Trẻ em cầm súng ở Myanmar

Hai năm qua, chính phủ Myanmar đã thực hiện một loạt cải cách và sẵn sàng đưa ra những cam kết mới về lính trẻ em ký tháng 7/2012 với Liên hợp quốc. Đến nay sau hơn 1 năm triển khai kế hoạch, Myanmar đã “loại ngũ” thêm 42 trẻ em song rõ ràng vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của các cam kết trong việc cải tổ quân đội, thiết lập cơ chế hữu hiệu để ngăn ngừa việc tuyển mộ trẻ em cũng như thúc đẩy tiến trình giải ngũ, giải giáp và tái hòa nhập xã hội cho các binh sĩ trong độ tuổi vị thành niên.

 

Kỳ I: 10 tuổi đã khoác áo lính

 

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2011 rồi trả tự do cho thủ lĩnh đối lập, bà Aung San Suu Kyi, bị quản thúc tại gia trong nhiều năm, đất nước Myanmar dưới thời Tổng thống Thein Sein được ví với Nam Phi của Willem de Klerk (1936) và Nelson Mandela (1918-2013) trong đầu thập niên 1990. Không một chuyển biến chính trị nào diễn ra chóng vánh mà hòa bình đến vậy. Chính quyền đã ký thỏa thuận ngừng bắn với 11 nhóm sắc tộc, thực hiện hòa giải với chính đảng đối địch Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), thành lập Ủy ban nhân quyền quốc gia, nới lỏng kiểm duyệt báo chí và quản lý các hoạt động tiền tệ...

42 lính trẻ em được giải ngũ ở Myanmar trong một buổi lễ tháng hồi tháng 9/2013.


Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này vẫn phải đối diện với không ít thách thức nghiêm trọng về xã hội, chính trị và kinh tế trong những giai đoạn đầu của cải cách. Đáng kể nhất có lẽ là nước này chưa thể xóa bỏ hoàn toàn chế độ tuyển mộ binh sĩ trẻ em trong một sớm một chiều. Chắc chắn họ vẫn còn phải trải qua một chặng đường dài, mặc dù việc giải ngũ cho 42 trẻ em khỏi Tatmadaw (lực lượng vũ trang Myanmar) là động thái đáng được biểu dương.


Có một thực tế cần lưu ý là bất chấp những tiến bộ và thỏa thuận ngừng bắn gần đây, Myanmar vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Nước này đã chứng kiến giao tranh liên miên trong hơn 50 năm qua và vào thời điểm hiện tại, Tatmadaw đã bị cuốn vào cuộc xung đột với ít nhất 35 nhóm vũ trang. Trong khi Tổng thống Thein Sein được trao giải thưởng “vì hòa bình” của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, thì đầu năm 2013, giao tranh tại một số khu vực đã trở nên nghiêm trọng làm xuất hiện trở lại những quan ngại về vấn đề nhân quyền.


Liên hợp quốc đã dẫn các tài liệu chứng minh việc sử dụng binh sĩ trẻ em tràn lan ở Myanmar trong hơn 10 năm qua, và cuộc xung đột dai dẳng ở đất nước này dường như càng kéo dài đến bất tận cái nghiệp đi lính từ nhỏ ấy. Tình trạng kinh tế và xã hội khó khăn ở Myanmar vô hình chung đã tạo ra những nhóm yếu thế trong xã hội, khiến họ dễ bị gọi nhập ngũ. Ở phía bên kia chiến tuyến, một số người thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số buộc phải lệ thuộc vào các nhóm vũ trang để nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ. Kết quả là, mối quan hệ “gắn bó” giữa các nhóm vũ trang này với một bộ phận dân chúng càng khiến những đứa trẻ tình nguyện gia nhập hàng ngũ của họ. Nay Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tuyên bố Myanmar là một trong 14 quốc gia có các nhóm vũ trang vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em.

Lính trẻ em sắc tộc Karen huấn luyện hồi tháng 3/1988 tại Manerplaw, gần biên giới Thái Lan.


Theo ước tính của các tổ chức phi chính phủ, hiện có tới 80.000 trẻ em đang phải khoác áo lính ở Myanmar, trong đó có những em chỉ 10-11 tuổi, cao 1,3 mét và nặng chừng 30 kg. Các em được huấn luyện giống với người lớn trong hầu hết các trường hợp và có thể được đưa ra chiến trường khi lên 12 tuổi. Những binh sĩ này được sử dụng để chống lại các nhóm vũ trang và thực hiện các vụ vi phạm nhân quyền như đốt phá làng mạc hay vây bắt dân thường đi lao động khổ sai.


Như một phần của loạt biện pháp cải cách gần đây được công bố sau lễ nhậm chức của Tổng thống Thein Sein, LHQ và Chính phủ Myanmar đã ký kết “Kế hoạch hành động chung” trong tháng 7/2012 với mục tiêu là xác định, giải ngũ và tái hòa nhập xã hội cho trẻ em ở cả trong Tatmadaw lẫn Lực lượng Biên phòng. Nay Pyi Taw cũng nhất trí thúc đẩy các chương trình nhằm tìm cách chấm dứt việc sử dụng trẻ em trong các tổ chức vũ trang phi chính phủ. Đây rõ ràng là một tiến bộ quan trọng.


Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Myanmar, vấn nạn trẻ em cầm súng vẫn tồn tại nhiều vấn đề khó giải quyết. Mặc dù Myanmar đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em năm 1991, song nước này chưa thông qua Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em có hiệu lực năm 2012, trong đó đề cập đến việc trẻ em bị cuốn vào các cuộc xung đột vũ trang. Ngoài ra, Nay Pyi Taw cũng chưa ký Đạo luật Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế, quy việc chiêu mộ trẻ em dưới 15 tuổi là tội ác chiến tranh. Kể từ khi thực thi Kế hoạch hành động chung, tình hình không cải thiện nhanh như mong đợi. Tatmadaw vẫn đang tuyển mộ thanh thiếu niên mặc dù với quy mô nhỏ hơn. Nguyên nhân một phần bắt nguồn từ tính chất dai dẳng của xung đột, khiến quân đội Myanmar khó có thể từ bỏ thói quen sử dụng trẻ em.


Rõ ràng ở nước này đang thiếu đi những cơ chế hữu hiệu để ngăn ngừa việc sử dụng trẻ em trong Tatmadaw, Lực lượng Biên phòng và tất cả các tổ chức vũ trang khác. Đặc biệt, Lực lượng Biên phòng dường như còn không thiết thẩm tra lý lịch trẻ em trong hàng ngũ của họ, nói gì đến việc lập kế hoạch tái hòa nhập và ngăn ngừa tuyển mộ trẻ em trong tương lai. Tương tự, các tổ chức như Liên minh dân tộc Karen/Quân đội giải phóng dân tộc Karen (KNU/KNLA) và Quân đội phật giáo dân chủ Karen (DKBA) cũng có những quy trình tuyển quân hết sức lỏng lẻo mà việc thiếu các thủ tục xác minh độ tuổi phù hợp đang tiếp tục khiến trẻ em ở nước này gặp nhiều rủi ro.


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ cuối: Kỳ vọng từ chất xúc tác mới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN