Vươn lên từ đầm lầy

Là người ít tuổi nhất trong số 62 nông dân xuất sắc nhất năm 2013 được tôn vinh và trao tặng Danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”, anh Vũ Trung Học (sinh năm 1979) tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã viết lên câu chuyện cổ tích của chính mình từ những đầm lầy, bãi hoang.

Anh Học và hàng cây cảnh cho giá trị kinh tế cao.

Có người ví, ở miền Bắc, độ sầm uất trong giao thương buôn bán thì “thứ nhất Ninh Hiệp, thứ nhì Thổ Tang”. Sinh ra, lớn lên ở thị trấn Thổ Tang vốn nhộn nhịp nhưng anh Vũ Trung Học lại chọn cho mình một hướng đi khác và đã từng bước khẳng định được con đường riêng của mình.


Gia đình anh vốn có sạp kinh doanh ở phố Thổ Tang, mỗi tháng cho thu lãi hàng chục triệu đồng. Công việc kinh doanh khá nhàn nhã nhưng với niềm đam mê đồng ruộng, vườn cây, anh không chịu ngồi yên với vai trò của một tiểu thương. “Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, năm 2007, tôi quyết định nhượng sạp hàng cho người khác. Sau đó, tôi đấu thầu và được xã giao cho 5 ha đất ở khu đồng trũng, đầm lầy khó sản xuất nông nghiệp để làm kinh tế trang trại”, anh Học kể.


Vào thời điểm đó, nhiều người nghĩ rằng anh “không muốn nhàn thân”, đem toàn bộ tiền của gia đình “đánh bạc” với khu đồng trũng, đầm lầy. Nhưng bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, anh vẫn lao vào nơi bị mọi người cho là “khỉ ho cò gáy” để làm trang trại.


Anh dành toàn bộ số vốn ít ỏi ban đầu (khoảng 200 triệu đồng) vào việc đào ao, be bờ, thau chua để thả cá; xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn giống, trồng cây ăn trái như: bưởi, cau... dần dần tạo nên hình hài của một trang trại.


Tuy nhiên, khi chưa kịp nhận “trái ngọt” đầu tiên thì thách thức đã đến với anh Học ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên năm 2008. Do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, cộng thêm dịch cúm gia cầm bùng phát dịp cuối năm, lại chưa có kinh nghiệm chống rét, chống dịch bệnh cho gia cầm, gia súc nên anh thua lỗ 300 triệu đồng.


Sau nhiều đêm thức trắng, kiểm điểm lại quy trình sản xuất để rút ra bài học, anh đi gõ cửa anh em, họ hàng vay thêm vốn để đầu tư lại từ đầu. Bên cạnh đó, anh đọc thêm nhiều tài liệu, sách vở hướng dẫn sản xuất nông nghiệp, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở những trang trại khác. Để có thêm kinh nghiệm đối phó lại với dịch bệnh trên gia cầm, gia súc, anh đăng ký tham gia các chương trình khuyến nông của hội nông dân huyện, tỉnh tổ chức.


Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, sau hơn một năm gây dựng lại, anh đã có một trang trại, 3 ha ao thả cá, 1,5 ha vườn chuồng, 500 m2 nhà xưởng. “Hiện mỗi năm, trang trại của tôi cho thu hoạch khoảng 20 tấn cá, 40 tấn thịt lợn, hàng chục tấn lợn giống. Ngoài ra, tôi còn mở một nhà hàng sinh thái với nguồn cung từ chính trang trại, trồng thêm các loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Hiện trang trại của tôi tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động”, anh Học cho biết.


Năm 2012, sau khi trừ hết các chi phi, anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Năm nay, dù kinh tế vẫn khó khăn, nhưng dự kiến anh Học vẫn thu lãi trên 600 triệu đồng.


Với số vốn ban đầu chỉ 200 triệu đồng, đến nay tổng tài sản của anh đã lên tới hàng chục tỷ đồng, vốn lưu động gần 5 tỷ đồng. Anh Học cho biết, từ nay tới hết năm 2015, anh tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi, tăng số lượng gà đẻ trứng lên 2 vạn con, tăng sản lượng cá, lợn...

 

Bài và ảnh:Phi Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN