Xây dựng thương hiệu quốc gia thời hội nhập

Khi nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, việc xây dựng được một chương trình thương hiệu quốc gia nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, bảo vệ, quảng bá và phát triển thương hiệu là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài.

 

Nguy cơ lép vế trước các thương hiệu nước ngoài


Trước tác động nhiều chiều của quá trình vận hành nền kinh tế thị trường ở nước ta, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đã sớm được đặt ra, thực hiện và đóng góp quan trọng vào sự phát triển thương mại - dịch vụ nước nhà. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với nhiều lý do cả khách quan từ thực trạng nền kinh tế cũng như hoàn cảnh của từng doanh nghiệp (DN), vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu chưa đạt kết quả như mong muốn.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia 2012 cho các doanh nghiệp.

 

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Đỗ Thắng Hải cho rằng, càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thương hiệu hàng hóa Việt Nam càng bộc lộ những bất cập lớn như: Bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa và vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới...


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

“Không xây dựng được thương hiệu thì không thể tiến ra thị trường thế giới” Cùng với việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ của các Hiệp định Thương mại tự do với khu vực và khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì việc xây dựng và khẳng định thương hiệu của DN và THQG ngày càng quan trọng. Bởi, khi đã mở cửa và hội nhập, hàng hóa của DN Việt Nam không phải chỉ cạnh tranh với DN trong nước mà còn cạnh tranh rất quyết liệt với sản phẩm hàng hóa ngoại nhập. Mặt khác, khi thị trường thế giới đã mở nhưng nếu DN Việt Nam không xây dựng được thương hiệu thì cũng không thể tiến ra thị trường thế giới. Việc xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong” còn góp phần tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.

Trên thị trường nội địa, theo ông Đỗ Thắng Hải, các DN Việt Nam đã có tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa nhập khẩu trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đa phần các DN còn thiếu kinh nghiệm và năng lực phát triển và sử dụng thương hiệu như một công cụ tiếp thị đúng nghĩa, thậm chí vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề thương hiệu, dẫn đến việc thiếu chiến lược và đầu tư chiều sâu cho phát triển thương hiệu, chạy theo hình thức mà quên mất những giá trị nền tảng có tính bền vững của thương hiệu là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả của quy trình sản xuất, kinh doanh. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh sản phẩm của DN Việt Nam trên thị trường nội địa, giảm khả năng cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó, quá trình hội nhập kinh tế mạnh mẽ cũng thúc đẩy các hoạt động mua lại, sáp nhập của các công ty đa quốc gia hoặc nhượng quyền thương mại trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, tác động tiêu cực đến hoạt động phát triển thương hiệu sản phẩm của các DN Việt Nam, cụ thể là khuyến khích thị hiếu sử dụng sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu nước ngoài đang phổ biến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng ban phát giải thưởng thương hiệu khá tràn lan, mạnh ai nấy làm, gây nhiễu loạn vấn đề thương hiệu.


Trên thị trường quốc tế, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh và lợi thế so sánh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như thiếu chiến lược xuất khẩu bền vững, năng lực tiếp thị địa phương non kém và những tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương riêng lẻ. Sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt. Giá trị gia tăng trong tổng cơ cấu giá trị hàng hóa Việt Nam còn thấp mà nguyên nhân yếu kém về thương hiệu vẫn chưa dễ khắc phục.


Xây dựng hình ảnh quốc gia uy tín về hàng hóa và dịch vụ


Theo Ban Thư ký chương trình thương hiệu quốc gia, trong bối cảnh thương hiệu hàng hóa Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới thì việc hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng DN nhằm xây dựng một hình ảnh chung cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và quảng bá hình ảnh chung đó một cách mạnh mẽ trên thị trường quốc tế là một cách làm tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả cao hơn so với việc xây dựng chỗ đứng trên thị trường cho từng thương hiệu nhỏ lẻ.


Năm 2012, có 54 DN có thương hiệu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đã được tham gia chương trình THQG và được gắn biểu trưng Giá trị Việt Nam (Vietnam Value). Đây là các DN có thương hiệu sản phẩm có vị thế dẫn đầu ngành hàng và có cam kết theo đuổi những giá trị của chương trình THQG là “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”. Trong 54 DN đạt THQG 2012, chắc chắn chỉ có một số DN có khả năng vươn ra được toàn cầu, do vậy nếu tập trung vào một số DN điển hình sẽ có hiệu quả tốt hơn. Việc hình thành các DN tiên phong xây dựng THQG sẽ có ý nghĩa như những “đầu tàu” kéo các DN khác cùng nối tiếp để xây dựng được hình ảnh DN cũng như hình ảnh THQG.

Đáp ứng kịp thời yêu cầu đó, ngày 25/11/2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia với những định hướng và mục tiêu dài hạn cho xây dựng và phát triển chương trình thương hiệu quốc gia (THQG). Đây còn là chương trình duy nhất do Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG thông qua thương hiệu sản phẩm. Đây cũng là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.


Cho đến nay, việc vận hành Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã có những thành công đáng ghi nhận, tập trung vào 2 nội dung chính. Một là, giúp các DN nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu. Hai là, lựa chọn các thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG để hỗ trợ phát triển theo các giá trị của chương trình. Trên cơ sở đó, Nhà nước cùng với các DN xây dựng các chương trình hành động cụ thể để tăng cường năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn, hướng tới 3 giá trị cốt lõi mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo.


Những mục tiêu của Chương trình THQG giai đoạn hiện nay bao gồm: Tiếp tục tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm và dịch vụ Việt Nam; khuyến khích và tạo sự tin cậy của người tiêu dùng đối với các nhà sản xuất trong nước góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường giá trị nội hàm của sản phẩm quốc gia “Vietnam Value” thông qua việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ, trong đó ưu tiên những sản phẩm và dịch vụ được lựa chọn tham gia Chương trình, từ đó góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Tăng cường liên kết và phối hợp hoạt động của các cơ quan và tổ chức hữu quan trong một hệ thống đồng bộ, gia tăng hiệu quả hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN dựa trên uy tín chất lượng, quy trình sản xuất thân thiện môi trường và tính chuyên nghiệp. Nâng cao hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô trong cơ cấu sản xuất và XK, khẳng định vị thế của Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu về sản phẩm và dịch vụ. Tựu chung lại sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là nền kinh tế luôn đổi mới, nâng cao uy tín, chất lượng, đa dạng hàng hóa và dịch vụ trong ấn tượng của người Việt Nam và quốc tế.


Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN