Trung Quốc giúp Argentina phát triển năng lượng

Trong chuyến thăm Trung Quốc trong tuần qua của Bộ trưởng kế hoạch, đầu tư công và dịch vụ Argentina (Áchentina), Julio de Vido, nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, hai nước đã ký thỏa thuận về việc Trung Quốc chuyển giao công nghệ phát triển các lò phản ứng sử dụng urani làm giàu để làm nhiên liệu, có thể được dùng tại hai nhà máy điện nguyên tử sắp được xây dựng tại Argentina.

Thỏa thuận được ký giữa Phó chủ tịch Công ty điện nguyên tử Argentina (NASA) Jose Luis Antunez và đại diện của Tổng công ty điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC).

Trước đó, trong chuyến thăm Argentina hồi tháng 6 của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác năng lượng hạt nhân, theo đó hai bên cùng nghiên cứu về khả năng xây một nhà máy hạt nhân mới do Trung Quốc tài trợ vốn và chuyển giao công nghệ để sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

CNNC là một trong 5 doanh nghiệp vượt qua vòng đấu thầu sơ bộ năm 2010 để xây dựng một lò phản ứng urani làm giàu cho Argentina. Các doanh nghiệp cũng được sơ tuyển là Westinghose (Mỹ), Areva (Pháp), Rosatom (Nga) và Kepco (Hàn Quốc). Theo dự kiến, Argentina sẽ tổ chức đấu thầu trong năm tới.

Argentina có 3 nhà máy điện hạt nhân, trong đó nhà máy Atucha I (với công suất 357 Mwe) được khánh thành năm 1974, là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Mỹ Latinh, nhà máy Embalse (648 Mwe) được đưa vào vận hành năm 1984, và nhà máy thứ 3 là Atucha II (745 Mwe) đang trong giai đoạn xây dựng. Các nhà máy này sử dụng các lò phản ứng urani tự nhiên hoặc urani làm giàu nhẹ.

Một trong những mục tiêu chính của chuyến công du của ông De Vido là tìm kiếm đối tác xây dựng 2 đập thủy điện trên sông Santa Cruz ở vùng Patagonia với vốn đầu tư ước tính 21 tỷ pêxô (4,5 tỷ USD). Ngoài Trung Quốc, Argentina hy vọng sẽ thu hút được nguồn tài chính từ Braxin và Nga.

Cam kết đầu tư của Trung Quốc tại Argentina tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 700 triệu pêxô năm 2003 lên gần 12 tỷ pêxô (2,6 tỷ USD) năm 2011.

Theo ông De Vido, với việc xây dựng các nhà máy thủy điện và điện hạt nhân sắp tới, Argentina sẽ không còn chịu gánh nặng phải nhập khẩu nhiên liệu.


Quang Sơn (P/v TTXVN tại Buênốt Airết)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN