Triều Tiên hoãn phóng tên lửa do vấn đề kỹ thuật

Tân Hoa xã dẫn tin Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 10/12 cho biết CHDCND Triều Tiên đã quyết định lùi kế hoạch phóng vệ tinh gây tranh cãi đến ngày 29/12, mở rộng khung thời gian thêm một tuần so với dự định ban đầu từ ngày 10 đến 22/12. Theo Ủy ban Công nghệ vũ trụ Triều Tiên, quyết định này là để giải quyết “sai sót kỹ thuật” của tầng một tên lửa này.


 

Hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 được triển khai trên đảo Ishigaki của Nhật. Ảnh: Kyodo/TTXVN

 

Tờ “Chosun Ilbo” (Hàn Quốc) số ra cùng ngày đã phát hình ảnh từ vệ tinh của Hàn Quốc cho thấy Triều Tiên tiến hành các thao tác thay thế tầng ba (phần trên cùng) của tên lửa đẩy tại bãi phóng Tongchang-ri và đưa nhận định "nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa đúng thời hạn đặt ra là đến ngày 22/12".


Kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên - bị Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc coi là vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Kế hoạch này trùng với dịp kỷ niệm một năm ngày nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời (17/12/2011), đồng thời cũng đúng vào thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngày 10/12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN, đã kêu gọi Triều Tiên hoãn vĩnh viễn kế hoạch phóng tên lửa. Ông Hun Sen nhấn mạnh rằng “kế hoạch này không mang lại bất kỳ lợi ích gì, mà thay vào đó nó sẽ gây lo ngại cho khu vực và kích động căng thẳng”.


Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cho biết những trận bão mùa đông và giá lạnh bất thường đã bao trùm cả bán đảo Triều Tiên. Sáng ngày 10/12, nhiệt độ tại thành phố Sinuiju (Triều Tiên) giáp giới với Trung Quốc tụt xuống - 13 độ C. Theo nhận định của Giáo sư ngành vũ trụ không gian, Lee Chang-jin thuộc Đại học Konkuk (Hàn Quốc), Triều Tiên có thể phóng tên lửa trong điều kiện có tuyết, nhưng sấm sét và gió mạnh nhiều khả năng sẽ gây trì hoãn vụ phóng này. Một số nhà phân tích cho rằng, việc Bình Nhưỡng quyết tâm thực hiện vụ phóng tên lửa trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt cho thấy những toan tính chính trị đằng sau thời điểm vụ phóng, thay vì những cân nhắc về mặt kỹ thuật.


Bất chấp những thay đổi trong kế hoạch của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sáng 10/12 tuyên bố chính phủ nước này vẫn duy trì tối đa cảnh giới và giám sát vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. Tôkyô đã triển khai các tàu trang bị hệ thống chống tên lửa đạn đạo tới vùng biển xung quanh Nhật Bản để sẵn sàng can thiệp và phá hủy tên lửa của Triều Tiên trong trường hợp tên lửa đẩy rơi xuống lãnh thổ Nhật. Nước này cũng đã triển khai xong hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 ở tỉnh Okinawa, trung tâm thủ đô Tôkyô và một số khu vực lân cận.


Tờ Chosun cũng đưa một thông tin đáng lưu tâm về sự xuất hiện của một nhóm chuyên gia tên lửa Iran ở Triều Tiên để hỗ trợ kỹ thuật cho vụ phóng tên lửa mang vệ tinh nói trên. Dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc, báo này cho biết người Iran đã được mời tới sau vụ phóng tên lửa bất thành gần đây nhất của Bình Nhưỡng hồi tháng 4/2012. Hồi đầu tháng 12, hãng Kyodo cũng dẫn một nguồn tin ngoại giao nói rằng một số quân nhân Iran đã có mặt liên tục tại Triều Tiên kể từ tháng 10/2012 để tăng cường hợp tác tên lửa và hạt nhân giữa hai nước.


Hiện cả Triều Tiên và Iran đều đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến hoạt động hạt nhân. Bản báo cáo về lệnh trừng phạt của LHQ năm 2011 cho rằng hai nước này bị nghi ngờ chia sẻ kỹ thuật tên lửa đạn đạo.


Trần Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN