Tỷ lệ người Mỹ ủng hộ dỡ bỏ cấm vận Cuba tăng

Tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận thương mại với Cuba dường như ngày càng tăng sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông có kế hoạch khôi phục quan hệ ngoại giao với La Habana.


Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos tiến hành từ ngày 18-22/12, có 41% người Mỹ ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận Cuba, cao hơn so với tỷ lệ 37% trong cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 7-10/2014. Trong khi đó, 34% cho biết họ không chắc có nên dỡ bỏ cấm vận với Cuba hay không, thấp hơn so với tỷ lệ 38% trong cuộc khảo sát trước đó. Tỉ lệ phản đối dỡ bỏ cấm vận Cuba không thay đổi, vẫn ở mức 25%.

Tỷ lệ người dân Mỹ cho rằng Cuba là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng không thay đổi - khoảng 1/3. Trong khi đó, 46% người dân Mỹ ủng hộ ý định của Tổng thống Obama bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, tăng so với mức 43% trong cuộc khảo sát trước đó.

Ngày 17/12/2014 đã trở thành một dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua, khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới. Ngay sau khi công bố quyết định trên, Tổng thống Obama đã yêu cầu các cơ quan chức năng khởi động các bước bình thường hóa quan hệ với Cuba, mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Cuba và xem xét đưa đảo quốc này ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.

Tuy nhiên, để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận Cuba cần phải có sự thông qua của quốc hội Mỹ, điều mà chính quyền Tổng thống Obama thừa nhận là rất khó khăn. Một số nghị sỹ đảng Cộng hòa phản đối mạnh động thái này, trong đó Thượng nghị sỹ bang Florida, ông Marco Rubi, một người Mỹ gốc Cuba được coi là ứng cử viên tiềm năng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, tuyên bố sẽ đảo ngược các quyết định của ông Obama.


TTXVN/Tin tức

Lý do thực sự khiến Mỹ thay đổi chính sách với Cuba
Lý do thực sự khiến Mỹ thay đổi chính sách với Cuba

Thực tế mới đang đòi hỏi một kiểu hoạt động ngoại giao khác của Mỹ: Công nhận lợi ích đa dạng của Mỹ Latinh, lấy quan hệ thương mại làm đòn bẩy. Thời đại của việc sử dụng sức mạnh quân sự và hoạt động chính trị lật đổ nhằm bảo đảm ảnh hưởng đã qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN