Xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tập trung xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu để làm tăng uy tín, sức mạnh cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản chủ lực để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hàng nông sản Việt Nam đang được quan tâm tại các hội chợ lớn. Ảnh:Thanh Vũ - TTXVN


Vùng ĐBSCL được xem là vùng dẫn đầu cả nước về sản phẩm lúa gạo, thủy sản xuất khẩu và là vùng sản xuất nhiều loại trái cây nổi tiếng. Đặc biệt, vùng có nhiều thương hiệu nổi tiếng thuộc 3 nhóm sản phẩm chủ lực của vùng như: gạo nàng thơm Chợ Đào; vú sữa Lò Rèn, Vĩnh Kim; nước mắm Phú Quốc; các sản phẩm chế biến từ cá tra, tôm… Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của vùng còn nhiều hạn chế, nhất là đối với thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân chính dẫn đến khả năng cạnh tranh kém hiệu quả ở thị trường xuất khẩu của các sản phẩm chủ lực trong vùng ĐBSCL chính là không có thương hiệu riêng, từ đó, khiến lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp và địa phương trong vùng bị ảnh hưởng.


Theo nhiều doanh nghiệp và địa phương trong vùng ĐBSCL, một số khó khăn phải đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu là chưa xác định cụ thể sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ cần tập trung phát triển, dẫn đến tình trạng phát triển các ngành kinh tế một cách dàn trải, thiếu định hướng chiến lược chung. Từ đó, chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu của vùng được tạo ra với quy mô lớn, tính cạnh tranh cao và có đầu ra ổn định… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong vùng có xu hướng phát triển sản xuất nhỏ lẻ, kém tính liên kết gắn bó chung để tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu mạnh, phát triển bền vững, từ đó tính “hiệp hội” trong sản xuất và thương mại chưa rõ ràng…


Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, để vùng ĐBSCL có được những thương hiệu mạnh mang tính vùng, miền cần phải có một chiến lược phát triển thương hiệu vùng miền với hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, đầu tư, tổ chức sản xuất liên kết thị trường. Ông Hiệp cho rằng, một trong những việc làm cấp bách hiện nay chính là tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của vùng để tăng khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu...


Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội khóa IX thông qua và được sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII được xem là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp làm kim chỉ nam trong xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng và sản phẩm trí tuệ nhằm góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các sản phẩm của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và xuất khẩu…


Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định, qua thời gian thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ đã có những thương hiệu được xây dựng thành công, đứng vững trên thị trường và được pháp luật bảo vệ, đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo ông Xuân hiện vẫn còn nhiều thương hiệu nông, thủy sản của vùng ĐBSCL chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp trong khu vực.


Ông Xuân nhấn mạnh, các doanh nghiệp và địa phương trong khu vực cần nâng cao sự nhận biết về phương thức và quy cách xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho từng địa phương, từng doanh nghiệp trong vùng, từ đó hướng đến quá trình phát triển bền vững hệ thống nhận diện thương hiệu và bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp trong vùng… Bên cạnh đó, thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ phát triển các dịch vụ cung cấp thông tin, dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ, giám định về sở hữu trí tuệ ở khu vực, đặc biệt là cần có cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong việc bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ mang tính đại diện của khu vực…


Thanh Sang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN