Dư luận Nga:

Việt Nam sẽ đạt được công bằng lịch sử với chủ quyền ở Hoàng Sa

Báo “gazeta.ru”, một trong ba tờ báo điện tử tư nhân lớn nhất ở Nga với lượng truy cập trung bình 3 triệu lượt/ngày, tháng 6 vừa qua có bài viết: “Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận”của nhà báo Vladimir Koryagin. Ngoài phân tích các dữ kiện lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tác giả còn có cuộc trò chuyện với 5 chuyên gia hàng đầu của Nga về nghiên cứu Biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nhằm cung cấp cho độc giả góc nhìn đa chiều của dư luận xã hội Nga về vấn đề này. Phóng viên TTXVN tại LB Nga trích giới thiệu nội dung các cuộc trao đổi:

Ông Melnikov, Phó chủ tịch thứ nhất Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga:
Giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế


Nếu nói về mặt ngoại giao, Nga có quan hệ đối tác chiến lược với cả Việt Nam và Trung Quốc. Còn nếu nói về mối quan hệ con người thì nhân dân Nga với nhân dân Việt Nam và Trung Quốc có tình hữu nghị chân thành. Vì vậy, một cách hiển nhiên, logic và đúng đắn là Nga sẽ không thay đổi lập trường hiện nay, không đứng về bất cứ bên nào trong cuộc xung đột này.

Lập trường của Nga phải được xây dựng trên nguyên tắc bằng mọi cách không để xảy ra xung đột đổ máu trong quá trình xử lý vấn đề lãnh thổ, giải quyết xung đột trên cơ sở các văn bản luật pháp quốc tế đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, công nhận.

Nga mong muốn hai quốc gia hữu nghị với nước Nga tìm được con đường để quay trở lại trạng thái mối quan hệ đã được kiến tạo trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng 10 năm ngoái. Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đạt được bước đột phá trong một loạt phương hướng quan hệ song phương, ghi nhận chương trình nghị sự tích cực giữa hai nước. Tiềm năng này hiện nay vẫn còn và cần phải tìm thấy trong đó chỗ dựa để giải quyết vấn đề hiện nay.

Ông Kolesnik, Chủ tịch trung ương Hội cựu chiến binh Nga tại Việt Nam:
Trung Quốc hành xử dựa trên lập trường nước lớn

Chúng ta vẫn hình dung hai quốc gia láng giềng có chung lịch sử hàng nghìn năm, với sự giao thoa văn hóa và tôn giáo, những mối quan hệ gần gũi về dân tộc và kinh tế, đặc biệt lại có cùng thể chế chính trị - xã hội thì có thể giải quyết mọi vấn đề tranh cãi trong không khí hòa bình, nhưng đáng tiếc thực tế lại không diễn ra như vậy.

Cá nhân tôi cho rằng trách nhiệm trước những gì vừa xảy ra thuộc hoàn toàn về phía Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà không tham vấn, hành xử dựa trên lập trường nước lớn, coi thường quyền và lợi ích của quốc gia láng giềng.

Có một sự thật lịch sử hiển nhiên là quốc kỳ của Việt Nam đã xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816. Trong khi đó, mãi hơn 70 năm sau, Trung Quốc mới bắt đầu tuyên bố yêu sách chủ quyền tại đây. Tôi hiểu những người Việt Nam và có thể nhận định rằng nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ chịu chấp nhận cách thức hành xử của Trung Quốc hiện nay và sớm hay muộn cũng sẽ đạt được sự công bằng lịch sử đối với chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Tất cả những âm mưu giải quyết xung đột lãnh thổ bằng sức mạnh đều đưa vấn đề vào bế tắc và sẽ hứng chịu thất bại.


Ông Lokshin, chuyên viên cao cấp Viện Viễn Đông-VHLKH Nga:
Trung Quốc vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế

Ông Lokshin (giữa)


Tôi cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là vấn đề đã rõ ràng và không cần phải đặt thêm câu hỏi.

Tương lai của cuộc xung đột này rất khó dự đoán vì phụ thuộc vào việc Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách nào. Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn và tấn công như đã từng áp dụng trong thời gian tương đối dài vừa qua nhằm chứng tỏ rằng Biển Đông là “ao nhà” của mình. Trung Quốc cũng có thể chỉ hạn chế ở việc tuyên bố chủ quyền đối với hoảng 90% diện tích Biển Đông, hoặc bắt đầu cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, không chỉ với Việt Nam mà còn Philippines, Malaisia và Bruney, những nước trên thực tế có quyền hợp pháp tuyên bố chủ quyền đối với một phần Biển Đông theo luật pháp quốc tế.


Trung Quốc đã coi thường các thỏa thuận đã đạt được trong khuôn khổ ASEAN, vì các thỏa thuận này mang tính tuyên bố là chính chứ không có giá trị ràng buộc chặt chẽ về pháp lý. Đấy không phải là một bộ luật mà chỉ là “Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông”. Tuyên bố này được thông qua năm 2002, nhưng trong suốt hơn 10 năm qua lời nói luôn không đi đôi với hành động. Có thể ở nơi này nơi khác cũng có vi phạm Tuyên bố ở các cấp độ khác nhau song sự vi phạm của Trung Quốc là nghiêm trọng nhất. Trung Quốc luôn tiến hành các hành động đơn phương, thực thi chính sách đặt các nước liên quan trước việc đã rồi và còn nhiều vấn đề phức tạp khác nữa.

Hành động của Trung Quốc đã gây nên làn sóng phẫn nộ ở Việt Nam. Tôi đã từng có mặt ở một số hòn đảo, cụ thể là đảo Lý Sơn, nơi chỉ cách vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan khoảng 100 hải lý. Dọc theo bờ biển Việt Nam là các tỉnh thành với hàng triệu người dân vốn sinh sống bằng các nguồn lợi hải sản đánh bắt từ biển. Trong khi đó, Trung Quốc ngăn cấm họ ra khơi chỉ vì dựa vào tấm bản đồ do các quan chức từ thời Quốc dân đảng đưa ra 1947, tuyên bố đó là vùng biển của họ và đưa tàu tuần tra ra xua đuổi các tàu cá của Việt Nam. Tôi tự đặt câu hỏi hành động như vậy của Trung Quốc sẽ gây ra phản ứng như thế nào đối với một đất nước vốn còn nhớ rất rõ lịch sử nghìn năm bắc thuộc?

Ông Ilya Usov, chuyên viên Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS):
Nếu Nga ủng hộ Trung Quốc thì sẽ mất hết bạn bè ở khu vực

Cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các đối tác chiến lược của Nga ở châu Á. Nga đã và đang giữ lập trường trung lập đối với xung đột lãnh thổ ở Biển Đông. Châu Á không chỉ giới hạn ở Trung Quốc mà còn có Việt Nam, đối tác chiến lược toàn diện và có ảnh hưởng của Nga ở Đông Nam Á. Nếu Nga ủng hộ Trung Quốc thì sẽ đánh mất hết bạn bè ở khu vực có tiềm năng rất lớn này. Vì vậy, tôi cho rằng nếu điều đó xảy ra thì sẽ là một sai lầm”.

Cao Cường (P/v TTXVN tại Nga)
Ảnh do báo “gazeta” cung cấp


Dư luận Nga: 'Trách nhiệm thuộc hoàn toàn phía Trung Quốc'
Dư luận Nga: 'Trách nhiệm thuộc hoàn toàn phía Trung Quốc'

Ngày 1/6, báo “gazeta.ru”, có bài viết khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tác giả cũng trao đổi với 5 chuyên gia hàng đầu của Nga về biển Đông và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN