

 

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh: Việc nghiên cứu, ứng dụng loại hình xe buýt nhanh sẽ tạo cho ngành vận tải hành khách công cộng từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân và giúp hành khách có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, cũng cần xem xét kỹ điều kiện thực tế về hạ tầng giao thông ở thành phố như mặt cắt ngang đường, hệ thống bến bãi, chi phí đầu tư, nguồn điện để nâng cao tính khả thi của dự án.

 

Tiến sĩ Trịnh Văn Chính, ĐH Giao thông Vận tải: Việc nghiên cứu khả năng ứng dụng xe buýt điện để tăng năng lực vận tải hành khách công cộng là một yêu cầu cấp thiết. Đây là phương tiện thích hợp cho đô thị văn minh hiện đại. Việc ứng dụng loại xe này sẽ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng của thành phố.


Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN