Trò chuyện với người nổi tiếng “bất đắc dĩ”: Ông Thỏa mong giá cả bớt... hỏa

Giá cả càng nóng, tên ông càng “hot”. Gõ Google đánh “Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá”, ra cả ngàn kết quả. Sự xuất hiện của ông thường gắn với sự trồi sụt của giá cả, vì thế đương nhiên nó chẳng gắn với điều lành. Nhưng, sự thực không thể chối bỏ là báo nào cũng muốn ông xuất hiện trên trang báo mình, nhất là mỗi khi giá cả nổi cơn “thịnh nộ” hoặc “đỏng đảnh” mỗi dịp Tết đến Xuân về…

Hỏi thật ông một câu, “chạm trán” cánh phóng viên quanh năm, giờ là lúc cần tĩnh tâm để đón một năm mới đến mà vẫn bị chúng tôi đeo bám, ông có thấy ngán không?

(Cười). Bạn hỏi thật thì tôi cũng nói thật: Ngán thì không ngán nhưng cũng có tý… chán. Chán không phải chán các bạn, mà là chán rằng khi nhà báo còn muốn gặp tôi, nghĩa là giá cả vẫn chưa yên! Tôi có lẽ là người nổi tiếng bất đắc dĩ nhất trong số những người được thiên hạ biết đến tên tuổi.


Nhưng biết làm sao khi một trong những trách nhiệm của tôi với tư cách nhà quản lý giá cả là phải rộng đường cho dư luận tường tận thông tin, còn các bạn thì lại có nhiệm vụ chuyển tải kịp thời các thông tin đó. Bởi vậy, chúng ta mới luôn có duyên gặp nhau. Mà đã có duyên thì muốn tránh cũng khó, đúng không?... (lại cười).

Có vẻ như ông đang trả lời hơi “ngoại giao” vì tôi nhớ hồi tháng ba năm rồi, cánh phóng viên nhớn nhác tìm ông nhưng chỉ thấy “bặt vô âm tín”. Biết là khi ấy ông còn bận đóng phim, nhưng lúc đó giá cả cũng đang nóng lắm…

Cái này thì đôi khi các nhà báo cũng ưu ái “quan tâm” tôi quá (có vẻ như giọng ông Thỏa chùng xuống). Chuyện tôi đi đóng phim là có thật. Có điều lúc đó dư luận ồn lên là tôi đi hàng tháng, nhưng thực ra tôi đi chỉ có mấy ngày, trong đó có ngày nghỉ.


Khi đi, tôi có phân công công việc hẳn hoi, giữ mối liên lạc thường xuyên với các đồng nghiệp ở nhà. Mà làm giá, bình ổn giá cũng là công việc chung của cả hệ thống chính trị, cá nhân tôi chỉ là một bộ phận nhỏ trong guồng máy ấy.


Điều thú vị là đi như vậy nhưng tôi vẫn tranh thủ tìm hiểu được một số vấn đề về quản lý giá hàng hóa, dịch vụ của bạn… Dư luận nêu, góp ý như vậy cũng tốt, mình phải xem lại mình. Tuy lúc đó tôi rất buồn nhưng may thay bên cạnh tôi có quá nhiều người vẫn động viên, khích lệ và ủng hộ nên tôi cũng thấy tự tin hơn…

Tôi thì nghĩ qua câu chuyện này lại càng thấy rõ vai trò của người quản lý giá nói riêng và khâu quản lý giá nói chung là rất quan trọng trong công cuộc kiểm soát, bình ổn giá mà cả hệ thống chính trị đang phải vào cuộc?

Tôi xin khẳng định cá nhân tôi không quan trọng, nhưng đúng là khâu quản lý giá quan trọng. Song không phải là khâu quan trọng nhất trong cả hệ thống kiểm soát giá cả nói chung.

Để kiểm soát giá cả như thế nào cho hiệu quả, tôi nghĩ cần phải đi từ việc hiểu giá cả là cái gì, nó được hình thành từ đâu, những nhân tố nào tác động đến nó. Có thể thấy giá trị luôn quyết định giá cả thị trường, giá trị là nội dung, là bản chất của giá cả, giá cả là hình thức, là hiện tượng của giá trị - mà giá trị hàng hóa là thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất hàng hóa… được hình thành từ khâu sản xuất. Như vậy nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt thể hiện ở việc sử dụng các nguồn lực có hiệu quả (tài nguyên, nguồn vốn, lao động), năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm tốt, tổ chức sản xuất, quản lý hợp lý… thì sẽ có chi phí sản xuất hợp lý và có điều kiện tạo ra mức giá hợp lý và ngược lại.


Bên cạnh đó, giá cả còn có các nhân tố rất quan trọng tác động đến sự hình thành và vận động của nó, đó là quan hệ cung - cầu hàng hóa; là chính sách tiền tệ; chính sách tài khóa… Đây mới là “cái gốc” của câu chuyện về giá cả. Còn việc kiểm soát từng mức giá chỉ là “cái ngọn” của vấn đề. Nếu chúng ta không làm tốt cả phần gốc lẫn phần ngọn thì không thể kiểm soát giá có hiệu quả được. (Nói về chuyên môn nên ông Thỏa rất say sưa khiến PV phải dùng “nghiệp vụ” ngắt mạch ông mấy lần…).

Vâng, đúng là như vậy, nhưng riêng đối với việc chăm sóc “phần ngọn” thì những người có nhiệm vụ quản lý giá như ông đã thấy mình làm tròn trách nhiệm chưa, nhất là trong bối cảnh năm 2010, giá cả đầy biến động khó lường và CPI đã vượt con số Quốc hội dự kiến?

(Được lời như cởi tấm lòng, ông Thỏa trở nên sôi nổi). Những người làm giá nói chung và cụ thể như tôi sắp bước sang năm thứ 37 trong nghề, luôn tâm niệm: Giá cả là lợi ích kinh tế, nó đụng chạm hàng ngày tới cuộc sống của mỗi gia đình.


Với tính chất quan trọng và đầy phức tạp như vậy nên người làm giá không thể lơ là với công việc của mình. Chúng tôi luôn tâm niệm phải luôn luôn đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, phải nghiên cứu để xử lý hài hòa cả những công việc ngắn hạn trước mắt, công việc trung hạn và công việc lâu dài.

Giá cả tác động đến mọi mặt đời sống. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Năm qua, chúng tôi vừa tập trung xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý về quản lý giá như Luật giá, các Nghị định của Chính phủ về quản lý giá, vừa phải tổ chức triển khai các công việc bình ổn giá của năm nay và năm sau.


Khối lượng công việc quá nhiều và thật vất vả: Ngay từ cuối năm trước đã tập trung dự báo tình hình, kiến nghị giải pháp thực hiện. Hai ngày một lần cập nhật thông tin của các địa phương gửi về, 15 ngày hàng tháng và cuối mỗi tháng đều có nghiên cứu đánh giá tình hình thế giới và trong nước để chủ động đề xuất bổ sung các biện pháp bình ổn giá. Tổ chức nhiều đoàn đi hầu hết các địa phương trong cả nước nắm tình hình, kiểm tra thực hiện chấp hành pháp luật về giá…

Tuy vậy, nếu nói là hài lòng thì chúng tôi chưa bao giờ hài lòng với mình cả. Mặc dù CPI năm 2010 đã tăng tới 11,75% còn do nhiều yếu tố từ phần “gốc” đến phần “ngọn”, từ khách quan đến chủ quan. Nhưng trong đó cũng không thể bỏ qua phần trách nhiệm của khâu quản lý giá cả. Chúng ta phải rút kinh nghiệm để có thể chủ động, linh hoạt, hiệu quả hơn trong việc đưa ra các giải pháp, chính sách điều hành giá cả của mình…

Như vậy, có những thời điểm dư luận cho rằng công tác điều hành giá cả vẫn bị chậm so với diễn biến của thực tế là không sai và cũng không hề khắt khe đối với những người làm quản lý giá chứ, thưa ông?

(Ông Thỏa nhấp ngụm trà và có vẻ… dè dặt hơn). Tôi cho rằng, chúng tôi phải cảm ơn dư luận, vì có càng khắt khe mới càng có thể tiến bộ nhanh. Tôi chỉ xin kể lại rằng, để thực hiện chủ trương kiểm soát ngăn ngừa tái lạm phát cao, giữ chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 8% so với tháng 12/2009; ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2010, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát cao trở lại và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.


Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã cụ thể hóa thành các kế hoạch, biện pháp triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, nên đã đạt được những kết quả quan trọng; giá cả thị trường không có những “cơn sốt” đột biến xảy ra. Tuy nhiên, giá cả đã tăng ở mức cao, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, tác động không thuận đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Sở dĩ như vậy là do việc quản lý, điều hành giá cả còn có những bất cập.

Đó là sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, các ngành, địa phương chưa đồng bộ nên công tác bình ổn giá đạt hiệu quả chưa cao. Việc điều hành cung - cầu một số hàng hóa, dịch vụ chưa tốt như: Điện, đường ăn, vàng, ngoại tệ, nhiều loại hàng hóa thiết yếu ở các vùng lũ lụt, dịch bệnh… đã tác động mạnh đến giá thị trường.


Hệ thống cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa được sắp xếp hợp lý, còn hiện tượng độc quyền (sữa); chồng chéo, vòng vèo, tầng nấc đẩy chi phí lưu thông tăng cao khó kiểm soát như: Phân bón, thuốc phòng chữa bệnh, xi măng, sắt thép…


Còn cơ chế bao cấp qua giá điện, giá than kéo dài không khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt, đồng thời hạn chế việc huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển nguồn và lưới điện. Quản lý giá một số mặt hàng còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao nhất là: Sữa, thuốc phòng chữa bệnh. Xử lý cụ thể giá một số hàng hóa, dịch vụ công chưa bảo đảm lộ trình thích hợp như: Nước sạch sinh hoạt, học phí giáo dục… đã tác động làm tăng cao mặt bằng giá.

Năm mới, nói chuyện cũ vậy cũng khá đủ rồi. Muốn hỏi ông một câu cuối cùng trong câu chuyện đầu năm này: Ông nhận định thế nào về diễn biến giá cả năm mới 2011 và các giải pháp quản lý hiệu quả?

Cách đây hàng tháng, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu các đánh giá, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trên cơ sở đó để tham mưu đề xuất các giải pháp bình ổn giá cho năm 2011. Chúng tôi đánh giá về những nhân tố tác động đến mặt bằng giá về cả tình hình thế giới lẫn trong nước; khách quan lẫn chủ quan. Nhìn chung cho thấy năm 2011 tiềm ẩn những yếu tố gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.

Năm 2011, mục tiêu của chúng ta là kiểm soát chỉ số CPI không quá 7%. Để mục tiêu trên có tính khả thi thì phải tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã xác định. Bên cạnh đó, Cục Quản lý giá đã tham mưu để tổ chức triển khai thực hiện những biện pháp bình ổn giá từ chính sách tài chính, giá cả ngay từ quý I và cả năm 2011 như sau:

Điều hành chính sách tài khóa phải chủ động, chặt chẽ thông qua các biện pháp quản lý thu chi ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phấn đấu giảm bội chi ngân sách theo mục tiêu Quốc hội đề ra.


Trước mắt, trong quý I/2011 cần: Thực hiện rà soát, bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật (trước mắt hoãn thu phí giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm đến hết quý I/2011). Sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, Quỹ Bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu…

Về quản lý, điều tiết giá cả. Thứ nhất: Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường. Thứ hai: Chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước.


Thứ ba: Chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá.


Thứ tư: Tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp: Kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết ngừng việc đăng ký giá có mức tăng giá không hợp lý…Thứ năm: Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, cơ chế điều hành giá của Nhà nước.

Tôi thực sự mong chúng ta sẽ thực hiện nghiêm và hiệu quả các giải pháp trên, để năm nay giá cả sẽ bớt… hỏa và nhờ đó tôi càng… ít gặp các bạn càng tốt! (Nói rồi, ông Thỏa cười hóm hỉnh).

Xin cảm ơn ông và chúc cho mong ước của ông trở thành hiện thực!

Ninh Hồng Nga
(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN