Tranh luận về bí mật y tế sau vụ rơi máy bay Germanwings

Bí mật y tế, liên quan đến các thông tin về tình trạng bệnh tật của một cá nhân, là nguyên tắc của ngành y tế và được quy định trong hiến pháp nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không Đức Germanwings ở dãy núi Alps của Pháp do viên phi công phụ cố tình gây ra, vấn đề bảo mật y tế trở thành chủ đề gây tranh luận tại Đức.

Nhiều chuyên gia cho rằng với một số ngành nghề đặc biệt, bác sĩ có trách nhiệm thông báo với người sử dụng lao động khi nhân viên không đủ khả năng làm việc "nhất là trong các trường hợp mắc bệnh tâm thần và nguy cơ tự sát".

Ông Dirk Fischer, chuyên gia về giao thông thuộc Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel , yêu cầu các phi công chỉ được đến khám bệnh tại các bác sĩ do bên sử dụng lao động chỉ định, và các bác sĩ nói trên sẽ không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ tôn trọng bí mật y khoa, trong khuôn khổ thông tin làm việc với bên sử dụng lao động và giới chức ngành hàng không dân dụng.

Cơ phó Andreas Lubitz, người đã lao chiếc máy bay chở 150 người xuống sườn núi. Ảnh: AFP/TTXVN


Nghị sĩ đảng Dân chủ - Xã hội (SPD) Karl Lauterbach, một giáo sư y khoa, cũng đồng quan điểm, khi cho rằng bác sĩ phải có nghĩa vụ thông báo với người sử dụng lao động về tình trạng không thể làm việc của nhân viên, trong trường hợp công việc này có ảnh hưởng đến sinh mạng của người khác, đặc biệt trong các trường hợp bệnh tâm thần và nguy cơ tự sát.

Vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng hàng không Germanwings đã buộc nhiều giới chức y khoa phải xem xét lại nguyên tắc bí mật y tế, ít nhất trước mắt trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Chủ tịch Liên đoàn các bác sĩ ngành hàng không Đức (DFV), ông Hans-Werner Teichmuller cho rằng nếu một phi công vẫn quyết định bay, cho dù không đủ khả năng xét trên phương diện y học, "tôi buộc phải thông báo chuyện này với những người có thẩm quyền". Tuy nhiên, lãnh đạo tổ chức y tế hàng không Đức cũng nhấn mạnh là nghĩa vụ này không liên quan đến người sử dụng lao động.

Cho đến nay, tại Đức, nếu vi phạm nguyên tắc bí mật y khoa sau khi bệnh nhân qua đời và bị người nhà gia đình người chết phản đối, bác sĩ có thể bị phạt tù và phạt tiền. Còn tại Pháp, việc không tôn trọng nguyên tắc bí mật y tế có thể bị phạt một năm tù và 15.000 euro.

Về viên phi công phụ trong vụ rơi máy bay A320, theo cơ quan công tố Dusseldorf (Đức), viên cơ phó Andreas Lubitz, 27 tuổi, từng có biểu hiện muốn tự vẫn và phải trị liệu tâm lý vì điều này từ trước khi nhận được chứng chỉ phi công, đáng lẽ đã không được phép ngồi vào buồng lái vào đúng ngày thảm họa, do có giấy yêu cầu nghỉ việc của bác sĩ mà cơ quan điều tra đã phát hiện tại nhà Lubitz.


Tờ báo Bild của Đức dẫn nhiều tài liệu chính thức cho biết Lubitz đã trải qua "một giai đoạn trầm cảm nặng" cách đây sáu năm và phải theo một liệu pháp "y tế đặc biệt và thường xuyên". Trong khi đó, nhiều phương tiện truyền thông đã cho rằng Lubitz bị bong võng mạc, một chứng bệnh có nguy cơ khiến người này bị đuổi việc.

Hãng hàng không Lufthansa, công ty mẹ của hãng Germanwings cũng vừa thừa nhận viên phi công này đã thông báo với trường dạy lái máy bay vào năm 2009 rằng anh ta từng trải qua một "giai đoạn trầm cảm nặng". Tuy nhiên, Lubitz sau đó vẫn nhận được giấy chứng nhận y tế "xác nhận đủ điều kiện để bay".


TTXVN/Tin tức
Lufthansa biết rõ bệnh tình của cơ phó
Lufthansa biết rõ bệnh tình của cơ phó

Cơ phó Andreas Lubitz đã báo cáo cho trường huấn luyện bay vào năm 2009 rằng hắn ta có tiền sử bị bệnh trầm cảm nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN