Venezuela để ngỏ khả năng giảm sản lượng dầu mỏ

Trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục xu thế giảm, Venezuela - nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - tuyên bố để ngỏ khả năng cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu để vực dậy giá loại hàng hóa chiến lược này.

Phát biểu với báo giới ngày 20/11, Ngoại trưởng Venezuela Rafael Ramirez tuyên bố Caracas sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu như một phương án để kích giá dầu tăng trở lại. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ chỉ được thực hiện nếu OPEC nhất trí khống chế sản lượng.

Venezuela để ngỏ khả năng giảm sản lượng khai thác dầu.


Chính khách từng có 12 năm đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela này nhận định 100 USD/thùng là mức giá hợp lý trên thị trường dầu mỏ thế giới, thay vì mức xấp xỉ 80 USD/thùng hiện nay. Ông cho biết Venezuela sẽ nêu đề xuất hạn chế sản lượng khai thác dầu tại cuộc họp ngày 27/11 tới của OPEC tại thủ đô Vienna của Áo.

Ngoại trưởng Ramirez vừa có chuyến công du một loạt nước thành viên OPEC và các nước bên ngoài tổ chức này, với các chặng dừng chân ở Algeria, Iran, Mexico, Qatar, Nga và Saudi Arabia. Dầu mỏ là hàng hóa xuất khẩu chiến lược của Venezuela, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ của nước này. Theo ước tính, khi giá dầu giảm 1 USD/thùng, Venezuela sẽ thất thu khoảng 720 triệu USD mỗi năm.

Đánh giá về ý định của Venezuela, giới phân tích thị trường quốc tế cho rằng các nước thành viên OPEC ở vùng Vịnh, trong đó phải kể tới Saudi Arabia, sẽ không dễ dàng chấp nhận đề xuất này của Caracas trừ phi thị phần của họ trong thị trường dầu mỏ thế giới không bị ảnh hưởng. Từ tháng 6 tới nay, giá dầu đã giảm khoảng 25%, ảnh hưởng tới nhiều nước vốn phụ thuộc vào xuất khẩu "vàng đen".

Trong khi đó, giá dầu đã có dấu hiệu cải thiện nhờ các chỉ số kinh tế khả quan của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, phần nào lấn át những tin ảm đạm từ Trung Quốc và Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Chốt phiên giao dịch ngày 20/11 trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2014 tăng 1 USD, lên mức 75,58 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2015 tăng 1,23 USD lên 77,33 USD/thùng.

Các nhà đầu tư đón nhận một loạt số liệu kinh tế tích cực. Cụ thể, chỉ số hoạt động chế tạo - do chi nhánh tại Philadelphia của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố - tăng mạnh ngoài dự kiến. Trong khi đó, chỉ số LEI - tổng hợp một số chỉ số kinh tế chủ chốt do Conference Board công bố cùng ngày - cũng cho thấy một con số tích cực. Doanh số bán nhà sẵn có cũng tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10 vừa qua.

Theo Carl Larry, Giám đốc mảng thị trường dầu mỏ và khí đốt tại công ty tư vấn Frost & Sullivan, số liệu kinh tế khả quan từ Mỹ đã giúp thị trường dầu mỏ phục hồi trong phiên này. Những số liệu tích cực này cũng làm át đi những lo ngại của giới đầu tư về báo cáo thất vọng về hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc - nền kinh tế "ngốn" năng lượng hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo sơ bộ của ngân hàng HSBC, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng 11/2014 đã giảm xuống mức 50 từ mức 50,4 của tháng 10/2014. Đây là một ranh giới khá mong manh, bởi mức dưới 50 được coi là suy giảm. Tương tự, tại Eurozone, chỉ số PMI cũng giảm xuống 51,4 trong tháng 11/2014 - mức thấp nhất trong 16 tháng qua, từ mức 52,1 của tháng 10.


TTXVN/Tin tức

Saudi Arabia có đủ sức lũng đoạn giá dầu?
Saudi Arabia có đủ sức lũng đoạn giá dầu?

Trước khi Thái tử Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz, tới Brisbane, Australia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20, đã nổi lên một làn sóng các câu hỏi và phân tích về chiều hướng của giá dầu trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN