Xây dựng thương hiệu biển Việt Nam

Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền và thương hiệu biển Việt Nam là chủ đề của diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2013 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam) phối hợp tổ chức ngày 12/6, tại Hà Nội.

 

Thương hiệu biển là lợi thế quốc gia


Với 28 tỉnh, thành có biển, tổng chiều dài bờ biển trên 3.260 km và có hơn một triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế và trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về biển và xây dựng thương hiệu biển là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Theo ông Phạm Quang Mỵ, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Thương hiệu biển có mối quan hệ mật thiết với phát triển kinh tế biển. Tiềm năng và nguồn lợi biển của Việt Nam khi được khai thác hợp lý là yếu tố và tác nhân quan trọng đối với việc phát triển đất nước. Các ngành kinh tế biển phát triển sẽ tạo sự bứt phá và trụ đỡ cho nền kinh tế của đất nước, là tiền đề xây dựng và phát triển thương hiệu biển.

Quang cảnh diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2013. Ảnh: Lê Phú


Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ gắn với biển có không nhiều lợi thế về cảnh quan, tài nguyên như Xinhgapo, Hồng Kông, Thái Lan… nhưng nhờ quảng bá tốt hình ảnh và liên kết những thế mạnh của mình với vùng lãnh thổ và quốc gia khác mà chiếm lĩnh được thị trường rộng lớn và có những bước phát triển thần kỳ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xác lập những tiêu chuẩn mang tính khu vực và quốc tế trong việc khai thác và quản lý thương hiệu biển Việt Nam. Trong quá trình xây dựng thương hiệu biển phải đặc biệt chú ý đến thương hiệu địa phương, vùng miền để tạo nên thương hiệu chung mang tính giá trị cao.


Ông Nguyễn Đăng Đạo, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 phấn đấu kinh tế biển đạt 53 - 55% tổng GDP của cả nước. Vì vậy, cần đặc biệt chú ý mục tiêu lâu dài là xây dựng bản chất văn hóa Việt Nam cho thương hiệu biển, xây dựng kinh tế biển phải gắn liền với phát triển bền vững ba lĩnh vực chính là kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn đặc trưng văn hóa dân tộc. Cùng đó, cần tăng cường xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm, địa danh biển để tăng giá trị của nó, tạo điểm đến hấp dẫn.


Để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo và phát triển thành công thương hiệu biển Việt Nam, Nhà nước phải có một cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp và đồng bộ cùng với nguồn lực đầu tư đúng hướng, đủ mạnh. Ông Hoàng Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo cho rằng, việc phát triển thương hiệu biển phải dựa vào các sản phẩm, dịch vụ của biển, đảo đã có sẵn, trong đó chú trọng phát triển vào các sản phẩm biển có thế mạnh, đặc trưng trong một ngành hay một lĩnh vực của kinh tế biển. Xây dựng thương hiệu biển không chỉ là việc khai thác, sử dụng biển thế nào cho hợp lý, hiệu quả và bền vững mà là việc liên kết giữa các ngành, nghề trong việc xây dựng một thương hiệu mang tầm vĩ mô.

Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển cho hợp lý, thích hợp để huy động sự tham gia tích cực, sự phối hợp, hợp tác của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu biển. Nhà nước cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn tạo ra những lợi thế ưu đãi khuyến khích cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để tranh thủ các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế biển, đảo; đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để phát triển thương hiệu các sản phẩm của doanh nghiệp mình.


“Chiến lược biển đến năm 2020” trong đó phát triển thương hiệu biển là vấn đề mấu chốt không chỉ để chúng ta phát huy nội lực, mà còn nhằm hội nhập sâu, rộng hợp tác kinh tế quốc tế và liên doanh, liên kết với nước ngoài, học hỏi, trao đổi với các nước có trình độ khoa học, quản lý biển tiên tiến để áp dụng vào quản lý khai thác, sử dụng và bảo tồn biển, đảo Việt Nam. Để tranh thủ các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia xây dựng thương hiệu biển, Nhà nước cần ưu tiên tập trung nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế biển (ưu tiên đầu tư vào xây dựng đường giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp, các công trình biển…). Chú trọng quảng bá, phát triển thương hiệu biển Việt Nam nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo.


Phát triển thương hiệu vùng miền


Việc xây dựng thương hiệu vùng miền sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp phát triển kinh tế, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm của địa phương, qua đó, giúp nâng cao mức sống của địa phương. Việc kết nối với các địa phương lân cận tạo nên sức mạnh của cả vùng và giúp thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển thương mại hàng hóa, du lịch. “Sắp tới, các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia sẽ được truyền thông, quảng bá hình ảnh. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán, các địa phương hiệp hội ngành hàng… xây dựng những chương trình riêng của từng vùng miền và từng ngành hàng và giúp các doanh nghiệp, địa phương nâng cao kỹ năng về làm thương hiệu cũng như kinh doanh quốc tế để tạo nên sức mạnh tổng hợp”, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định.


PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên bộ môn Quản trị thương hiệu, Đại học Thương mại cho rằng, trong hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt, thương hiệu là yếu tố sống còn của một ngành, doanh nghiệp hay địa phương. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và địa phương đã có ý thức bảo hộ, phát triển uy tín cho thương hiệu nhưng nhìn chung việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu vùng miền ở Việt Nam đang còn chập chững. Việc tiếp cận thương hiệu vùng miền của chúng ta chưa rõ ràng. “Chúng ta đang đề cập đến như là một cái khía cạnh mang tính tổng hợp của chỉ dẫn địa lý. Cần nhìn nhận thương hiệu vùng miền một cách khách quan, đầy đủ, mang tính chiến lược hơn”, ông Nguyễn Quốc Thịnh cho biết thêm.


Theo các diễn giả tham luận tại diễn đàn, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, có thế mạnh riêng về nhóm sản phẩm, cơ hội thu hút đầu tư và cơ hội phát triển kinh tế. Các địa phương hoàn toàn có thể xây dựng hình ảnh riêng khác biệt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và công chúng. Ông Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng: Để xây dựng thương hiệu vùng miền thì trước hết phải nâng cao nhận thức của các lãnh đạo địa phương về việc xây dựng thương hiệu. Việc định vị thương hiệu, không phải tất cả địa phương, có nhất thiết mọi địa phương phải tổ chức lễ hội và định vị quốc tế? Cần xác định thị trường mục tiêu của mình để rồi xây dựng thương hiệu. Đề xuất về hướng phát triển thương hiệu vùng miền, ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ dẫn chứng về đồng bằng sông Cửu Long, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước với các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa, gạo, trái cây, thủy sản… luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước nhưng vẫn chưa có thương hiệu mang tầm cỡ vùng, quốc gia.


Theo ông Dương Quốc Xuân, điều đầu tiên phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn. Đồng thời cần tăng cường sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước, định danh rõ từng thương hiệu của vùng để quảng bá và xây dựng thương hiệu cả trong và ngoài nước.

 

Viết Tôn - Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN