Việc làm đối với người chuyển giới - Bài 1: Xót xa sinh kế người chuyển giới

Sinh ra là nam, nhưng tâm hồn là nữ, những người chuyển giới (transgender) chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Việc làm là một trong những thách thức lớn nhất đối với họ, bởi cơ hội ít, công việc nếu có thì đa phần bấp bênh, thu nhập thấp và chịu nhiều phân biệt đối xử ở nơi làm...

 

Dùng miệng nâng bàn sắt - Một tiết mục biểu diễn của người chuyển giới.

 

Bóng Bảy sống cùng gia đình trên một ghe neo tại khu vực gần cầu Chánh Hưng (quận 8, TP Hồ Chí Minh). Bóng Bảy không có nghề nghiệp ổn định, không xin được việc làm ở bất kì đâu vì mang vẻ ngoài nam giới, nhưng hành động, cử chỉ lại yểu điệu, nữ tính. Bóng Bảy là người chuyển giới nữ. Tối tối, Bảy trang điểm để đi chơi, hoặc chỉ đơn giản là đi loanh quanh tại các khu vực quán nhậu, quán “hát với nhau” tại gần khu Bảy sống, ai kêu làm gì thì làm, ai kêu hát thì hát để được cho tiền. “Tối có gì để làm thì mai có cái ăn, tối nào đi lòng vòng hoài mà không được gì thì mai nhịn” - Bóng Bảy tâm sự, vẻ cam chịu.

 

“Bị loại” vì đủ lý do

 

Bóng Bảy chỉ là một trong số những người chuyển giới nữ đang bế tắc về việc làm hiện nay ở nước ta.

 

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) thực hiện tháng 10/2013 đối với một số người chuyển giới trẻ cho thấy thực trạng buồn: 21% số người trả lời phỏng vấn hiện không có việc làm (dù trước đó có đi làm), gần 18,4% chưa từng có việc làm. Số có việc nhưng không thường xuyên là hơn 8,5%.

 

“Khi em đi xin làm ở một cửa hàng văn phòng phẩm, người ta nói thẳng là ‘không chứa pê đê’. Chỗ khác, lịch sự hơn, thì dù đang rất cần người nhưng họ nói khéo ‘đủ người rồi”, một chuyển giới nữ tâm sự đầy chua chát.

 

Có những việc, người chuyển giới nữ dù thử tay nghề khá ổn, ví như trang điểm cô dâu, nhưng chủ vẫn kiếm lý do để “hắt đi”: “... Người ta còn nói này nói nọ như là coi rẻ, khinh bỉ vậy đó. Pê đê vô làm chỉ ăn cắp hay là cái gì thôi. Rồi là em nửa này nửa kia làm sao em thay đồ cô dâu được, người ta ngại” (J, 28 tuổi).

 

Và ngay cả khi công việc đã ổn định, vì bị phát hiện là transgender, vẫn có người chuyển giới bị đuổi việc. Số khác thì bị cấp trên và đồng nghiệp dè bỉu, trêu chọc, xa lánh. Hơn 16% bị đối xử không công bằng (lương thấp hơn, điều kiện lao động tồi hơn đồng nghiệp); 17% số người được hỏi bị ép phải thay đổi thể hiện bên ngoài, thậm chí gần 5% bị quấy rối tình dục (dưới nhiều hình thức) vì là người chuyển giới. Những sức ép tinh thần đó khiến không ít người chuyển giới phải tự rời bỏ công việc đang làm.

 

Nhiều cạm bẫy, lắm nguy cơ

 

Không có công việc ổn định, người chuyển giới, nhất là những người không có trình độ chuyên môn và học vấn, đành chấp nhận sự bấp bênh. V.- một chuyển giới nữ 26 tuổi tại TP Hồ Chí Minh kể lại: “Hồi nhỏ xíu thì em đi bán vé số. Lúc 9 - 10 tuổi, những công việc như lượm ve chai em cũng làm rồi. Rồi lớn lớn thì đi làm ở shop quần áo, bán quần áo. Rồi bán cafe, nghỉ rồi đi sửa xe. Sau đó bán hàng ở trung tâm thương mại. Bây giờ quay lại nghề phục vụ”.

 

Kết quả khảo sát của ISEE với những chuyển giới nữ từ 18 tuổi trở lên cho thấy, đa số người chuyển giới kiếm sống bằng cách tự kinh doanh hoặc phụ giúp gia đình. Số đáng kể làm nghề ca hát (đám ma, đám cưới, hội chợ, số rất ít mới thành công trong showbiz), trang điểm, làm tóc... Công việc tưởng nhẹ nhàng, nhưng không kém phần nhọc nhằn. Trong số những người hành nghề hát đám, có trên 75% không hoặc rất không hài lòng với công việc của mình. Chuyện việc làm của Cát Thy (TP Hồ Chí Minh) thật vất vả: “Tôi và nhóm bạn chuyển giới lập một nhóm hát-xiếc, diễn từ đám tang, đám sinh nhật cho tới đám cưới, đám giỗ. Chúng tôi có thể múa xiếc, xiếc bàn, dùng miệng cắn chân bàn, nâng bàn lên giữ cân bằng… Tôi tập xiếc đã hơn 1 năm, tôi có thể xếp ghế thành hình, xiếc xe đạp, ăn nhang cháy, ăn than, phun lửa... Ngoài ra, tôi còn làm MC trong show diễn nữa... Hồi mới tập chưa quen, tôi bị bỏng, bị đau nhiều lắm, nhưng giờ quen rồi. Với lại khán giả thích mấy trò mạo hiểm như vầy lắm, chứ hát hoài người ta la”.

 

Và dù có làm gì, thu nhập của người chuyển giới đa số không cao. Gần 25% số người chuyển giới thu nhập từ 2 triệu đến dưới 4 triệu đồng/tháng, 15 - 20% thu nhập chỉ từ 1-2 triệu đồng/tháng mà thôi. Y. (20 tuổi) cho biết: “Mấy người khách quen trong xóm thấy em gội đầu được thì người ta kêu tại nhà. 20 - 30 ngàn gì đó. Ngày nào có vậy thì em được 30 ngàn. 2-3 lượt thì được 60 ngàn lận. Nhưng 1 tuần chỉ được 2-3 ngày thôi, nhiều khi cả tháng không ai gọi đi gội đầu”!

 

“Phải tìm mọi cách để sống”, một người chuyển giới tâm sự. Thực tế chua xót là “mại dâm” cũng là một nghề mà người chuyển giới (có trình độ cao hoặc không) phải lựa chọn. Trong số những người trên 18 tuổi trả lời phỏng vấn nghiên cứu của ISEE, có 2,53% người thừa nhận việc hành nghề mại dâm, làm “gái”. Trong số những người không trả lời thẳng công việc mại dâm, thì ghi: call- boy, phục vụ, làm vợ người ta... Những lời tâm sự thật xót xa: “Pê đê bọn em chỉ có hai cách để kiếm tiền thôi, một là đi hát đám ma, hay là làm gái, chứ còn biết làm gì bây giờ... Bây giờ em thấy đi đâu có ai muốn làm “nghề” bán dâm đâu. Nhưng thực sự là không bán dâm không kiếm được nghề nào khác làm... ”.

 

Theo nghiên cứu của ISEE, những định kiến cho rằng người chuyển giới là “bệnh hoạn”, “đua đòi” hoặc “trộm cắp” khiến người chuyển giới khó có cơ hội kiếm được việc làm. Một số người tìm được công việc tạm thời trong quán ăn hoặc doanh nghiệp tư nhân, nhưng thường phải nghỉ việc sau một thời gian ngắn vì thái độ phân biệt đối xử và bất công nơi làm việc. Do bị phân biệt đối xử từ gia đình, họ thường ít được đầu tư cho việc học hành và phát triển nghề nghiệp. Thiếu nền tảng hỗ trợ từ gia đình và không bằng cấp khiến cơ hội việc làm càng trở nên mong manh hơn.


Thùy Hương

 

Bài cuối: Khát khao việc làm phù hợp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN