Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh niên

Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, trong khi hạ tầng trong nội đô chưa cải thiện, đã gây ra khó khăn trong việc đảm bảo an toàn giao thông tại Thủ đô. Để giải quyết vấn đề này, một trong những việc cần làm ngay là xây dựng văn hóa giao thông, đặc biệt là trong giới trẻ.

Bất chấp an toàn


Trước cổng trường Đại học Giao thông vận tải (gần ngã tư Cầu Giấy, Hà Nội), dù có cầu vượt đường bộ, nhưng nhiều sinh viên vẫn vô tư cắt ngang làn đường. Khi được hỏi tại sao không đi cầu vượt đường, thì hầu hết các em trả lời rằng băng qua đường cho tiện, dù biết không an toàn.

 

Nhiều thanh niên vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Thanh Tùng-TTXVN


Tình trạng trên diễn ra ở hầu hết các cổng trường đại học. Tiến sĩ văn học Đoàn Hương nhận xét: “Tại các cổng trường đại học dễ bắt gặp hành vi phi văn hóa giao thông như lạng lách, đánh võng, đi lên vỉa hè, đi xe máy ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm… Ý thức chấp hành giao thông của một số bạn trẻ thấp, chỉ khi thấy bóng dáng cảnh sát mới chấp hành”.

Không chỉ tại các trường cao đẳng, đại học, mà tại nhiều trường PTTH của Hà Nội, hình ảnh học sinh vai khoác túi đựng sách vở, trên người mặc đồng phục vẫn ngang nhiên điều khiển xe máy khá phổ biến, dù đã có quy định cấm của Bộ GD - ĐT.

Theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, gần 80% người bị xử lý khi tham gia giao thông ở độ tuổi từ 16 đến 35, 100% số học sinh trung học phổ thông sử dụng xe máy đến trường không có giấy phép lái xe.


Thầy giáo Hoàng Trung Thuấn, trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho rằng: “Qua công tác giáo dục, tôi nhận thấy phần lớn học sinh các trường phổ thông vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là do phụ huynh tiếp tay bằng cách mua xe máy chiều theo ý thích của con. Bên cạnh đó là tâm lý lứa tuổi chưa được định hướng kịp thời, việc xử lý chưa kiên quyết của lực lượng chức năng”.


Đồng quan điểm này, thầy giáo Bùi Văn Hải, trường THPT Chương Dương (Hoàn Kiếm) cho rằng, sự thiếu ý thức của học sinh về an toàn giao thông trước hết có phần lỗi của phụ huynh khi không làm gương cho con; các chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm của học sinh quy định tại các văn bản pháp luật chưa đủ mạnh mẽ để răn đe, việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục, làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt.


Tăng cường các giải pháp


Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Hà Nội: Lực lượng cảnh sát giao thông đã áp dụng nhiều biện pháp như tuyên truyền, hướng dẫn, song hiện tượng vi phạm còn phổ biến và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông.


Để từng bước xây dựng và hình thành thói quen ứng xử có văn hóa trong giao thông, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, tạo dựng phong trào sâu rộng tới cộng đồng dân cư, trường học… Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đề xuất chính quyền các cấp, nhất là các trường học, khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan công an phải có trách nhiệm giáo dục cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên.


Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là thanh niên chưa cao. Việc cố tình chống đối lại lực lượng chức năng khi vi phạm TTATGT chủ yếu xảy ra với đối tượng thanh niên. Để thiết lập văn hóa giao thông, Sở GTVT sẽ quy hoạch, tổ chức lại một số điểm ùn tắc giao thông trong nội đô. Bên cạnh đó, các quận, huyện xử lý triệt để các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi để xe, kinh doanh buôn bán ảnh hưởng đến trật tự giao thông, trật tự đô thị.

 

Trần Mạnh Thắng, sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội:

Những kiến thức về an toàn giao thông đã được học, tuyên truyền, nhưng khi thấy nhiều người vi phạm không bị xử lý, nên họ lại cố tình vi phạm. Việc chấp hành khi có cảnh sát chỉ mang tính đối phó. Do vậy, để hình thành ý thức phải từ cộng đồng. Đã áp dụng xử phạt thì phải làm tất cả, giống như việc đội mũ bảo hiểm, làm đồng loạt và kiên quyết mới hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:

Việc tuyên truyền thanh niên, học sinh, sinh viên tuân thủ đúng tiêu chí văn hóa giao thông là việc làm cần thiết, nhất là tại Thủ đô, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trong khi hạ tầng chưa được cải thiện. Tiêu chí văn hóa giao thông đó là tuân thủ đúng pháp luật về TTATGT, vi phạm chấp hành xử phạt và không nên gọi điện cho người thân; hình thành ý thức chấp hành TTATGT. Đối với các bạn sinh viên, thanh niên, theo tôi, trước hết tập ý thức khi qua đường đi qua cầu vượt, đi đúng phần đường dành cho người đi bộ. Chỉ cần chấp hành điều này cũng đã góp phần từng bước đảm bảo TTATGT đô thị.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội:

“Đoàn viên, thanh niên với văn hóa giao thông” là hoạt động thiết thực của tuổi trẻ Thủ đô tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phát huy vai trò tình nguyện của của tuổi trẻ thực hiện cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”. Tại các trường đại học trên địa bàn, đã có đội tình nguyện tuyên truyền, hướng dẫn các bạn sinh viên tham gia đảm bảo TTATGT. Các trường học trên địa bàn cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu về văn hóa giao thông.


Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN